Mobile money là giải pháp mạnh mẽ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt?

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mobile money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Nghị quyết số 02 năm 2020 của Chính phủ đã nêu rõ 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; Đồng thời cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau.

Mobile money được coi như giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh minh họa: KT)

Mobile money được coi như giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh minh họa: KT)

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu này, cũng cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.

Nghị định 101 năm 2012 của Chính phủ cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo nền tảng cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các mô hình, ý tưởng kinh doanh mới, với nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, đã dẫn tới nhu cầu phát triển các phương thức thanh toán điện tử mới. Do đó, sửa đổi các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm thúc đẩy sự phát triển các phương tiện, dịch vụ, phương thức thanh toán điện tử trên nền tảng công nghệ là điều cần thiết.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Nghị định 101, trong đó, một số nội dung về tính pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp tài chính trên nền tảng công nghệ, gọi tắt là FinTech, vẫn đang gây nhiều băn khoăn.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: “Quy định bên giao đại lý xây dựng các tiêu chí lựa chọn đại lý thanh toán và đó chính là điều kiện kinh doanh với đại lý thanh toán, có nói là đại lý phải có đội ngũ cán bộ có khả năng xử lý giao dịch bằng tiền mặt trên hệ thống công nghệ thông tin, điều kiện kinh doanh này thiếu rõ ràng, không có cơ sở xác định”.

“Quy định có địa điểm thuận lợi để khách hàng tiếp cận dịch vụ là điều kiện không rõ ràng, có cần thiết quy định này không, đó là trách nhiệm đại lý. Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thì quy định phải có đề án cung ứng đề án thanh toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nội dung điều kiện kinh doanh này khó tiên liệu và không biết thế nào để đáp ứng yêu cầu, rồi nhân sự có bằng đại học, tôi đánh giá không cần thiết có thể cản trở kinh doanh của doanh nghiệp sáng tạo”, bà Thảo nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia pháp lý, dự thảo sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều điều kiện kinh doanh được quy định chung chung, thiếu cụ thể, chưa rõ ràng, chưa thực sự thuyết phục và khó tiên liệu. Do đó, dự thảo quy định về thanh toán không dùng tiền mặt cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp và hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển hoạt động này.

Ở góc nhìn rộng hơn, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico nêu ý kiến: “Việc tiếp tục ban hành quy định về thanh toán không dùng tiền mặt dưới hình thức Nghị định là không hợp lý, chỉ nên coi là giải pháp tạm thời bởi một số lý do. Trước hết, việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, gồm cả việc hạn chế sử dụng ngoại hối, tức là hạn chế quyền của công dân thì phải được quy định cụ thể trong luật. Bên cạnh đó, đây là vấn đề trên liên quan trực tiếp đến nước ngoài, do đó, việc quy định bằng văn bản dưới luật là không bảo đảm cơ sở pháp lý cần thiết”.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số đang ngày càng được chú trọng. Vậy nên, cùng với việc hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện có, hầu hết các ngân hàng đã và đang nghiên cứu triển khai thêm các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng phát triển thanh toán qua điện thoại di động - mobile money, là giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng nhất.

“Đầu năm 2020 nếu cấp phép mobile money thì Việt Nam là nước thứ 100 có nền tảng thanh toán mobie money. Chúng ta nói nhiều tới thương mại điện tử, khởi nghiệp, nhưng lại không nói đến phương tiện quan trọng để thúc đẩy chúng là nền tảng thanh toán. Ở Việt Nam mật độ người dùng thẻ tín dụng chưa cao nhưng mật độ thuê bao di động đã phủ sóng hơn 100% dân số từ nhiều năm nay. Mobile money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”, Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Có thể nói, thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp Chính phủ ưu tiên thúc đẩy nhằm tạo lập các giao dịch minh bạch, thuận lợi, an toàn và giảm chi phí. Nhưng việc khung pháp lý chưa hoàn thiện và chưa được xây dựng theo hướng thúc đẩy thanh toán điện tử, là rào cản cần cơ quan chức năng nhanh chóng nghiên cứu và bổ sung.

Chỉ khi có chính sách thông thoáng, hài hòa giữa mục tiêu quản lý Nhà nước mà vẫn tạo điều kiện phát triển cho thanh toán điện tử và các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này, thì mới có thể sớm hiện thực hóa quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế phi tiền mặt của Chính phủ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới hiện nay./.

Trung Hiếu - Bảo Ngọc - Bá Toàn/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/mobile-money-la-giai-phap-manh-me-thuc-day-thanh-toan-khong-tien-mat-1004920.vov