Mở rào công viên, kiến tạo không gian xanh chất lượng

Thời gian qua, nhiều công viên trên địa bàn TP Hà Nội chuyển từ đóng sang mở. Điều này không chỉ xóa bỏ rào cản mà còn giúp người dân dễ dàng tiếp cận với không gian công cộng, phát huy giá trị đích thực của không gian xanh, nâng chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, để công viên hoạt động tốt hơn, ngoài vai trò của chính quyền, rất cần sự tham gia của cộng đồng.

Nhân dân được hưởng lợi

Cuối năm 2022, Hà Nội quyết định dỡ bỏ hàng rào Công viên Thống Nhất nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và dần triển khai tại các công viên trên địa bàn Thủ đô để trả lại không gian công cộng, tạo điều kiện vui chơi, giải trí một cách thoải mái nhất cho người dân. Tuy nhiên, tại Công viên Thống Nhất, thời gian đầu chỉ dỡ bỏ hàng rào ở khu vực cổng chính hướng phố Trần Nhân Tông, 3 hướng còn lại vẫn bị quây kín, gây khó khăn cho người dân tiếp cận công viên.

Công viên Thống Nhất sau khi giỡ bỏ hàng rào. Ảnh: Đặng Vũ

Công viên Thống Nhất sau khi giỡ bỏ hàng rào. Ảnh: Đặng Vũ

Trước thực trạng đó, thực hiện chủ trương của TP, đầu tháng 3/2025, các công nhân bắt đầu tiến hành dỡ bỏ những mét hàng rào đầu tiên trong tổng số 650m hàng rào còn lại, đồng thời với cải tạo và chỉnh trang 985m hè phố Lê Duẩn (đoạn từ phố Trần Nhân Tông đến phố Đại Cồ Việt). Là người thường xuyên đến Công viên Thống Nhất để tập thể dục, chị Lê Hương Giang (phường Kim Liên, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, tôi phải đi bộ dưới lòng đường và phải đi bằng 2 cổng ở phố Lê Duẩn, thì những ngày qua đã có thể tiếp cận công viên từ mọi hướng. Tôi thấy hạ rào giúp người dân đi lại thuận lợi. Công viên có nhiều cây xanh, vườn hoa như được trải rộng ra, rất đẹp mắt”.

Cũng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, đầu năm 2025, hàng rào Công viên Tuổi trẻ Thủ đô trên 2 đoạn phố Võ Thị Sáu và Thanh Nhàn đã được hạ rào, tạo không gian mở; đồng thời đổi tên thành Công viên Võ Thị Sáu. Đáng chú ý, dự án hạ thấp tường rào công viên được thực hiện song hành với 2 dự án khác đó là dự án cải tạo, sửa chữa hè phố Võ Thị Sáu, hè phố Thanh Nhàn (phía trước công viên) và dự án bổ sung hệ thống điện chiếu sáng để chiếu sáng toàn bộ khu vực khoảng cách giữa công viên và hè (dải phân cách mềm), kết hợp đổ đất trồng hoa, cây cảnh. Anh Vũ Thanh Tùng (phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) cho hay: “Trước đây, từ hai cổng chính của công viên, người đi bộ chỉ nhìn thấy các điểm trông giữ xe, dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí lấn chiếm. Nhưng nay, từ bên ngoài, người đi bộ đã có thể nhìn thấy cây xanh, hồ nước bên trong, không gian cởi mở, thân thiện”.

Tương tự tại Công viên Cầu Giấy, cùng với việc cải tạo lại sẽ được dỡ bỏ một phần hàng rào để tạo thuận lợi cho người dân vào giải trí, thư giãn. Thực tế, trước đây, xung quanh công viên, nhiều nơi trở thành điểm bán hàng rong, đồ ăn uống. Hàng rào trở thành nơi treo đồ bán hàng của các tiểu thương, nhiều vị trí thành nơi đỗ xe ô tô suốt ngày đêm. Do vậy, cùng với việc xuống cấp của nhiều hạng mục sau thời gian dài sử dụng, UBND quận Cầu Giấy đã có Quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (thiết kế bản vẽ thi công – dự toán) của Dự án cải tạo, sửa chữa Công viên Cầu Giấy với mức đầu tư hơn 66 tỷ đồng. Quy mô dự án gồm cải tạo nâng cấp công viên với diện tích 95.282m2; diện tích hồ nước 14.808m2; diện tích xây dựng công trình gồm: chòi nghỉ, nhà vệ sinh… Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy cho biết, Công viên Cầu Giấy không chỉ là địa điểm vui chơi cuối tuần hấp dẫn cho người dân Hà Nội, sau khi cải tạo nơi đây còn là “lá phổi xanh” khổng lồ góp phần thanh lọc không khí, mang đến một không gian trong lành hơn.

Đổi mới cách thức quản lý không gian xanh

Với việc thiếu các không gian công cộng, việc dỡ bỏ hàng rào, đưa công viên vận hành theo hướng mở là rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân Thủ đô. Việc quy hoạch, sắp xếp lại các hạng mục, khu chức năng khi dỡ bỏ hàng rào các công viên cũng là phù hợp với quy hoạch chung tại những khu vực có không gian mở. Mở cửa phục vụ Nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Công viên hồ Phùng Khoang (Khu đô thị mới Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm) đã không dựng rào trên trục đường Tố Hữu.

Công viên Thống Nhất không chỉ là lá phổi xanh của thành phố mà còn là điểm đến kết nối văn hóa, giải trí, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Công viên Thống Nhất không chỉ là lá phổi xanh của thành phố mà còn là điểm đến kết nối văn hóa, giải trí, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Hiện nay, đối với chỉ tiêu xây dựng mới các công viên, TP đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 9 công viên như: Công viên Ngọc Thụy; Công viên Long Biên; Công viên Lâm Hạ… (đạt 133% chỉ tiêu). Đối với chỉ tiêu xây dựng mới các vườn hoa, hiện nay đã hoàn thành xây dựng mới và đưa vào sử dụng 24 vườn hoa. Đối với việc cải tạo, nâng cấp hiện đã hoàn thành đưa vào sử dụng 29 vườn hoa. Bên cạnh đó, hiện các quận, huyện đang lên phương án, thực hiện cải tạo, nâng cấp công viên theo phân cấp. Sở Xây dựng đang đôn đốc các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai 182 công viên, vườn hoa, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Trong đó có quận Ba Đình 3 vườn hoa); Hai Bà Trưng 1 vườn hoa; Tây Hồ 2 vườn hoa; Nam Từ Liêm 2 vườn hoa; Long Biên 1 Công viên, 3 vườn hoa. Địa bàn 4 huyện bổ sung 1 công viên và 187 vườn hoa (Đan Phượng 29 vườn hoa; Hoài Đức 33 vườn hoa; Đông Anh 1 công viên, 107 vườn hoa).

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ: “Trong một đô thị rất cần không gian xanh, đặc biệt là không gian xanh công cộng. Hà Nội đang có chỉ số không gian xanh công cộng thấp hơn quy định so với Thủ đô các nước. Trong bối cảnh đó, Hà Nội tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận các không gian xanh, trong đó có công viên là cần thiết".

Về việc hạ rào công viên, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, cùng với việc bỏ tường rào, TP cần đổi mới cách quản lý không gian xanh. Hiện nay không gian xanh ở Hà Nội chia ra là công viên cấp TP quản lý; có những nơi do cấp quận quản lý; và có vườn hoa nhỏ do cấp phường quản lý. Ngoài ra, ở những khu vực mới, không gian xanh còn do các chủ đầu tư quản lý. Vậy cần đổi mới cách quản lý để tạo ra sự bình đẳng trong khai thác không gian xanh.

Mặt khác, theo các chuyên gia, tại khu vực nội đô khi không còn quỹ đất mới để xây dựng công viên, cần nhanh chóng xanh hóa các không gian công cộng đã có, thực hiện di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, cơ sở giáo dục, bệnh viện ra khỏi nội đô để dành đất cho việc xây dựng không gian xanh, công viên, vườn hoa. Gần đây, Hà Nội đã có ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng. Một cuộc thi tuyển ý tưởng thiết kế đã được 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ tổ chức hướng tới cụ thể hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, định hướng tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang được người dân Thủ đô hết sức mong đợi. Những ý tưởng hay của cuộc thi kỳ vọng sẽ sớm được triển khai vào thực tiễn, từ đó Hà Nội sẽ được bổ sung thêm không gian xanh giá trị, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân Thủ đô.

Trích dẫn

Trích dẫn 1

TP nên phân cấp quản lý hợp lý, đồng thời cần có giải pháp điều chỉnh không gian cây xanh, ứng dụng khoa học công nghệ để giám sát việc khai thác, sử dụng. Đặc biệt, để công viên hoạt động tốt thì ngoài vai trò của chính quyền rất cần sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội, mà trong đó ý thức công dân rất quan trọng.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mo-rao-cong-vien-kien-tao-khong-gian-xanh-chat-luong.662369.html