Mô hình sinh kế mùa lũ - mở ra hướng đi mới cho nông dân
Thời gian qua, thực trạng biến đổi khí hậu đã tác động sâu đến đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Đồng Tháp nói riêng. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, Đồng Tháp đã xây dựng, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch giúp nông dân sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, sinh kế mùa lũ được xem là mô hình hiệu quả, mở ra hướng canh tác mới cho nông dân vào mùa nước nổi.
Thay đổi tư duy sản xuất
Ai từng lớn lên ở vùng quê Đồng Tháp Mười nói chung, Đồng Tháp nói riêng, chắc hẳn đều không quên được ký ức về mùa nước nổi mênh mông mang phù sa, tôm cá về nuôi sống người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường khiến mùa nước nổi không còn tràn đồng như trước. Lũ nhỏ, phù sa ít làm cho việc sản xuất nông nghiệp của nông dân không còn thuận lợi như trước, sinh kế mùa lũ của người dân gặp nhiều khó khăn. Chính từ thực tế này, với những định hướng của ngành nông nghiệp, người dân dần thay đổi phương thức sản xuất để phù hợp với hoàn cảnh mới...
Theo anh Nguyễn Văn Vương - ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, quê anh mỗi năm chỉ sản xuất 2 vụ lúa nên vào mùa nước, anh cùng những người dân trong vùng thường giăng câu lưới, hái bông điên điển, bông súng để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, quy luật tự nhiên đó gần như thay đổi, những năm gần đây nước lũ về ít, việc kiếm thêm thu nhập từ mùa lũ không còn, ngay cả sản xuất nông nghiệp cũng gặp khó khăn. “Năm 2018 nước lũ thấp, để có phù sa cho ruộng lúa, chính quyền địa phương thực hiện phương án chờ lũ về mở miệng cống giữ nước để lấy phù sa cho đất. Trước sự thay đổi này, địa phương vận động nông dân thực hiện mô hình sinh kế mùa lũ. Nhận thấy mô hình phù hợp với bối cảnh hiện nay nên tôi đồng ý, bắt tay vào thực hiện”.
Theo đó, ngoài 1ha diện tích đất nhà, anh Vương rủ thêm anh em trong gia đình có diện tích đất liền kề khoảng 10ha để thực hiện lên đê bao lửng quanh diện tích lúa và đào 2 ao trữ cá đồng. Phía trên ao, anh xây thêm chuồng nuôi vịt. Đến mùa nước, anh Vương để đất trống để thu hút cá đồng vào, kết hợp trồng thêm điên điển, bông súng bán để có thêm thu nhập trong mùa nước. Theo tính toán của anh Vương, mô hình trồng lúa 2 vụ - thủy sản - chăn nuôi vịt mang lại tổng thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường nhờ việc giảm từ 3-5 lần phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa. Theo anh Vương, dù kế hoạch dự án chỉ hỗ trợ đến năm 2022, nhưng anh vẫn tiếp tục thực hiện mô hình này bởi tính hiệu quả và phù hợp với điều kiện môi trường hiện nay.
Không chỉ thay đổi tư duy, cách làm, người nông dân Đồng Tháp nhận ra rằng, để nâng cao thu nhập, bên cạnh việc đa dạng mô hình sản xuất, cần đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, đất sản xuất màu mỡ nhưng với diện tích 10ha, canh tác lúa 2 vụ/năm chưa mang lại thu nhập như mong đợi, sau nhiều lần trăn trở, năm 2018 được huyện hướng dẫn thực hiện Tiểu dự án nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười (ICRSL), anh Nguyễn Văn Kiểm ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự mạnh dạn động viên gia đình, anh em cùng nhau tham gia mô hình sinh kế mùa lũ 2 lúa – 1 cá (sản xuất lúa theo hướng an toàn và nuôi, trữ cá đồng tự nhiên).
Với việc chuyển đổi theo hình thức sản xuất này, mỗi năm, gia đình anh Kiểm có thu nhập từ mô hình lúa - cá là 837 triệu đồng/10ha/năm, cao hơn so với cách làm truyền thống trước đây là 525 triệu đồng. Đặc biệt, nhờ nuôi cá trên ruộng lúa nên giảm được lượng phân bón, thuốc trừ sâu, một số loại dịch hại gây bệnh như rầy giảm rõ rệt (khoảng 30%). Đây cũng là “bí quyết” để hạt gạo ngon, chất lượng, an toàn và được công ty bao tiêu với giá cao hơn thị trường 2.000đ/kg. Chính từ lợi thế gạo sạch này, năm 2021, anh Kiểm mạnh dạn xây dựng thương hiệu, cho ra mắt sản phẩm Gạo an toàn Huỳnh Kiểm. Sản phẩm của anh đạt giải Nhất cuộc thi gạo ngon Đồng Tháp lần thứ II năm 2021. Anh Kiểm cho biết, thời gian tới, anh sẽ mở rộng thêm diện tích trồng lúa theo mô hình này, tiếp tục giảm lượng phân, thuốc để hướng đến sản xuất lúa hữu cơ.
Phát huy hiệu quả mô hình
Minh chứng từ thực tế, dự án mô hình sinh kế mùa lũ mang đến cho cộng đồng địa phương cơ hội thử nghiệm các mô hình khác nhau, giải pháp thay thế cho trồng lúa thâm canh nhưng vẫn đem lại lợi nhuận.
Theo ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Tiểu dự án ICRSL, Dự án thí điểm mô hình sinh kế mùa nước nổi tại Đồng Tháp ngoài giá trị kinh tế còn giúp bảo vệ môi trường. Các mô hình đều đơn giản, phù hợp với lao động nông thôn, thích ứng tốt hơn với điều kiện nước lũ thất thường, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giá trị cảnh quan sinh thái.
Ông Võ Thành Ngoan chia sẻ, điểm nhấn của dự án đó là hướng nông dân dần sản xuất theo hướng an toàn, có truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị của hạt gạo, phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay. Đáng phấn khởi là hiện nay nông dân thực hiện mô hình từng bước thay đổi tư duy sản xuất, chủ động xây dựng thương hiệu gạo riêng, tăng thu nhập đáng kể từ việc sản xuất theo hướng đa dạng thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch, mô hình sẽ thực hiện đến năm 2022, tuy nhiên sau giai đoạn này, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục duy trì, khuyến khích nông dân sản xuất theo định hướng này. Đồng thời, ngành nông nghiệp còn thực hiện các giải pháp công trình nạo vét các tuyến kênh trục chính để tăng khả năng dẫn lũ và thoát lũ, nạo vét kênh kết hợp lên đê bao, xây dựng cống, trạm bơm điện. Cùng với đó là thực hiện các giải pháp phi công trình nhằm tuyên truyền dự án đến người dân, tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường nông thôn, nghiên cứu và thử nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi mới đáp ứng yêu cầu dự án...
Tiểu dự án ICRSL được tỉnh triển khai từ năm 2018 tại các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và TP Hồng Ngự với việc canh tác lúa và nuôi thủy sản hoặc trồng hoa màu, trồng cây thủy sinh, từ đó giảm được diện tích lúa 3 vụ. Theo tính toán, hầu hết các mô hình đều có tổng lợi nhuận tăng hơn so với ngoài mô hình từ 15,4 - 52,2 triệu đồng. Riêng mô hình 2 lúa-vịt-cá có lợi nhuận cao nhất với tổng lợi nhuận đạt 100 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 52,2 triệu đồng so với ngoài mô hình. Cùng với đó, một số mô hình đang bắt đầu liên kết tiêu thụ lúa an toàn với doanh nghiệp.