Mở rộng Nhà máy Thủy điện Trị An
Dự án Mở rộng Nhà máy Thủy điện Trị An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030. Tuy nhiên, do dự án sử dụng khoảng 40/94ha đất rừng nên phải được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, HĐND tỉnh thông qua chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang làm dự án.
Làm việc với chủ dự án mới đây, lãnh đạo tỉnh yêu cầu dự án phải đảm bảo tính pháp lý, quyền lợi và sự đồng thuận của người dân.
* Dự án trong quy hoạch điện VII điều chỉnh
Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng mới đây, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN, đơn vị chủ đầu tư) cho biết, dự án Mở rộng Nhà máy Thủy điện Trị An đã được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (quy hoạch điện VII điều chỉnh). Dự án có quy mô công suất 2 tổ máy, mỗi tổ 100MW. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3,9 ngàn tỷ đồng và thuộc loại công trình công nghiệp nhóm A, được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Nghị định 118 của Chính phủ.
Dự án Mở rộng Nhà máy Thủy điện Trị An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 vào tháng 3-2016. Dự án do EVN làm chủ đầu tư, địa điểm tại Nhà máy Thủy điện Trị An hiện hữu (xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu). Dự án có diện tích hơn 94ha, trong đó có gần 40ha đất rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất; 50 hộ dân bị ảnh hưởng nhà và đất. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công quý II-2023, vận hành tổ máy số 1 vào quý II-2026, vận hành ổn định các 2 tổ máy vào quý III-2026. Lượng điện bổ sung hằng năm là 131 triệu kWh.
Chủ đầu tư dự kiến khởi công dự án vào quý II-2023, đưa vào vận hành năm 2026. Đi vào hoạt động, dự án sẽ tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện trong giờ cao điểm, ổn định truyền tải và giảm chi phí sản xuất của hệ thống điện quốc gia.
Đơn vị đã xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tái định canh cho 50 hộ bị ảnh hưởng nhà ở và đất; xây dựng phương án đầu tư cầu Hiếu Liêm tại vị trí bến phà hiện hữu để vận chuyển nguyên vật liệu thi công dự án và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Về phương án trồng rừng thay thế, đơn vị cho rằng, nếu tự tổ chức trồng rừng hoặc thuê 1 đơn vị khác trồng chờ cây đủ 5 năm bàn giao lại cho chủ rừng thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án, do đó đề xuất đóng góp nghĩa vụ tài chính để chủ rừng tự trồng.
* Đảm bảo quyền lợi và sự đồng thuận của người dân
Ông Bành Đức Hoài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho rằng, theo quy hoạch phát triển điện lực Đồng Nai và quy hoạch điện VII điều chỉnh, Đồng Nai nói riêng và khu vực miền Nam nói chung bắt đầu thiếu điện từ năm 2017 và tăng dần ở các năm tiếp theo; đến năm 2025 hụt khoảng 1,7 ngàn MW. Do đó, việc phát triển nguồn điện tại chỗ, đặc biệt là năng lượng tái tạo và thủy điện sẽ góp phần ổn định hệ thống và giảm truyền tải.
Theo EVN, đơn vị đã lên kế hoạch khởi công dự án vào quý II năm sau, xây dựng các phương án liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, trồng rừng. Để dự án được triển khai theo kế hoạch, đúng tiến độ, EVN kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang làm dự án; hỗ trợ EVN trong việc tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư người dân trong cuối năm 2022; cho phép EVN nộp tiền trồng rừng thay thế sau khi phương án trồng rừng thay thế được UBND tỉnh phê duyệt.
Làm việc với EVN về dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, địa phương thống nhất chủ trương và sẽ trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang làm dự án. Chủ tịch UBND đề nghị EVN làm việc trực tiếp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh để trồng lại diện tích rừng bị mất.
Về diện tích đất thu hồi, EVN lên phương án bồi thường, thu hồi toàn bộ hơn 94ha nhưng sau khi hoàn thành công trình, đơn vị tính toán giữ lại diện tích đất cần sử dụng theo nhu cầu, phần còn lại giao cho địa phương quản lý. Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư cho dân, EVN phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Vĩnh Cửu để được hỗ trợ. Quá trình triển khai thực hiện phải đảm bảo quyền lợi và tạo được sự đồng thuận của người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai dự án là cần thiết. Về môi trường, dự án này chủ yếu khai thác lượng nước thừa vào mùa mưa lũ của Nhà máy Thủy điện Trị An hiện hữu để phát điện. Về kinh tế, mỗi năm dự án bổ sung thêm khoảng 131 triệu kWh điện và đóng góp khoảng 100 tỷ đồng cho ngân sách. Về mặt xã hội, dự án góp phần tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Ngoài ra, còn tăng lực điều trần và chạy bù cho nhà máy hiện hữu, giảm thời gian làm việc của các tổ máy, đảm bảo vận hành an toàn Nhà máy thủy điện Trị An. So với các dự án năng lượng tái tạo (gió, mặt trời), thủy điện có tính ổn định hơn.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202203/mo-rong-nha-may-thuy-dien-tri-an-3108166/