Mobile Money chưa như kỳ vọng

Với lợi thế về cơ sở hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, các nhà mạng đã triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money - hình thức thanh toán qua tài khoản viễn thông. Tuy nhiên, đến nay kết quả chưa như kỳ vọng.

Để dịch vụ này phổ cập hơn nữa, nhất là tới được vùng sâu, vùng xa, cơ quan quản lý nhà nước cần có thêm các chính sách, chương trình thúc đẩy, qua đó mở rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đem lại lợi ích cho người dân.

Việc thanh toán bằng Mobile Money được thực hiện từ ứng dụng trên smartphone hoặc tin nhắn SMS giúp thuận lợi cho người sử dụng.

Việc thanh toán bằng Mobile Money được thực hiện từ ứng dụng trên smartphone hoặc tin nhắn SMS giúp thuận lợi cho người sử dụng.

Mobile Money gặp khó

Theo đại diện các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động, Mobile Money triển khai khi tỷ lệ thuê bao di động tại nước ta đạt khá cao (khoảng 130 triệu thuê bao/gần 100 triệu dân). Dịch vụ này có điểm thuận lợi là người dùng chỉ cần có thuê bao di động, không cần điện thoại thông minh hay tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông - VNPT VinaPhone (Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam) Nguyễn Văn Tấn, điều kiện để mở tài khoản Mobile Money rất chặt chẽ, như phải đáp ứng yêu cầu định danh khách hàng, thời gian kích hoạt, sử dụng thuê bao liên tục ít nhất 3 tháng… đã làm mất đi tính hấp dẫn của Mobile Money và làm cho nhà mạng tốn thêm nguồn lực. Vì lý do đó, VNPT đã có 156.351 người (chiếm 30% tổng số khách hàng) đăng ký dùng nhưng không thành công. Thêm nữa, hạn mức sử dụng chỉ 10 triệu đồng/tháng và hạn chế không được chuyển, nhận tiền từ các thuê bao Mobile Money của nhà mạng khác cũng gây bất tiện cho người dùng. Ngoài ra, số điểm chấp nhận thanh toán còn ít cũng là một nguyên nhân.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số (Tổng công ty Viễn thông MobiFone) Phạm Minh Tú thông tin, hiện tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán đạt khoảng 11,74% nhưng số lượng giao dịch thanh toán bằng tiền mặt lại chiếm hơn 80%, cho thấy các giao dịch chủ yếu đều nhỏ lẻ. Vì thế, dư địa của Mobile Money vẫn còn nhưng được ví như “mảnh đất cằn cỗi".

Còn Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội) Trương Quang Việt cho rằng, bài toán Mobile Money cần giải quyết là thay đổi hành vi chi tiêu và sử dụng tiền của người dân. "Làm sao để người dân tin tưởng sử dụng Mobile Money, chuyển đổi từ sử dụng tiền mặt sang không dùng tiền mặt, thay đổi toàn diện thói quen là điều khó khăn", ông Trương Quang Việt nói.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 4 tháng thí điểm dịch vụ Mobile Money, đã có gần 1,1 triệu khách hàng đăng ký dùng, trong đó có hơn 660.000 khách hàng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đạt tỷ lệ 60,1%; khoảng 8,4 triệu giao dịch được thực hiện với giá trị 371 tỷ đồng. Viettel là nhà mạng dẫn đầu số lượng thuê bao, tiếp đó là VNPT VinaPhone.

Để mở rộng cơ hội giao thương

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel Trương Quang Việt cho rằng, Mobile Money được coi là tiền di động. Với 40% người dân Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng, Mobile Money có thể đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng cơ hội giao thương cho tất cả mọi người. Vì vậy, Viettel đề xuất các cơ quan chức năng nên giải ngân, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho nhóm đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua Mobile Money; thêm các chính sách hỗ trợ để xây dựng và nhân rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của Mobile Money. Ngân hàng và các nhà mạng cần duy trì hợp tác, mang lại giá trị cho người dân khi sử dụng các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt, tạo động lực để thay đổi thói quen chi tiêu trong đời sống hằng ngày.

Cùng quan điểm, lãnh đạo VNPT VinaPhone kiến nghị, các cơ quan quản lý hỗ trợ doanh nghiệp truyền thông về Mobile Money thông qua các chương trình, hoạt động của các hội, đoàn thể. Đặc biệt, có thể sử dụng Mobile Money trong triển khai các chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế địa phương… Cùng với đó, cơ quan quản lý cần xem xét, điều chỉnh quy định trong phát triển thuê bao Mobile Money để tạo ra môi trường thuận lợi hơn với người dùng.

Về phía cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Duy Hải đánh giá, việc có khoảng 1,1 triệu người sử dụng dịch vụ Mobile Money, trong đó phần lớn là người dân ở vùng sâu, vùng xa, là kết quả ban đầu đáng khích lệ khi thí điểm dịch vụ này. Tuy nhiên, kết quả chưa đáp ứng kỳ vọng… Với những khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông cần quyết tâm hơn nữa.

Để từng bước tháo gỡ các nút thắt, tháng 3-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết chương trình phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, trong đó có nội dung phối hợp hướng dẫn, vận động đoàn viên, thanh niên dùng Mobile Money; đoàn viên, thanh niên tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng Mobile Money. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an nghiên cứu các đề xuất của doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc trong thẩm quyền, trường hợp cần thiết có thể báo cáo xin chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy phát triển dịch vụ Mobile Money.

Việt Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1032662/mobile-money-chua-nhu-ky-vong