Mở rộng các FTA để duy trì, thúc đẩy đà tăng trưởng xuất khẩu hàng Việt

Theo các chuyên gia kinh tế, việc khai thác và mở rộng các FTA để duy trì, thúc đẩy đà tăng trưởng xuất khẩu hàng Việt là mục tiêu quan trọng cần được cơ quan chức năng và doanh nghiệp hướng tới. Dự kiến trong năm 2023, sẽ có 5 FTA được Việt Nam hoàn thiện và thực thi.

Hàng Việt "gặt hái" thành quả tăng trưởng 2 con số từ các FTA

Theo Bộ Công thương, đến nay Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ; hiện đã đàm phán, ký kết và thực thi 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.

Đáng chú ý, với 3 FTA thế hệ mới ký kết và thực thi gần đây nhất, hàng hóa Việt Nam đã hưởng lợi khá nhiều từ các nước thành viên tham gia hiêp định, qua đó nâng cao kim ngạch xuất khẩu, khẳng định thặng dư thương mại 7 năm liên tục.

Cụ thể, sau gần 5 năm thực thi CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương), dù các thành viên nội khối có các mốc thực thi khác nhau nhưng theo báo cáo tổng kết 4 năm thực thi CPTPP, thương mại hàng hóa nội khối CPTPP gia tăng mạnh mẽ từ năm 2019 đến năm 2021, với giá trị tăng từ 467 tỷ USD lên 535 tỷ USD.

Riêng Việt Nam, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021. Nhập khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 50,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2021.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hải Anh

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hải Anh

Đáng nói, XK của Việt Nam sang 8/10 thành viên CPTPP đều tăng trưởng tích cực, có thị trường tăng tới 163% như Brunei. 3 thị trường mới có quan hệ FTA dù có Mexico và Peru ghi nhận mức tăng trưởng sụt giảm (Mexico giảm 0,5% và Peru giảm 5,5%) nhưng thị trường lớn nhất là Canada vẫn tăng tới gần 20,1%.

Sau 3 năm thực thi EVFTA (FTA giữa Việt Nam và EU), tổng kim ngạch XK từ Việt Nam sang EU giai đoạn từ tháng 8/2020 - 7/2022 đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch XK trung bình năm giai đoạn 2016 - 2019. Tỷ lệ hàng XK tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Đặc biệt, EVFTA đã tạo tác động lan tỏa tới nhiều khu vực dân cư khi các sản phẩm tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan EVFTA được ghi nhận là gạo (100%), giày dép (74 - 98%), thủy sản (70 - 76%), nhựa và các sản phẩm nhựa (53 - 70%).

Với RCEF (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) - khu vực chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, sau hơn 1 năm thực thi, theo Ban Thư ký ASEAN, Việt Nam trở thành điểm đầu tư ngày càng hấp dẫn của các doanh nghiệp nội khối và ngoại khối, đặc biệt là đầu tư từ 5 nước ngoại khối ASEAN trong RCEP (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand).

Nỗ lực đàm phán hoàn tất 5 FTA đa phương và song phương

Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, các khó khăn, thách thức của nền kinh tế toàn cầu sẽ còn kéo dài trong những năm tới, tiếp tục tác động bất lợi đến các nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Vì vậy, theo Bộ Công thương, phải kiên trì mở rộng thêm các thị trường, đẩy mạnh đàm phán và sớm hoàn thành ký kết các FTA để bổ sung cho việc giảm cầu ở các thị trường truyền thống.

Hiện Việt Nam đang thực hiện đàm phán 5 FTA đa phương và song phương, trong đó, đã hoàn tất và ký kết 2 FTA gồm FTA với Israel (dự kiến có hiệu lực thực thi từ đầu năm 2024) và Anh đã chính thức trở thành thành viên thứ 12 của CPTPP.

May mặc - mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tận dụng được ưu đãi từ các FTA. Ảnh: Hải Anh

May mặc - mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tận dụng được ưu đãi từ các FTA. Ảnh: Hải Anh

Ngoài ra, hiện Việt Nam đang tiến hành đàm phán FTA với Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein). Hai bên đã tiến hành 16 phiên đàm phán và đang chuẩn bị phiên đàm phán thứ 17 (dự kiến diễn ra vào tháng 11/2023 tại Thụy Sỹ). Theo đánh giá, đây là khu vực tiềm năng khi chỉ có khoảng 13 triệu dân nhưng tổng GDP gần 1.000 tỷ USD/năm và là đối tác lớn thứ 3 của EU.

Các FTA trong khuôn khổ ASEAN cũng đang được Bộ Công thương chủ trì phối hợp thực hiện như hiện đàm phán nâng cấp và ký nghị định thư sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN và Australia - New Zealand (AANZFTA); đã thực hiện 2 phiên đàm phán FTA giữa ASEAN và Canada; 2 phiên đàm phán FTA giữa ASEAN - Trung Quốc; Cùng với đó, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cũng đã qua 2 phiên đàm phán nâng cấp.

Mới nhất, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tích cực khởi động đàm phán FTA với Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, hiệp định khá tiềm năng do vị trí trung tâm thương mại của Tiểu vương quốc Dubai.

Ngoài ra, UAE được coi là trung tâm tài chính, thương mại của Trung Đông, là cửa ngõ quan trọng để đưa hàng hóa Việt Nam vào Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Đáng chú ý, UAE có vị trí địa lý chiến lược, có hệ thống logistics hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và mở rộng ra thị trường toàn cầu.

Mở rộng thị trường, đưa hàng hóa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Các chuyên gia kinh tế khẳng định, việc thực thi có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm XK, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị XK các mặt hàng chủ lực.

Do đó, với việc đàm phán và mở rộng thêm FTA với các khu vực tiềm năng cũng sẽ mang đến cho hàng hóa Việt những thị trường lớn, góp phần giữ đà tăng trưởng kim ngạch XK cho Việt Nam trong thời gian tới.

Nguyễn Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/mo-rong-cac-fta-de-duy-tri-thuc-day-da-tang-truong-xuat-khau-hang-viet-135562.html