Mổ lấy máu tụ bằng robot Al, bệnh nhân tỉnh táo suốt ca phẫu thuật
Nhập viện với tình trạng trí giác lơ mơ, chân tay yếu liệt, ông H được xác định xuất huyết não, chỉ định mổ lấy máu tụ tỉnh thức bằng robot Al.
Ngày 14/8, BV ĐK Tâm Anh TP.HCM thông tin, các bác sĩ tại đây đã quyết định dùng phương thức phẫu thuật tỉnh thức bằng robot Al, để lấy máu tụ cho bệnh nhân nam tên N.V.H (58 tuổi, ở TP.HCM) bị đột quỵ xuất huyết não. Với phương pháp này, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong suốt cuộc mổ.
Được biết ông H, xuất huyết não đã hơn 24 giờ, dần lơ mơ yếu liệt, nếu mổ theo phương pháp truyền thống, nguy cơ di chứng cao.
ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Thần kinh cho biết, khối máu tụ chèn ép các cơ quan thần kinh xung quanh, là vùng não chịu trách nhiệm chức năng vận động, ngôn ngữ. Nếu không mổ khẩn cấp, người bệnh đối mặt liệt nửa người, nói khó, nhìn mờ, thậm chí tử vong. Tình huống khẩn cấp khi người bệnh đã bỏ lỡ thời gian "vàng" cấp cứu đột quỵ, đồng thời khối lượng máu tụ lớn, mạch máu vỡ vẫn tiếp tục chảy gây tăng áp lực nội sọ ngày càng nhiều, các chỉ số sinh tồn ngày càng xấu hơn.
Chính vì vậy, sau hội chẩn khẩn cùng bác sĩ nhiều chuyên khoa khác, BS Tấn Sĩ, quyết định chọn kỹ thuật mổ não tỉnh thức mới với sự trợ giúp của robot AI Modus V Synaptive và hệ thống định vị Neuro-Navigation AI thế hệ mới nhất.
Sau 2 giờ nhập viện, ca mổ được thực hiện, với kế hoạch tỉ mỉ kiểm soát đường thở, huyết áp, chức năng thần kinh cho người bệnh... Máy siêu âm được bố trí ngay tại chỗ để xác định chính xác 4 nhánh thần kinh lên đỉnh đầu (nơi vết mổ diễn ra), gây tê phong tỏa. Đặc biệt, các loại thuốc dùng với liều lượng được tính toán kỹ, đảm bảo người bệnh tỉnh táo trong lúc mổ nhưng không cảm thấy đau, không nôn ói, không động kinh, cơ thể và thần kinh sẽ ổn định nhất trong và sau mổ.
“Nếu không giảm đau và kiểm soát các chức năng thần kinh, vận động tốt, người bệnh có nguy cơ bị kích động, lo sợ, đau, cựa quậy trong lúc mổ, ảnh hưởng đến thao tác của phẫu thuật viên và nguy cơ phù não nguy hiểm”, BS.CKII Lưu Kính Khương, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết.
Vừa mổ, ê kíp phẫu thuật liên tục trò chuyện, đề nghị ông H co chân trái, chân phải… để chắc chắn các chức năng thần kinh liên quan được bảo tồn tối đa.
Sau mổ 30 phút, ông H gặp người thân, gọi điện thoại về cho gia đình. Nửa ngày sau, kết quả chụp CT 768 lát cắt cho thấy không còn máu tụ trong não, vận động, thị giác và nhận thức của người bệnh hoàn toàn bình thường. Ông H xúc động cho biết: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi bước vào phòng mổ. Bác sĩ khoan sọ, lấy máu tụ khi tôi vẫn tỉnh táo. Đến giờ, tôi vẫn nghĩ đây là giấc mơ”.
“Mổ tỉnh xuất huyết não bằng robot mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, cứu sống và hạn chế tối đa di chứng cho những trường hợp xuất huyết não vốn trước đây không thể can thiệp điều trị. Chúng tôi tiếp tục lên kế hoạch phát triển áp dụng kỹ thuật này với cả mổ u não, đảm bảo hiệu quả và bảo tồn cao nhất các chức năng cho người bệnh. Sẽ có nhiều cơ hội sống khỏe mạnh hơn cho người bệnh mà không phải đi ra nước ngoài hoặc bó tay như trước đây”, BS Tấn Sĩ cho biết.