Mở trang trại, xây nhà trên đất lâm nghiệp

Không chỉ lập trang trại, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ còn xây nhà ở kiên cố trên đất lâm nghiệp do chính đơn vị mình quản lý

Ngày 3-5, ông Mã Phi Bình, cán bộ địa chính xã Diên Phú, TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), ghi nhận phản ánh của phóng viên Báo Người Lao Động về một số trường hợp xây nhà trái phép trên đất lâm nghiệp, nông nghiệp và cho biết sẽ kiểm tra, nếu vi phạm sẽ xử lý.

Đất lâm nghiệp thì có gì đâu!

Trang trại rộng 1,7 ha của ông Nguyễn Đức, Trưởng Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (xã Diên Phú), đang được trồng tiêu, cà phê và xây dựng nhà ở kiên cố. Chính giữa trang trại là căn nhà bê tông nhìn ra cánh đồng. Điều đáng nói là trang trại này được lập trên đất lâm nghiệp do chính đơn vị ông Đức quản lý.

Căn nhà và khu trang trại của ông Nguyễn Đức xây dựng trên đất lâm nghiệp

Căn nhà và khu trang trại của ông Nguyễn Đức xây dựng trên đất lâm nghiệp

Cạnh trang trại của ông Đức là 10.000 m2 đất do ông Lê Thiện Bảo, Giám đốc Công ty Đại Minh (xã Diên Phú), sử dụng. Đây là khu đất đắc địa, hướng nhìn về trung tâm TP Pleiku. Tại đây, ông Bảo đang cho xây dựng hàng rào dài hàng trăm mét, bên trong đang đổ nền móng. Các công nhân ở đây cho biết công trình bắt đầu thi công từ năm 2016 nhưng chưa biết thời điểm nào hoàn thành vì có nhiều hạng mục. Bên trong hàng rào, rất nhiều công nhân đang tập kết gạch, đá, sắt thép để xây công trình. Giữa khu đất là đường bê tông và bày vô số cây cảnh.

Bao quanh 2 khu đất của ông Đức và ông Bảo là những rừng thông xanh mướt.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đức thừa nhận trang trại của mình nằm trên đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, ông Đức đổ thừa chỉ sau khi mua, tiến hành làm các thủ tục thì mới phát hiện ra việc này.

Theo ông Đức, năm 1997, ông mua qua giấy tay 1,7 ha đất này, sau đó trồng cà phê, tiêu và năm 2010 thì làm nhà vừa để ở trông coi trang trại vừa làm kho chứa nông sản. “Đất lâm nghiệp thì có gì đâu, mục đích xây nhà là để phục vụ cho cái vườn đó chứ cà phê, tiêu của tôi để đâu. Chỉ là nhà cấp 4 chứ có gì to tát” - ông Đức biện bạch rồi cho biết đã nhiều lần đề nghị chính quyền cho chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không được. Việc xây nhà của ông cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cũng theo ông Đức, trong phần đất của ông Bảo có 5.000 m2 thuộc đất lâm nghiệp do BQL Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ quản lý, diện tích còn lại là đất nông nghiệp thuộc sự quản lý của địa phương.

Kiểm tra làm chi?

Khi phóng viên chất vấn tại sao để ông Bảo xây dựng các công trình kiên cố trên đất do đơn vị mình quản lý, ông Đức phân trần: “Khi quy hoạch thì giao cho tôi quản lý vậy thôi chứ thực chất người ta đã làm từ trước rồi. Đất đó ông Bảo có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi, kiểm tra làm chi”.

Trong khi đó, ông Bảo khẳng định khu đất của ông đang sử dụng là đất nông nghiệp. Dù nền móng trong khuôn viên thể hiện rất rõ nhưng ông Bảo vẫn phủ nhận chuyện xây nhà mà chỉ “làm hàng rào để bảo vệ cây trồng quanh nhà”. Ông Bảo cũng không cung cấp được giấy tờ gì để chứng minh khu đất này là đất nông nghiệp.

Theo ông Mã Phi Bình, diện tích đất ông Đức sử dụng nằm trong quy hoạch 3 loại rừng của UBND tỉnh Gia Lai và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Đất quy hoạch này vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng mình ghi chú ở dưới là đất quy hoạch 3 loại rừng” - ông Bình nói.

Đối với diện tích đất của ông Bảo, ông Bình nói đó là đất nông nghiệp, việc xây nền nhà trên đó là vi phạm nên sẽ xử lý.

Khó xử lý vì tế nhị

Nói về các công trình ông Lê Thiện Bảo đang xây dựng, ông Mã Phi Bình cho rằng đây là vấn đề tế nhị. Việc ông Bảo đưa máy móc, sắt thép vào thi công, nếu chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất là vi phạm. “Đợt vừa rồi cũng có nghe thông tin diện tích ông Bảo đang xây dựng là đất của cán bộ cấp tỉnh. Cụ thể là ai thì cũng không biết được” - ông Bình nói.

Bài và ảnh: Hoàng Thanh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/mo-trang-trai-xay-nha-tren-dat-lam-nghiep-20170503224544086.htm