Mở lối về cơ chế để khai thác hạ tầng đường sắt hiệu quả
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất cơ chế, giải pháp gỡ vướng mắc trong khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đưa ra danh mục đầu tư ưu tiên và có cơ chế thực hiện vốn bảo trì hiệu quả...
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 do Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, cho rằng trong 5 phương thức giao thông vận tải, đường sắt là lĩnh vực khó khăn nhất vì yếu tố lịch sử, hạ tầng được xây dựng hơn 100 năm. Tuy nhiên nhiều năm qua ít được đầu tư phát triển, nhân lực mai một dần, trong khi đó cơ chế, thể chế về lĩnh vực này còn nhiều vướng mắc.
TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP
Trong bối cảnh đó, năm 2022, Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải đường sắt đã nỗ lực, tích cực phối hợp với các chủ thể liên quan như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án đường sắt... đề xuất các cơ chế, thể chế, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động.
Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo, công chức Cục nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt những giải pháp chỉ đạo, điều hành để thành công hơn nữa các nhiệm vụ năm 2023, trong đó cần ưu tiên thực hiện hai nhiệm vụ lớn.
"Cục Đường sắt Việt Nam cần đề xuất cơ chế, giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và cơ chế thực hiện vốn bảo trì đường sắt hàng năm sao cho thuận lợi, hiệu quả.
Cùng với đó, rà soát, đề xuất, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt theo danh mục ưu tiên, đặc biệt trong trung hạn 2026-2030 tới đây", Thứ trưởng đề nghị.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Cục triển khai các quy hoạch, tiếp tục đề xuất phương án triển khai thực hiện Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.
“Chức năng quản lý Nhà nước chính là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho người dân, doanh nghiệp hoạt động. Điều này cũng giống như làm đường. Đường lớn, tốc độ nhanh hơn, an toàn hơn sẽ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đi lại, hoạt động”, Thứ trưởng Huy nhấn mạnh. Do đó, Cục Đường sắt Việt Nam phải khẳng định được vai trò nhà chức trách đường sắt, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.
HOÀN THIỆN QUY HOẠCH, NÂNG CAO SẢN LƯỢNG ĐƯỜNG SẮT
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đường sắt Việt Nam Trần Thiện Cảnh, cho biết năm 2022 với sự chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, sự phối hợp của các cơ quan, các cấp chính quyền địa phương, cùng với sự đoàn kết, thống nhất cao của tập thể đảng viên, công chức nỗ lực vượt qua khó khăn
Cục đã hoàn thành 100% kế hoạch mục tiêu đã đề ra tại hội nghị tổng kết năm 2021, các nhiệm vụ đạt chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.
Theo đó, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra.
Cục cũng đã xây dựng, hoàn thiện kế hoạch, cơ chế chính sách, giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó là xây dựng, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt nhiệm vụ, dự toán của 4 quy hoạch; tham gia ý kiến xây dựng đối với 63 quy hoạch tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 bảo đảm đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường sắt...
Công tác quản lý nhà nước về vận tải đường sắt được tăng cường hiệu lực, hiệu quản; đơn giản hóa thủ tục hành chính, chủ động kiểm tra, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp.
"Công tác quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng đường sắt có những chuyển biến tích cực. Sự phối hợp tốt với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án đường sắt trong công tác chuẩn bị và thực hiện đầu tư, sửa chữa các dự án đường sắt đã góp phần nâng cao năng lực, sản lượng vận tải đường sắt năm 2022", Cục Đường sắt nhấn mạnh.
Cục cũng chủ động sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, ban hành các tiêu chuẩn cơ sở phù hợp với nhu cầu, thực tiễn hoạt động trong đầu tư, quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt.
Về công tác an toàn giao thông đường sắt, Cục kiểm tra, làm việc với 16 Ban An toàn giao thông các tỉnh có đường sắt đi qua về việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt theo quy định tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở.
"Kết quả đã xóa bỏ được 137 vị trí lối đi tự mở; 30/34 địa phương đã phê duyệt, ban hành kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở hiện có trên địa bàn", Cục Đường sắt nêu rõ.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra, góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật về đường sắt. Cục đã hoàn thành 8/8 cuộc thanh tra theo đoàn; tổ chức kiểm tra 632 cuộc (theo kế hoạch, đột xuất); xử phạt 37 trường hợp vi phạm, phạt tiền 213 triệu đồng.
Trong năm 2022, Cục Đường sắt Việt Nam cũng tích cực triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và các ứng dụng chuyên ngành lĩnh vực đường sắt...
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/mo-loi-ve-co-che-de-khai-thac-ha-tang-duong-sat-hieu-qua.htm