Mô hình 'ý Đảng, lòng dân' ở xã Phú Thành

'Chiều thứ 2 đầu quý nghe dân nói' là mô hình dân vận khéo gắn với học tập và làm theo Bác của Đảng ủy xã Phú Thành (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Thực hiện từ năm 2016 đến nay, 4 Bí thư Đảng ủy các thời kỳ vẫn tiếp tục duy trì mô hình.

Những công trình “ý Đảng, lòng dân” liên tiếp được hoàn thành ở xã vùng sâu

Những công trình “ý Đảng, lòng dân” liên tiếp được hoàn thành ở xã vùng sâu

“Định kỳ đầu quý, cấp ủy Đảng, chính quyền chọn chiều thứ 2 đầu tiên để xuống ấp gặp gỡ người dân, luân phiên lần lượt các ấp. Qua 7 năm, địa phương tiếp nhận 150 ý kiến, hầu hết là tâm tư, nguyện vọng liên quan đến đời sống. Mô hình còn là cách kết nối gần gũi nhất để chủ trương phát triển kinh tế - xã hội địa phương được Đảng ủy, UBND xã truyền đạt trực tiếp, tạo đồng thuận trong nhân dân” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Thành Nguyễn Bá Vạn chia sẻ.

Năm ngoái, trong cuộc họp với người dân, ông Vạn ấn tượng về chủ trương điều chỉnh sản xuất “3 năm, 8 vụ” sang “2 năm, 5 vụ” của UBND huyện. Khi triển khai trên địa bàn xã, do chưa hiểu hết lợi ích nên nhiều hộ không đồng thuận. Khác với sản xuất lúa, thời gian canh tác nếp kéo dài hơn, có thể đến 4 tháng, khiến lệch vụ, thất mùa, lợi nhuận giảm dần…

Nông dân vẫn muốn sản xuất như cũ vì giải quyết được công lao động, chấp nhận sản xuất 3 vụ lời ít, hơn là giảm xuống 2 vụ chính/năm. Sau khi được giải thích, phân tích cặn kẽ, các hộ dân chấp nhận thực hiện. Vụ đông xuân 2022 - 2023, xã Phú Thành xả lũ theo chủ trương “2 năm, 5 vụ” ở 3/4 tiểu vùng. Vụ mùa thắng lợi rất lớn, bình quân 1.000m2 nông dân lợi nhuận trên 3 triệu đồng.

Ông Phan Văn Giáo (ngụ ấp Phú Quới) đã dự nhiều cuộc họp “Chiều thứ 2 đầu quý nghe dân nói”. Thẳng thắn, cởi mở, ra về với tâm trạng vui vẻ, kỳ vọng… là những gì ông Giáo và người dân cảm nhận ở mỗi cuộc gặp gỡ. “Bà con rất hài lòng, vì cán bộ hứa mấy ngày giải quyết vấn đề là đúng hẹn có kết quả.

Nhờ vậy, bà con tin tưởng, tích cực tham dự, góp ý kiến những lần sau. Từ chuyện nhỏ như tưới tiêu, thoát nước, đến nhu cầu phát triển cầu, đường, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo… Nội dung nào vượt thẩm quyền, địa phương ghi nhận, báo cáo cấp trên, thông tin cho người dân lần gặp kế tiếp” - ông Giáo bày tỏ.

Tuyến dân cư nơi ông Giáo đang sinh sống có lộ trước nhà được nhựa hóa năm 2018, xung quanh là 4 cây cầu bê-tông lần lượt hoàn thành gần đây. Các công trình đều là kết quả của “ý Đảng, lòng dân”, hiện thực hóa qua những lần Đảng ủy ghi nhận nguyện vọng của nhân dân. Cùng với đó, xã chủ trương xây dựng cầu nông thôn, làm đường đấu nối, đoạn đường chiếu sáng…

Ông Nguyễn Bá Vạn cho biết, xã Phú Thành là địa bàn thuần nông, hệ thống kênh rạch chằng chịt, ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển hàng hóa nông sản và đi lại của người dân. Thấy được nhu cầu chính đáng của bà con qua nhiều buổi gặp gỡ, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo huyện và nhà hảo tâm, địa phương vận động xây dựng 4 cây cầu bê-tông nông thôn, tải trọng bình quân 5 - 8 tấn, tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng, hàng ngàn ngày công lao động.

5 năm trở lại đây, những cây cầu bê-tông thay thế dần cầu gỗ xuống cấp không chỉ tạo diện mạo sáng sủa hơn cho xã vùng sâu, mà còn rút ngắn khoảng cách với địa bàn lân cận, nhờ kết nối giao thương thuận lợi, nhân dân đi lại dễ dàng. Điển hình như cầu kênh Hòa Bình, kinh phí xây dựng hơn 1 tỷ đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 102 triệu đồng, còn lại do nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp.

Cầu UBND xã Phú Thành hoàn thành giữa năm 2019, kinh phí xây dựng trên 1,2 tỷ đồng. Cầu và đường ranh Phú Thành - Phú Long được khánh thành cuối năm 2022, nối đôi bờ kênh Thần Nông, là công trình chào mừng 190 năm thành lập tỉnh.

Trước khi xây dựng, UBND xã xin ý kiến nhân dân. Sau khi hoàn thiện cầu, công khai thu - chi để bà con nắm. Trong đó, có những cá nhân rất hảo tâm, như ông Ngô Văn Đậu, ủng hộ mỗi công trình từ 50 - 150 triệu đồng.

Đội từ thiện của ông Sáu Dân, ông Ba Tre ra sức góp công, vận động thêm kinh phí. Đặc biệt, tổ từ thiện huy động từ 150 - 200 người làm, giảm chi phí 100 - 200 triệu đồng. Khoảng 1 năm nay, Đảng ủy, UBND xã huy động nhân dân thực hiện thêm 5 đoạn đường bê-tông đấu nối, kinh phí mỗi công trình hơn 100 triệu đồng. Đi kèm theo đó, diện mạo của xã cũng được cán bộ, nhân dân chăm chút chỉnh trang, trồng thêm hoa, cây cảnh.

“Qua những buổi “nghe dân nói”, có thể thấy rõ, chính quyền giải quyết kịp thời và thỏa đáng cho người dân, thì khi đến ấp tiếp xúc, bà con rất cởi mở. Chính quyền lắng nghe, bàn bạc, thực thi lời cam kết thì mới được nhân dân tin tưởng, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng; khi cần phát huy vai trò, họ đồng lòng thực hiện.

Phát huy mô hình này, chúng tôi tiếp tục vận động thực hiện 2 công trình xây dựng nông thôn mới: Cải tạo hệ thống cống của cụm dân cư, đèn đường chiếu sáng tuyến kênh Thần Nông (ấp Phú Thượng, Phú Trung). Bên cạnh đó, vận động làm thêm 1 cây cầu sắt, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Thành Nguyễn Bá Vạn thông tin thêm.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mo-hinh-y-dang-long-dan-o-xa-phu-thanh-a364508.html