Mổ xẻ tác hại của thuốc lá nung nóng: Có đến mức phải cấm?

Nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và chuyên gia y tế khuyến nghị cần đánh giá một cách khoa học và khách quan về mức độ tác hại của thuốc lá nung nóng (TLNN), còn gọi là thuốc lá làm nóng, so với thuốc lá truyền thống (TLTT).

Chưa xác định thuốc lá nung nóng là có hại hơn thuốc lá truyền thống

Tại các kỳ họp giữa các ĐBQH, bộ ban ngành, nhiều ý kiến cho rằng nếu chính sách quản lý dựa trên tác hại của sản phẩm thì cần so sánh tác hại giữa TLNN và TLTT. Nếu thật sự TLNN có hại hơn thì cần thiết phải cấm; còn nếu thấp hơn, hoặc bằng, thì cần cân nhắc để đảm bảo sự công bằng trong ngành hàng thuốc lá.

So sánh hàm lượng các chất có hại giữa khói của thuốc lá truyền thống và khí hơi của thuốc lá nung nóng (Nguồn: FDA).

So sánh hàm lượng các chất có hại giữa khói của thuốc lá truyền thống và khí hơi của thuốc lá nung nóng (Nguồn: FDA).

Khi đốt điếu thuốc lên đến 800 – 900oC, trong khói của TLTT thải ra môi trường và hấp thu vào cơ thể người hút chứa hơn 6.000 chất gây hại, bao gồm các chất sinh ung thư như carbon monoxide (CO), formaldehyde, nitrosamines...

Còn TLNN chỉ làm nóng điếu thuốc dưới nhiệt độ cháy, nên không tạo ra khói, tàn như TLTT. Chính vì sự khác biệt này nên quốc tế nghiên cứu cụ thể về mức độ độc hại của TLLN so với TLTT.

Theo đó, Viện Đánh giá Nguy cơ Đức (BfR) kết luận các chất gây hại trong khí hơi của TLLN giảm từ 80-99% so với khói của TLTT.

Trong nước, mới đây, BSNT. CKI. Nguyễn Bảo Sơn, chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết: Tháng 7 vừa qua, Tạp chí Nghiên cứu Y học của trường Đại học Y Hà Nội đã công bố Nghiên cứu tổng hợp kết quả so sánh độc tính của TLNN so với TLTT trên toàn cầu. Nghiên cứu kết luận: Độc tính của TLNN giảm đáng kể so với TLTT.

BSNT. CKI. Nguyễn Bảo Sơn.

BSNT. CKI. Nguyễn Bảo Sơn.

"Dưới góc độ của người làm khoa học, tôi cho rằng nghiên cứu này được triển khai bài bản và đáng tin cậy," BS. Sơn đánh giá.

Khác với TLTT đã được xác định là độc hại trong ngắn hạn và dài hạn, đối với TLNN, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu rõ vẫn chưa biết được yếu tố tác động dài hại của TLNN. Tuy nhiên, WHO xác nhận hàm lượng độc chất trong TLNN thấp hơn so với TLTT theo công bố mới nhất tại Hội nghị các nước thành viên Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) lần thứ 10 – COP10 (tháng 2/2024), dù cơ quan này vẫn nhấn mạnh mọi loại thuốc lá đều độc hại. Đồng thời vẫn chưa có nghiên cứu nào TLNN hay thuốc lá mới có khả năng cai TLTT.

Thiếu cơ sở để cấm nếu chưa xác định mức độ độc hại cao hơn?

Chính vì chưa xác định được mức độ độc hại của TLNN so với TLTT về mặt khoa học, nhiều ĐBQH chất vấn, đâu là căn cứ để cấm, trong khi thuốc lá vẫn là ngành hàng kinh doanh có điều kiện.

Trong phiên giải trình tại Nhà Quốc hội ngày 4/5, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà, Phó ban Công tác Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm: Bộ Y tế cần làm rõ nguyên nhân tại sao lại có ứng xử khác nhau giữa TLNN so với TLTT, dựa trên các bằng chứng khoa học.

ĐBQH Tạ Văn Hạ.

ĐBQH Tạ Văn Hạ.

Mới đây, trong tọa đàm tại Bộ Tư pháp ngày 1/8, ĐBQH Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cũng đặt câu hỏi cho Bộ Y tế về tiến độ nghiên cứu, đánh giá khoa học đối với thuốc lá mới tại Việt Nam, nhất là khi đã có các nghiên cứu chuyên sâu từ Mỹ, Nhật... để tham khảo.

Trong khi đó, xét trên góc độ thị trường, ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, các loại thuốc lá mới (thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử-TLĐT) là loại hàng hóa mà "dù cấm hay không cấm thì vẫn bán". Do vậy, ông cho rằng cần một khung pháp lý phù hợp cho các loại hình sản phẩm này.

Trong khi đó, nguyên tắc trong vấn đề đề xuất chính sách thuốc lá mới, tại phiên giải trình ngày 4/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (nay là Chủ tịch Quốc hội) đã nêu rõ: Cần nhận diện đúng về TLNN, TLĐT; đánh giá tác hại của các loại thuốc lá này, có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của Nhà nước đối với vấn đề này; đối với những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật cần bảo đảm về tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại.

Theo đó, ông Mẫn khẳng định: "Quản lý phải trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý Nhà nước".

Cũng trong tọa đàm ngày 1/8, nhìn từ góc độ người tiêu dùng, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhìn nhận, chính sách quản lý TLNN, TLĐT không chỉ dừng lại ở xu hướng thị trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, cho nên các bộ, ngành cần sớm có quan điểm dứt khoát về vấn đề này.

"Chúng ta cần bảo đảm hài hòa các yếu tố như quyền lợi người tiêu dùng, phát triển thị trường, hội nhập quốc tế và sản xuất mặt hàng này. Việc cấm tuyệt đối, hạn chế, hay quản lý có định hướng thì cần dựa trên cơ sở lấy người tiêu dùng làm trung tâm, bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng, bảo đảm nguồn thu của Nhà nước," bà Liên nhấn mạnh.

Đức Bình

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/mo-xe-tac-hai-cua-thuoc-la-nung-nong-co-den-muc-phai-cam-192240904142244593.htm