Mở rộng sản xuất vắc-xin mRNA: Không đơn giản!

Mở rộng sản xuất vắc-xin mRNA đến những khu vực cần nhất không những khả thi mà còn cấp thiết để bảo vệ thế giới trước các biến thể nguy hiểm và chấm dứt đại dịch

"Tại các nước đang phát triển, hàng trăm triệu người không thể tiếp cận vắc-xin để bảo vệ bản thân trong bối cảnh hàng triệu người đã mắc Covid-19 và tử vong. Trông chờ nước giàu san sẻ nguồn cung rõ ràng không phải là phương án hiệu quả" - giới chuyên gia y tế công khẳng định, đồng thời nhấn mạnh giải pháp bây giờ là tạo điều kiện để các nước đang phát triển tự sản xuất vắc-xin Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA.

Bất chấp sức ép gia tăng, Công ty Moderna và Công ty Pfizer (đều của Mỹ) từ chối cấp phép công nghệ mRNA của họ cho các nước đang phát triển, nói rằng quá trình bào chế loại vắc-xin này "quá phức tạp", cần rất nhiều thời gian và lao động để thiết lập cơ sở sản xuất, trong khi bản thân họ không thể san sẻ nhân lực vì phải tối ưu hóa sản xuất để đáp ứng nhu cầu cấp bách.

Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế công ở nước giàu lẫn nước nghèo khẳng định việc mở rộng sản xuất đến những khu vực cần nhất không những khả thi mà còn cấp thiết để bảo vệ thế giới trước những biến thể nguy hiểm và chấm dứt đại dịch.

Quy trình sản xuất vắc-xin mRNA ở những quốc gia khác cần được khởi động tức thì, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden nhấn mạnh.

Giới chuyên gia cho rằng quy trình này đòi hỏi ít công đoạn, thành phần và năng lực vật lý hơn so với sản xuất vắc-xin truyền thống. Chi phí thiết lập sản xuất vắc-xin mRNA được phần lớn các chuyên gia ước tính rơi vào khoảng 100 triệu USD - 200 triệu USD. Một vài hãng dược ở các nước đang phát triển đã có sẵn nguồn lực tài chính này, số khác có thể vay mượn hoặc kêu gọi đầu tư.

Nhà nghiên cứu Debasmita Panda làm việc tại phòng thí nghiệm mRNA của Công ty Gennova ở TP Pune - Ấn ĐôẠ̉nh: The New York Times

Nhà nghiên cứu Debasmita Panda làm việc tại phòng thí nghiệm mRNA của Công ty Gennova ở TP Pune - Ấn ĐôẠ̉nh: The New York Times

Theo báo The New York Times, Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ (DFC) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đều có hàng tỉ USD trong quỹ tài trợ cho những dự án như vậy, dưới dạng các khoản vay lãi suất thấp hoặc một phần vốn chủ sở hữu.

Giới giám đốc điều hành và khoa học trong lĩnh vực vắc-xin, thuốc uống và công nghệ sinh học ở các nước đang phát triển khẳng định hiện có 10 ứng viên đủ khả năng sản xuất vắc-xin mRNA ở 6 quốc gia và 3 châu lục, tức đáp ứng được những yêu cầu quan trọng liên quan đến cơ sở, con người, hệ thống quản lý dược phẩm cũng như môi trường chính trị và kinh tế.

Nhóm ứng viên này bao gồm những công ty đang bào chế các loại vắc-xin Covid-19 khác, như Viện Serum Ấn Độ (SII) - nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới; những tổ chức công đang thử nghiệm vắc-xin Covid-19 công nghệ mRNA của riêng họ và những công ty được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là trung tâm phát triển mRNA cho khu vực.

Nhu cầu vắc-xin dành cho các nước thu nhập thấp được kỳ vọng đáp ứng thông qua COVAX (cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu), song quá trình đóng góp đến nay vẫn còn hạn chế và chậm. Các quốc gia giàu có đã thắt chặt nguồn cung, trong khi tỉ lệ tiêm phòng đầy đủ ở nhóm nước thu nhập thấp hiện chỉ chạm ngưỡng 4%.

Tình trạng bất bình đẳng vắc-xin nhiều khả năng tiếp tục gia tăng, đặc biệt là khi ngày càng nhiều nước triển khai chiến dịch tiêm liều tăng cường. Tại Mỹ, theo số liệu trung bình mỗi ngày của CDC, lượng người tiêm liều 3 đang cao hơn so với nhóm mới tiêm mũi đầu. Cụ thể, trong quãng thời gian 7 ngày kết thúc vào ngày 19-10, quốc gia của họ có thêm khoảng 340.000 người được tiêm liều bổ sung, so với 157.605 người được tiêm liều thứ nhất.

Tác dụng của vắc-xin với trẻ em

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 22-10 cho biết vắc-xin phòng Covid-19 của Công ty Pfizer/BioNTech dường như mang lại hiệu quả cao đối với trẻ em từ 5-11 tuổi và không gặp phải vấn đề gì về sự an toàn.

Theo hãng tin AP, FDA đã công bố dữ liệu phân tích về vắc-xin Pfizer/BioNTech trước cuộc họp công khai vào tuần tới. Cuộc họp sẽ tranh luận liệu vắc-xin này có đủ điều kiện tiêm phòng cho khoảng 28 triệu trẻ em từ 5-11 tuổi ở Mỹ. FDA dự kiến yêu cầu một hội đồng chuyên gia vắc-xin bên ngoài bỏ phiếu để quyết định thông qua hay không.

Trong bản phân tích, các nhà khoa học FDA kết luận lợi ích trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong do Covid-19 của vắc-xin Pfizer/BioNTech vượt xa bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào mà nó gây ra ở trẻ em. Theo đó, vắc-xin này đạt hiệu quả gần 91%, giúp trẻ em được tiêm phòng mắc các triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với trẻ em chưa được tiêm phòng và không gây ra tác dụng phụ mới hoặc không mong muốn. Hầu hết dữ liệu được FDA thu thập hồi tháng 8 và tháng 9 khi biến thể Delta hoành hành trên toàn cầu.

Trường hợp FDA phê duyệt vắc-xin Pfizer/BioNTech cho trẻ em, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ đưa ra các khuyến nghị bổ sung về những người được tiêm phòng vào tuần đầu tiên của tháng 11 tới. Các nhà khoa học FDA lưu ý nghiên cứu của họ chưa đủ lớn để phát hiện các tác dụng phụ cực kỳ hiếm gặp, bao gồm viêm cơ tim - thỉnh thoảng xảy ra sau liều thứ hai.

Thống kê của CDC cho thấy trẻ em có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong do Covid-19 thấp hơn người cao tuổi. Cho đến nay, hơn 630 trẻ em dưới 18 tuổi đã chết vì Covid-19 ở Mỹ trong tổng số 755.721 ca tử vong trên cả nước. Ngoài ra, gần 6,2 triệu trẻ em mắc Covid-19, theo Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP). Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã chuẩn bị đủ số lượng vắc-xin để tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi ở Mỹ.

Lọ đựng vắc-xin có nắp màu cam để phân biệt với vắc-xin dành cho người lớn cũng như kim tiêm kích thước "trẻ em".

M.Nghĩa

CAO LỰC

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/mo-rong-san-xuat-vac-xin-mrna-khong-don-gian-20211023205140323.htm