Mở tuyến phố đi bộ kích thích buôn bán

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có đề án mở rộng các tuyến phố đi bộ trên địa bàn, với quy mô mở rộng từ 2 tuyến lên 24 tuyến trong 3 năm tới. Ngoài việc tăng số lượng, sở này cũng đề xuất cải tạo các tuyến phố đi bộ và khu vực lân cận, tăng cường các bãi giữ xe, phân luồng giao thông, mở tuyến xe buýt.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TPHCM.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TPHCM.

Nhiều ý kiến cho rằng, các tuyến phố đi bộ có ưu điểm là kích thích buôn bán về đêm, thu hút du khách nhưng thực tế không phải toàn bộ 22 khu vực trên đều có ưu điểm này. Cụ thể, theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải (GTVT), việc mở rộng các tuyến phố đi bộ sẽ theo một lộ trình từ nay tới năm 2025.

Theo đó, giai đoạn 1 (2022 - 2023), các đoạn/tuyến được mở gồm: Vòng xoay/bùng binh Công trường Quốc Tế, đường Phạm Ngọc Thạch, quảng trường Công xã Paris (từ Lê Duẩn đến Nguyễn Du), đường Đồng Khởi (từ Nguyễn Du đến Lê Lợi), đường Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến vòng xoay công viên Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành), đường Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Giai đoạn 2 (2023 - 2024), mở rộng phạm vi phố đi bộ vào ngày cuối tuần trên đường Đồng Khởi (từ Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng), đường Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Công trường Lam Sơn (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Nguyễn Thiệp (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Mạc Thị Bưởi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Ngô Đức Kế (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi). Sau đó, giai đoạn 3 (2024 - 2025) sẽ mở rộng phạm vi thực hiện trên các tuyến đường Hàm Nghi (từ Tôn Đức Thắng đến công viên Quách Thị Trang), Tôn Đức Thắng, Cao Bá Quát, Nguyễn Siêu, Thi Sách, Thái Văn Lung. Riêng đối với đường Tôn Thất Đạm (từ Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng), Thái Văn Lung, Thi Sách sẽ ưu tiên cho đi bộ và hạn chế xe lưu thông.

Mặc dù số lượng các tuyến phố đi bộ được đề xuất khá nhiều nhưng lại không có điểm nhấn rõ ràng. Các tuyến đường này hầu hết đều nhỏ, ngắn và nằm ở khu vực trung tâm quận 1 và 3. Nhiều tuyến đường đang kết nối hiện hữu với phố đi bộ Nguyễn Huệ và vẫn cung cấp các dịch vụ “ăn theo” phố đi bộ Nguyễn Huệ. Tuy nhiên đây là những tuyến đường có mật độ cư dân lớn, nhiều chung cư, cao ốc. Việc biến đường giao thông thành phố đi bộ sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến người dân sinh sống trong khu vực, nhất là những bến bãi gửi xe, di chuyển. Đây là vấn đề nan giải vì khu vực này hiện chưa có bãi giữ xe nào được quy hoạch bài bản. Các phương tiện xe máy, ô tô hầu hết vẫn dừng, đỗ ở lòng, lề đường và các bãi giữ xe tự phát của người dân. Ngoài ra với hàng loạt tuyến đường đi bộ sẽ khiến việc phân luồng, lưu thông phương tiện gặp khó khăn. Ví dụ như một khách sạn ở trong khu vực phố đi bộ đón khách thì phương tiện ô tô sẽ phải dừng ở khu vực xa đó, khách phải đi bộ tới khá bất tiện.

Theo TS Trần Du Lịch - chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô thì hiện các khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện đang kinh doanh rất tốt, thu hút đông đảo khách du lịch. Mỗi tuyến phố này đều có điểm nhấn nhất định để thu hút du khách, người dân. Vì vậy, nếu tăng thêm 22 tuyến phố du lịch, cần thêm một số sản phẩm đặc trưng để thu hút, tạo điểm nhấn cho phố đi bộ. Bởi nếu chỉ đơn giản là cấm ô tô, xe máy và cho người dân đi bộ nhưng không có thêm hạ tầng nào khác thì việc mở rộng sẽ không đem lại nhiều kết quả.

Cũng theo ông Lịch, thành phố cần kết hợp và khai thác triệt để khu vực ven sông Sài Gòn (trung tâm là bến Bạch Đằng) để thu hút du khách, tạo hành lang đi bộ kết hợp ngắm cảnh sông nước.

Tương tự, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc mở rộng các không gian công cộng (như phố đi bộ) là cần thiết và dễ dàng. Tuy nhiên khai thác tối đa hiệu quả của không gian công cộng này, đem lại lợi ích kinh tế, thu hút người dân và du khách là vấn đề cần cân nhắc và có sự kết hợp của nhiều ban, ngành. Theo ông Sơn, việc các phố đi bộ được quy hoạch không nên để các dòng xe chạy cắt ngang mà chỉ nên chạy song song. Đây là vấn đề quan trọng cần sự phân luồng, quy hoạch của các địa phương nhằm khai thác phố đi bộ.

Việc mở rộng phố đi bộ là cần thiết nhưng quy hoạch bao nhiêu tuyến phố đi bộ, mục đích cụ thể từng tuyến phố, mô hình kinh doanh khai thác phục vụ du khách thể nào cần được các ban, ngành ở TPHCM cân nhắc kĩ lưỡng.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mo-tuyen-pho-di-bo-kich-thich-buon-ban-5698345.html