Mở rộng hợp tác về nghiên cứu, sản xuất vaccine và điều trị bệnh thời đại
Sáng 16-12, tại Đà Nẵng, Viện nghiên cứu Tâm Anh và Viện vi sinh và Chống dịch Stanford (Hoa Kỳ) đã tổ chức hội thảo chuyên đề trao đổi nghiên cứu, ứng dụng mới trong điều trị bệnh thời đại và các vấn đề y tế cấp thiết tại Việt Nam. Tại hội thảo, các chuyên gia cảnh báo, dịch bệnh giống như một cuộc chiến, các thuốc điều trị và vaccine mới đóng vai trò quan trọng, cần bắt đầu sớm.
Tại hội thảo, là một chuyên gia hàng đầu về vi khuẩn học và phát triển thuốc chống virus, Giáo sư Jeffrey Glenn- Viện trưởng Viện vi sinh và chống dịch Stanford trình bày báo cáo “Phương pháp mới điều trị viêm gan siêu vi D”. Tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 10 triệu người viêm gan siêu vi B mạn tính. Các nghiên cứu cho thấy, người nhiễm đồng thời virus viêm gan B và D thì nguy cơ xơ gan và ung thư gan còn tăng gấp nhiều lần. Tuy nhiên, Việt Nam chưa thực hiện được xét nghiệm viêm gan D. Do đó, việc tiếp nhận đào tạo về kỹ thuật xét nghiệm viêm gan siêu vi D từ Stanford sẽ có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược quản lý bệnh viêm gan do virus tại Việt Nam, mang lại những lợi ích lớn cho người bệnh.
Giáo sư Jeffrey Glenn cho biết, Viện vi sinh và Chống dịch Stanford đã xúc tiến đào tạo kỹ thuật xét nghiệm viêm gan siêu vi D cho Trung tâm Xét nghiệm, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, đồng thời hướng đến phối hợp nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng viêm gan siêu vi D đầu tiên tại Việt Nam.
">
Tiêm vaccine phòng bệnh tại Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Ở lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, các loại thuốc mới, người đứng đầu Stanford cho biết hai bên sẽ định hướng mô hình khả thi để phát triển cộng đồng các bác sĩ có động lực nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam. Việt Nam cần thúc đẩy hơn nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, thuốc mới đáp ứng nhu cầu trong trường hợp cấp bách như xảy ra dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm mới.
Ở lĩnh vực y tế dự phòng, bác sĩ Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC trình bày các bệnh truyền nhiễm cơ bản tại Việt Nam và vaccine phòng bệnh với các chuyên gia Hoa Kỳ để từ đó tìm cách đối phó tốt hơn. Về vấn đề này, theo Giáo sư Harry B. Greenberg – Cố vấn Viện vi sinh và Chống dịch Stanford, sự thay đổi trong nhân khẩu học, các bệnh truyền nhiễm diễn biến nhanh, tốc độ ra thuốc mới, vaccine mới không kịp tốc độ phát sinh các loại bệnh mới. Nhu cầu về thuốc, chăm sóc, thăm khám sức khỏe và dự phòng bệnh ngày càng tăng. Do đó ông đánh giá cao năng lực y tế dự phòng tại VNVC, cho rằng mô hình VNVC là duy nhất trên thế giới, có thể công bố trên các tạp chí quốc tế về một hình mẫu triển khai tiêm vaccine.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/y-te/tin-tuc/mo-rong-hop-tac-ve-nghien-cuu-san-xuat-vaccine-va-dieu-tri-benh-thoi-dai-755692