Mở rộng vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, để phát huy tiềm năng kinh tế vườn trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo nguồn nông sản có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu, địa phương đã mở rộng diện tích vườn cây ăn quả lên gần 84.200 ha với nhiều chủng loại đặc sản có lợi thế cạnh tranh như: sầu riêng, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh…

Chăm sóc vườn xoài cát Hòa Lộc. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Chăm sóc vườn xoài cát Hòa Lộc. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chia sẻ, địa phương phát huy tiềm năng kinh tế vườn quả đặc sản theo hướng hình thành các vùng chuyên canh phù hợp với đặc thù thổ nhưỡng từng vùng, từng tiểu vùng và các hệ sinh thái ngọt phía Tây, nhiễm mặn ven biển phía Đông, nhiễm phèn Đồng Tháp Mười…

Từ định hướng trên, Tiền Giang đã xây dựng được vùng chuyên canh thanh long gần 9.000 ha, sầu riêng trên 20.000 ha, dứa Đồng Tháp Mười gần 15.400 ha, xoài cát Hòa Lộc ở các huyện đầu nguồn sông Tiền trên 1.500 ha... Đây là những vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế lớn, là nguồn hàng xuất khẩu quan trọng của địa phương.

Quan trọng nhất là vùng sản xuất thanh long tập trung ở 4 huyện: Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây và Tân Phước. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn thanh long xuất khẩu, Tiền Giang chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh gắn với cơ giới hóa các khâu canh tác, xây dựng chuỗi liên kết - tiêu thụ trên cây thanh long.

Hiện nay, diện tích thanh long được cấp chứng nhận VietGAP đạt gần 2.000 ha và thanh long đạt chứng nhận GlobalGAP đạt 110 ha. Tổng sản lượng thanh long đạt chứng nhận GAP hàng năm trên 67.000 tấn, chiếm khoảng 23,4% tổng sản lượng thanh long toàn tỉnh.

Tiền Giang đang phấn đấu đến năm 2025, mở rộng diện tích thanh long đạt tiêu chí GAP lên 3.600 ha.

Các huyện vùng kiểm soát lũ phía Tây: Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy… phát triển vùng chuyên canh sầu riêng trên 20.000 ha. Trong số đó, có khoảng 10.500 ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân 26,4 tấn/ha và sản lượng mỗi năm khoảng 300.000 tấn quả. Ước tính, khoảng 70% tổng sản lượng sầu riêng Tiền Giang được xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, thanh long Chợ Gạo, xoài cát Hòa Lộc và sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn xuất xứ địa lý, tạo thuận lợi cho tỉnh Tiền Giang trong việc khuyếch trương thương hiệu trái cây đặc sản của tỉnh trên thị trường.

Trong nỗ lực chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho vùng chuyên canh, giúp nông dân đạt năng suất, sản lượng cao và chất lượng nông sản tham gia thị trường, Tiền Giang triển khai Dự án xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sầu riêng, xoài tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây và Đề án Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 tại vùng chuyên canh thanh long Chợ Gạo.

Đặc biệt, tỉnh đang nắm bắt cơ hội thuận lợi được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch các loại trái cây chù lực có lợi thế cạnh tranh sang Trung Quốc và các nước khác, đẩy nhanh tiến độ cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phát triển vững chắc các vùng chuyên canh trái cây đặc sản tại địa phương.

Huyện Chợ Gạo là vùng chuyên canh trồng thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN

Huyện Chợ Gạo là vùng chuyên canh trồng thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hữu Chí/TTXVN

Việc đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng còn tiếp thêm động lực cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh thâm nhập một cách sâu rộng vào thị trường thế giới, giúp nông dân làm giàu và nông nghiệp, nông thôn đổi mới.

Trước mắt, toàn tỉnh hiện có gần 25.200 ha cây ăn trái được cấp 401 mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các nước khác. Trong số đó, có 72 mã số vùng trồng mít với trên 8.600 ha, 95 mã số vùng trồng thanh long với gần 6.400 ha, 50 mã số vùng trồng xoài với trên 1.700 ha, 12 mã số vùng trồng vú sữa với trên 70 ha…

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có 307 cơ sở đóng gói được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu; trong đó, sang thị trường Trung Quốc có 299 mã số, còn lại xuất sang thị trường các nước khác như: Hoa Kỳ, Australia…

Tiền Giang phấn đấu đến năm 2025, cơ bản toàn bộ diện tích cây ăn quả đặc sản của tỉnh sẽ được cấp mã số vùng trồng. Trong 7 tháng năm 2024, toàn tỉnh thu hoạch đạt sản lượng gần 1.062.000 tấn trái cây các loại, đạt gần 60% so chỉ tiêu cả năm và tăng 4,08% so cùng kỳ năm trước. Đáng mừng là không chỉ bội thu, trúng mùa mà bà con còn trúng giá, lãi cao nên rất phấn khởi.

Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, qua ghi nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, các loại trái cây chủ lực: thanh long, bưởi, sầu riêng… đều có giá cao, tiêu thụ thuận lợi. Còn tính chung, giá bán trái cây tăng từ 5.000 - 24.000 đồng/kg tùy loại so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ vậy, thu nhập từ kinh tế vườn quả đặc sản ở Tiền Giang cao hơn hẳn so với trồng lúa năng suất cao. Cao nhất là sầu riêng, nông dân lãi từ 1,5 - 2 tỷ đồng sau vụ thu hoạch trong năm; các loại cây ăn quả khác lãi từ vài trăm triệu đồng đến nửa tỷ đồng/ha/năm tùy theo chủng loại. Điều này tạo động lực để nông dân tập trung chăm sóc, ứng dụng các biện pháp khoa học công nghệ thâm canh nhằm đạt năng suất, sản lượng cao, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Minh Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/mo-rong-vung-chuyen-canh-cay-an-qua-dac-san-co-loi-the-canh-tranh-20240819101722344.htm