Mở rộng giao thông xanh

Với mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường và xây dựng hệ sinh thái giao thông xanh không sử dụng nhiên liệu xăng dầu, TP HCM đang phát triển nhiều loại hình giao thông thân thiện với môi trường bằng nhiên liệu điện, khí. Trong đó, hệ thống xe điện, taxi điện, buýt điện, xe đạp hay metro… được kỳ vọng thay đổi hoàn toàn hệ thống giao thông ở thành phố trong ít tháng tới.

Xe điện đang ngày càng quen thuộc ở TPHCM.

Xe điện đang ngày càng quen thuộc ở TPHCM.

Bắt đầu xuất hiện ở TP HCM khoảng gần 10 năm trước, tới nay các phương tiện sử dụng nhiên liệu xanh, thân thiện với môi trường không còn hiếm ở thành phố, một số loại hình dần trở thành loại phương tiện khá quen thuộc. Trong đó, các loại xe buýt điện là phương tiện được nhiều người dân có thiện cảm, tích cực tham gia. Dù chưa phổ biến như xe buýt chạy xăng, dầu nhưng cùng với xe buýt chạy bằng khí đốt CNG, xe buýt điện đang khá phổ biến ở nhiều tuyến đường. Lộ trình phát triển và phủ sóng của xe buýt điện cũng khá bài bản và phù hợp.

Theo đó, từ năm 2017, TP HCM cho vận hành 3 tuyến xe buýt điện ở khu vực quận 1 và quận 7. Ban đầu các tuyến buýt điện 12 chỗ này chủ yếu phục vụ khách du lịch (quận 1) và cư dân địa phương (khu Phú Mỹ Hưng, quận 7) nhưng sau đó, mô hình xe buýt điện được mở rộng hơn. Các tuyến xe buýt điện D4 (quận 1) và 2 tuyến ở khu vực huyện Cần Giờ được đưa vào sử dụng hơn một năm mang tới nhiều lựa chọn cho người dân. Đặc biệt, kế hoạch mở rộng việc khai thác xe buýt điện của doanh nghiệp đang tham gia vận hành tuyến D4 (mở thêm 4 tuyến) trong năm 2023 sẽ khiến mạng lưới xe buýt mở rộng hơn nữa.

Nói về việc mở rộng các tuyến xe buýt điện, ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, từ nay tới năm 2025 sẽ có 100% xe buýt cũ được thay mới, các sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 25% số phương tiện. Mục tiêu tới năm 2030 số phương tiện sử dụng năng lượng xanh là 50%. Và năm 2050 sẽ có 100% số xe buýt và taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Không chỉ có xe buýt, nhiều loại hình giao thông khác ở TP HCM cũng tiến tới mục tiêu sử dụng ngày càng nhiều phương tiện chạy điện. Trong đó mô hình taxi điện là lĩnh vực dự kiến sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ với một số doanh nghiệp tham gia khai thác. Hiện hệ thống các trạm sạc điện dành cho xe taxi, cá nhân đã khá phổ biến ở nhiều địa phương tại TP HCM, báo hiệu sự thay đổi mạnh mẽ của các phương tiện chạy bằng nhiên liệu sạch ít ngày tới.

Song song với taxi điện, Sở GTVT TP HCM cũng vừa đề xuất UBND thành phố cho thí điểm 200 phương tiện xe chạy điện có sức chứa từ 5 tới 14 chỗ ở khu vực TP HCM. Điều đáng nói, với mức giá khá hợp lý và có thể đặt xe bằng app (hợp đồng điện tử) trên điện thoại thông minh, các phương tiện giao thông trên sẽ giúp cho du khách và cả người dân di chuyển dễ dàng, thuận lợi bằng các phương tiện xe điện. Với mô hình xe nhỏ, di chuyển được nhiều tuyến đường và cơ động hơn taxi, xe buýt nên 200 phương tiện này được kỳ vọng sẽ giúp khu vực trung tâm TP HCM tăng đáng kể số lượng phương tiện giao thông xanh.

Cuối cùng, dù chỉ là phương tiện thô sơ nhưng sau vài năm được khai trương ở trung tâm TP HCM, các phương tiện xe đạp cũng giúp giảm đáng kể phương tiện xe cá nhân, xe chạy xăng. Theo số liệu từ công ty chủ đầu tư, xe đạp là phương tiện được rất đông khách du lịch lựa chọn để di chuyển với quãng đường 1-3 km ở khu vực trung tâm. Có thiết kế đơn giản, đặt xe qua ứng dụng app trên điện thoại và giá thành rất rẻ, xe đạp cũng giúp tăng mảng xanh đáng kể trong hệ sinh thái giao thông ở TP HCM thời gian qua và hiện đang được đề xuất mở rộng thêm ở một số địa điểm khác.

Ít tháng tới khi hệ thống metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức đưa vào vận hành, cùng với các mô hình giao thông xanh, hệ thống giao thông xanh thân thiện với môi trường ở TP HCM sẽ có điều kiện tăng nhanh, chiếm tỉ trọng lớn trong hệ sinh thái giao thông của thành phố.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mo-rong-giao-thong-xanh-5717291.html