Mở rộng hợp tác đưa logistics phát triển tương xứng với tiềm năng
Triển lãm quốc tế là một hoạt động không thể thiếu trong bối cảnh ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang cần đẩy mạnh xúc tiến, kết nối và giới thiệu mình với thế giới.
Có sự ổn định về chính trị, xã hội và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đang là điểm đến của làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng và ngày càng nâng cao tính cạnh tranh, trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa của thế giới, là “mắt xích” trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành “Ngôi sao logistics” của châu Á trong thời gian tới.
Tại tọa đàm giới thiệu về triển lãm quốc tế logistics Việt Nam 2023 (VILOG) chiều 11/5 tại Hà Nội, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14 - 16%/năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Số lượng các DN và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt mức cao nhất từ trước đến nay lên 732.5 tỷ USD, tăng 9.5% so với năm 2021.
“Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các DN dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nền kinh tế nói chung, lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng”, ông Hải đánh giá.
Tuy nhiên khi nhìn sâu vào rào cản trong phát triển logistics Việt Nam, ông Hải cũng chỉ ra những điểm yếu của logistics khi chi phí còn cao; thiếu sự liên kết giữa các DN dịch vụ logistics với nhau và với các DN sản xuất, kinh doanh, DN xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các DN logistics Việt Nam còn yếu khiến khả năng đưa dịch vụ tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể…
Phân tích về nguyên nhân này, ông Hậu Hồng Băng, Phó Chủ tịch, trưởng đại diện Phòng Thương mại xuất nhập khẩu tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cho rằng, ngành logistics truyền thống yêu cầu quản lý kho tập trung, quy mô lớn. Nhưng dưới sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử (TMĐT), các kho phân phối phải trở nên linh hoạt hơn. TMĐT chỉ giải quyết quy trình giao dịch của hàng hóa, còn logistics hoàn thành khâu bàn giao hàng hóa, tạo thành 1 vòng giao dịch khép kín. Vì vậy, logistics chính là sự đảm bảo giao dịch và là một phần quan trọng của TMĐT
“Không giống như chu kỳ vận chuyển hàng hóa của thương mại nói chung, logistics rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành TMĐT. TMĐT chủ yếu là kinh doanh hướng đến người tiêu dùng và người mua có yêu cầu cao về tính kịp thời của logistics. Việc vận chuyển nhanh chóng, hiệu quả có thể khiến cho người tiêu dung ngày càng hài lòng đối với việc mua sắm trên các sàn TMĐT. Ngược lại, tốc độ giao hàng của vận chuyển quốc tế quá lâu khiến người tiêu dùng mất đi niềm vui khi mua hàng”, ông Hậu Hồng Băng làm rõ.
Bên cạnh lợi thế, những khó khăn và thách thức đồng thời hiện hữu như chi phí dịch vụ cao, áp lực lên cơ sở hạ tầng ngày một lớn… theo các chuyên gia, ngành logistics vẫn rất cần phát triển kết nối hạ tầng, hợp tác công - tư mở rộng thành các trung tâm logistics và chuỗi cung ứng toàn diện về lưu thông, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối…
Đưa ra giải pháp đột phá cho lĩnh vực logistics Việt Nam, ông Ngô Khắc Lễ, đại diện Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, triển lãm quốc tế logistics Việt Nam 2023 (VILOG) sẽ là một trong những hoạt động ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội. VLA kỳ vọng sự kiện sẽ tập hợp được những DN hàng đầu về logistics tại Việt Nam và quốc tế, giúp hoạt động xúc tiến thương mại diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng.
“Lần đầu tiên tại Việt Nam có 1 triển lãm riêng biệt dành cho ngành kinh doanh dịch vụ logistics. Triển lãm sẽ tạo tiếng vang kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ vận hành, đào tạo nhân lực, thiết lập hệ sinh thái xanh trong ngành logistics, là động lực để tạo ra nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực hơn nữa cho cộng đồng cùng chung tay phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam”, ông Lễ nói.
Theo ông Trần Thanh Hải, triển lãm quốc tế là một hoạt động không thể thiếu trong bối cảnh ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang cần đẩy mạnh xúc tiến, kết nối và giới thiệu mình với thế giới. Triển lãm sẽ là cơ hội lớn để các DN dịch vụ logistics trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng các nhà đầu tư, DN chủ hàng và các bên liên quan khác giao lưu, hợp tác, tư vấn và lựa chọn các giải pháp nhằm tối ưu hóa quy trình logistics của DN.
“Triển lãm quốc tế logistics với quy mô lớn là một bước đi cần thiết, một dấu ấn đáng ghi nhận trong tiến trình hội nhập quốc tế của ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Với sự kết hợp giữa Hiệp hội quốc gia trong ngành logistics và cách tổ chức chuyên nghiệp, kinh nghiệm và hệ thống mạng lưới đối tác sâu rộng, sẽ tạo nên một sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn, giúp thúc đẩy ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có”, ông Hải nói./.
Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam 2023 (VILOG) được tổ chức bởi Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Công ty VINEXAD với sự hỗ trợ tích cực của Cục Xuất nhập khẩu và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Triển lãm sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 10-12/8/2023) tại Nhà B, Trung tâm Triển lãm và Hội nghị TP.HCM (SECC), 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM.
Triển lãm VILOG 2023 dự kiến thu hút hàng trăm DN với quy mô trên 1.000 gian hàng trưng bày của các DN đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ giới thiệu các nhóm ngành hàng và dịch vụ chính như vận tải và giao nhận; Dịch vụ và thiết bị kho bãi/nhà xưởng; Đóng gói và chuỗi cung ứng lạnh cũng như các ứng dụng công nghệ logistics./.