Mở rộng thị trường lao động ngoài nước

Ước tính trong 6 tháng đầu năm nay, đã có hơn 78.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc mở rộng và phát triển một số thị trường lao động ngoài nước có thu nhập và điều kiện làm việc tốt luôn là một ưu tiên.

TÍN HIỆU TÍCH CỰC VỚI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NGOÀI NƯỚC

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến ngày 19/6/2024, tổng số lao động Việt Nam xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt hơn 78.000 người, Trong số này, có hơn 23,7 nghìn lao động nữ, chiếm tỷ lệ khoảng 30%.

Ba thị trường hàng đầu tiếp nhận nhiều lao động nước ta trong 6 tháng đầu năm 2024: Nhật Bản (40.597 người), Đài Loan (Trung Quốc) (27.350 người), Hàn Quốc (5.565 người).

Như vậy, ước tính trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 62,4% kế hoạch năm. Mục tiêu đặt ra trong năm nay là đưa 125.000 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài.

Ba thị trường hàng đầu tiếp nhận nhiều lao động nước ta nhất vẫn là: Nhật Bản (40.597 người), Đài Loan (Trung Quốc) (27.350 người), Hàn Quốc (5.565 người).

Ông Hương cũng nhấn mạnh, chúng ta đang tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt. Thí dụ như thị trường lao động châu Âu. Ở thị trường này, số lao động sang làm việc lao động số lượng chưa nhiều nhưng điều kiện làm việc và thu nhập tương đối cao, cụ thể như Đức, Hy Lạp.

Việt Nam và Australia đang hoàn thiện tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp cho công tác đưa lao động đi làm việc tại Australia. Ngoài Trung tâm Lao động ngoài nước, sẽ lựa chọn thêm 6 doanh nghiệp để thực hiện chương trình.

Ngoài ra, mới đây, Việt Nam và Australia đã ký bản ghi nhớ đưa lao động đi làm việc trong ngành nông nghiệp theo chương trình PALM (The Pacific Australia Labour Mobility).

Theo đó, hai quốc gia thống nhất triển khai kế hoạch hỗ trợ cho 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo chương trình này. Hoạt động này dự kiến triển khai trong năm 2024.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương thông tin thêm, Việt Nam và Australia đang hoàn thiện tiêu chí lựa chọn các doanh nghiệp cho công tác đưa lao động đi làm việc tại Australia. Ngoài một đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Lao động ngoài nước, sẽ lựa chọn thêm 6 doanh nghiệp để thực hiện chương trình.

Các cơ quan chức năng đang nỗ lực để triển khai trong năm 2024. Phía Australia đang chờ việc lựa chọn đơn vị hỗ trợ phối hợp các đơn vị tuyển dụng trong thông tin tuyên truyền, giáo dục định hướng trước khi triển khai đưa lao động Việt Nam đi làm việc theo chương trình PALM.

Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thời gần đây. (Nguồn: Dolab)

Số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thời gần đây. (Nguồn: Dolab)

RỘNG MỞ CƠ HỘI CHO LAO ĐỘNG LÀM VIỆC TRONG NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, hiện nay có nhiều thị trường tiếp nhận lao động nước ta sang làm việc trong ngành nông nghiệp. Ba thị trường hàng đầu tiếp nhận nhiều lao động Việt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đều tiếp nhận lao động ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, lao động Việt Nam sang làm việc tại lĩnh vực nông nghiệp ở Australia khá mới mẻ.

Là một chương trình riêng được Australia áp dụng cho một số quốc đảo Thái Bình Dương, chương trình PALM có áp dụng những điều kiện cụ thể. Thí dụ như: Tiêu chuẩn của người lao động, lương theo quy định chung. Ngay cả người sử dụng lao động cần phải được phiếu chấp thuận để phối hợp với doanh nghiệp phái cử.

Ngày 1/3/2024, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan và Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski ký Bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ công dân Việt Nam sang Australia làm việc trong ngành nông nghiệp. (Ảnh: Molisa)

Ngày 1/3/2024, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan và Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski ký Bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ công dân Việt Nam sang Australia làm việc trong ngành nông nghiệp. (Ảnh: Molisa)

Ngoài Australia, một số nước châu Âu và khu vực khác có tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp như Phần Lan, Thụy Điển, Hy Lạp, hay trước đây là Israel.

Ông Hương cũng nhấn mạnh, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong ngành nông nghiệp không chỉ có các thị trường truyền thống, cả ở những thị trường có thu nhập cao như Bắc Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang giao Cục Quản lý lao động ngoài nước thúc đẩy để đàm phán ký thỏa thuận hợp tác lao động tại thị trường Canada. Cơ quan này đang phối hợp các đơn vị liên quan để có thể đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại nước này.

TRUYỀN THÔNG TỐT HƠN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHI LỢI NHUẬN

Ở một góc nhìn khác, ông Phạm Viết Hương cũng đề cập tới thực tế chưa thu hút của một số chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phi lợi nhuận ở trong nước hiện nay. Đó là chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (chương trình IM Japan), chương trình phái cử điều dưỡng viên, nhân viên chăm sóc Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (chương trình EPA), hay một số chương trình chi phí thấp nhưng khó khăn trong tuyển chọn lao động.

Có hai khó khăn trong thực hiện các chương trình trên được đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước nêu ra. Thứ nhất là các chương trình này thường có chỉ tiêu ít. Thứ hai là thời gian chờ đợi để lao động được xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài lâu hơn so với các chương trình khác.

Lễ xuất cảnh khóa 11 ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc của chương trình EPA, ngày 4/6/2024. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Lễ xuất cảnh khóa 11 ứng viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc của chương trình EPA, ngày 4/6/2024. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Nguyên do vì các chương trình phi lợi nhuận có sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước nên việc chuyển giao đào tạo tương đối bài bản nên thời gian đào tạo kéo dài hơn. Thí dụ như chương trình EPA yêu cầu tương đối cao về đầu vào, ứng viên phải tốt nghiệp cao đẳng. Họ cũng sẽ được đào tạo tiếng Nhật trong 12 tháng để đạt chứng chỉ năng lực tiếng Nhật N3 mới có thể lên đường sang nước bạn làm việc. Đây có thể là những “rào cản” vô hình với người lao động. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích của các chương trình này. Qua đó, tạo cơ hội cho lao động có tay nghề được đào tạo muốn đi làm việc ở nước ngoài, với thu nhập tốt và chi phí ít.

Thời gian qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước và các đơn vị chức năng cũng đẩy mạnh thông tin cảnh báo, ngăn chặn lừa đảo lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, ban hành các văn bản cảnh báo lừa đảo, khuyến cáo khi đi làm việc tại một số thị trường, ngành nghề như Australia (trong lĩnh vực nông nghiệp); Hàn Quốc (trong lĩnh vực dịch vụ theo thị thực E9)...; lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên môi trường mạng.

Cơ quan này cũng hướng dẫn và tư vấn người lao động về những kỹ năng chuẩn bị cần thiết, các kênh/hình thức để bảo đảm người lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, an toàn và hiệu quả.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, công tác phổ biến pháp luật về lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần triển khai tích cực hơn. Sau hai năm triển khai Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cần tiếp tục truyền thông về nội dung, chính sách rộng rãi tới nhân dân và người lao động.

Đồng thời, tiếp tục triển khai một số chính sách để thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo…

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mo-rong-thi-truong-lao-dong-ngoai-nuoc-post815272.html