Moderna chậm cung ứng vắc xin COVID-19 cho các nước bên ngoài Mỹ

Vắc xin ngừa COVID-19 của Moderna. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 27/7, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ cho biết các đối tác sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 của hãng này bên ngoài nước Mỹ đang gặp những trở ngại liên quan đến hoạt động thử nghiệm trong phòng thí nghiệm phát sinh trong vài ngày qua, làm chậm tiến độ cung cấp vắc xin cho các thị trường này.

Người phát ngôn của hãng Moderna nêu rõ: “Chúng tôi không dự trữ vắc xin trong kho để cho phép vắc xin được phân phối nhanh hơn, điều đó có nghĩa là chúng tôi không dự trữ để giải quyết vấn đề thiếu hụt hay chậm cung ứng”. Theo người phát ngôn trên, vấn đề hiện đã được giải quyết, song việc chậm trễ này sẽ dẫn tới sự điều chỉnh ngắn hạn trong 2-4 tuần nữa.

Moderna và các đối tác sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 của hãng đang làm việc để giảm thiểu tình trạng thiếu vắc xin này ở những nước chịu tác động. Tuy nhiên, hãng dược phẩm Mỹ không cho biết cụ thể những nước bị ảnh hưởng cũng như mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Moderna đưa ra thông báo trên sau khi giới chức y tế Hàn Quốc trước đó cùng ngày cho biết Moderna đã lùi việc bàn giao lô vắc xin dự kiến được chuyển cho nước này vào cuối tháng 7 sang tháng 8 do những khó khăn về cung cấp.

Lô vắc xin bị giao chậm trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc đang mở rộng chiến dịch tiêm ngừa COVID-19 sang những người trên 50 tuổi, cùng các công nhân làm việc trong lĩnh vực điện tử và chip máy tính. Do sự gián đoạn nguồn cung từ hãng Moderna, giới chức Hàn Quốc buộc phải chuyển sang dùng vắc xin của hãng Pfizer để tiêm chủng cho một số đối tượng tiêm chủng.

Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan mua vắc xin ngừa COVID-19 của Chính phủ Hàn Quốc, Jung Eun-young cho biết vấn đề nguồn cung có liên quan tới tiến trình sản xuất vắc xin của hãng dược phẩm Lonze của Thụy Sĩ mà Moderna ký hợp đồng hợp tác sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 và một công ty có trụ sở ở Tây Ban Nha chuyên đóng lọ đựng vắc xin của Moderna.

Ông Eun-young cho biết vấn đề liên quan tới sản xuất này không chỉ ảnh hưởng tới Hàn Quốc mà các nước tiếp nhận vắc xin từ nơi sản xuất vắc xin của Moderna. Hàn Quốc đã ký hợp đồng mua 40 triệu liều vắc xin của Moderna và đến nay đã nhận được khoảng 1,1 triệu liều.

Ngày 27/7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) cho biết Chính phủ nước này đặt mục tiêu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho hơn 208 triệu dân để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Sau sáu tháng kể từ khi phát động chương trình tiêm chủng toàn quốc miễn phí ngừa COVID-19 với mục tiêu ban đầu tiêm vắc xin cho ít nhất 181,5 triệu người, nhưng đến nay mới khoảng 10% trong tổng số hơn 270 triệu dân số Indonesia được tiêm chủng đầy đủ, tương đương 18,7 triệu người được tiêm đầy đủ hai mũi.

Trong bài đăng trên trang Twitter chính thức, Tổng thống Jokowi nhấn mạnh: "Để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, chúng ta cần tiêm chủng cho khoảng 208 triệu dân, bao gồm những người từ 12-17 tuổi”.

Tuyên bố của ông Jokowi được đưa ra vài giờ sau khi Indonesia ghi nhận "kỷ lục buồn" khi số ca tử vong trong ngày do COVID-19 vượt mốc 2.000 ca, lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 3 năm ngoái.

Cảnh sát Quốc gia và Quân đội Indonesia đã được huy động nhằm tăng tốc tiêm chủng với mục tiêu đạt 2 triệu liều mỗi ngày, bắt đầu từ tháng 8 tới, cấp phát thuốc cho các bệnh nhân COVID-19 đang tự cách ly tại nhà, cũng như truy vết những người tiếp xúc gần với các ca dương tính.

Cùng ngày, giới chức Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này đang cân nhắc việc tiêm nhắc lại vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ ba sau khi kết quả một nghiên cứu cho thấy kháng thể sản sinh từ hai mũi tiêm giảm dần theo thời gian.

Lo ngại ngày càng gia tăng về tính hiệu quả vắc xin trong những tuần gần đây khi hàng trăm nhân viên y tế, trong đó hầu hết đã được tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin của Sinovac, bị tái nhiễm virus. Hiện vắc xin của Sinovac chiếm tới hơn 4/5 trong tổng số 173 triệu liều vắc xin mà Indonesia đã nhận được cho đến nay.

Một nghiên cứu được công bố trong tuần này cho thấy kháng thể sản sinh từ vắc xin Sinovac giảm xuống dưới ngưỡng cần thiết khoảng sáu tháng sau khi tiêm mũi thứ hai ở hầu hết những người được tiêm, mặc dù mũi thứ ba có tác dụng tăng cường mạnh mẽ.

Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa rõ việc giảm kháng thể này ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả tiêm chủng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Siti Nadia Tarmizi, quan chức cấp cao của Bộ Y tế, cho hay mức độ kháng thể suy giảm vẫn đủ để bảo vệ, dựa trên các dữ liệu lâm sàng tại Indonesia.

Bà Siti cho biết: “Hiện ban tư vấn tiêm chủng khuyến cáo cần tiêm nhắc lại 12 tháng sau mũi thứ hai", đồng thời cho biết thêm rằng Chính phủ Indonesia vẫn đang cân nhắc nên tiêm nhắc lại một mũi hay hai mũi. Bà Siti không cho biết loại vắc xin nào sẽ được sử dụng để tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, Tiến sĩ Kusnandi Rusmil thuộc Đại học Padjadjaran - người đứng đầu các thử nghiệm lâm sàng vắc xin của Sinovac tại Indonesia, cho biết bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào đã được phê duyệt đều có thể được sử dụng để tiêm nhắc lại.

Theo ông Kusnandi, thử nghiệm lâm sàng sẽ kết thúc vào tháng tới và dữ liệu nghiên cứu cho đến nay cho thấy mức độ kháng thể suy giảm theo thời gian. Điều này đã thúc đẩy ông Kusnandi khuyến nghị Chính phủ tiêm nhắc lại mũi thứ ba cho các nhân viên y tế.

Bộ Y tế Lào khuyến cáo các loại vắc xin ngừa COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp và đang được sử dụng tại nước này phải được tiêm cùng loại cả hai mũi. Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane thông báo của Bộ Y tế Lào nêu rõ cấm việc tiêm kết hợp các loại vắc xin ngừa COVID-19 khác nhau và không nên tiêm vắc xin nhiều hơn chỉ định do hiện nay chưa có thông tin hoặc hướng dẫn của WHO cũng như Bộ Y tế về mức độ an toàn và hiệu quả của việc tiêm kết hợp.

Bộ Y tế Lào cũng cho biết các loại vắc xin được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp đều chỉ định tiêm hai mũi cùng loại để đảm bảo người được tiêm có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Chính vì vậy, Bộ Y tế Lào tiếp tục khuyến khích người dân đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19, đồng thời khuyến nghị người dân tuân thủ các quy định phòng chống dịch như thường xuyên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc và rửa tay thường xuyên.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Lào, Bộ Y tế Lào ngày 28/7 cho biết trong 24 giờ qua, nước này có 280 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, trong đó đa phần là ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đặc biệt, tỉnh Savannakhet đang gặp nhiều khó khăn khi mỗi ngày có trên 300 ca nhập cảnh, trong đó có khoảng 30-45% mắc COVID-19. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 5.434 ca mắc COVID-19 và 6 ca tử vong.

Bộ Y tế Israel ngày 27/7 đã chính thức cho phép tiến hành tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11. Bộ Y tế nước này đã thông báo cho các tổ chức dịch vụ chăm sóc y tế về việc có thể bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho những trẻ em thuộc nhóm có nguy cơ cao trong độ tuổi trên.

Israel xác định các nhóm có nguy cơ cao là những đối tượng có khả năng cao gặp biến chứng nặng hoặc tử vong nếu mắc COVID-19. Một thông báo của Bộ Y tế Israel liệt kê “những trường hợp đặc biệt mà trong đó vắc xin có thể được xem xét tiêm cho trẻ em ở độ tuổi này”.

Các trường hợp trẻ em từ 5-11 tuổi nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 gồm: béo phì nghiêm trọng; người bị rối loạn phát triển thần kinh như co giật và các hội chứng bẩm sinh; bệnh phổi mãn tính nghiêm trọng; ung thư; suy tim; suy giảm khả năng miễn dịch; tăng áp phổi và các chứng thiếu máu do hồng cầu hình liềm.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Israel, trẻ em từ 5-11 tuổi nếu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sẽ được tiêm với liều lượng thấp hơn bình thường, ở mức 10 mcg thay vì 30 mcg. Tuy nhiên, Israel vẫn thận trọng và chưa khuyến cáo tiêm vắc xin đại trà cho trẻ em vào thời điểm này.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 27/7 cho hay nước này có thể sẽ sớm đưa ra quyết định về tiêm bổ sung liều 3 vắc xin ngừa COVID-19 cho các nhóm dân chúng. Một nghiên cứu của Đại học Hebrew tại Jerusalem cho thấy hiệu quả của vắc xin trong ngăn chặn các biến chứng nặng do COVID-19 đã giảm xuống còn 80%, nhưng vẫn đạt hiệu quả 90% ngăn chặn nguy cơ tử vong ở bệnh nhân.

Số ca lây nhiễm COVID-19 mới tại Israel đang có xu hướng gia tăng trong vài ngày gần đây, nhất là do biến thể Delta. Israel đã có hơn 863.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.461 trường hợp tử vong.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/261817/moderna-cham-cung-ung-vac-xin-covid-19-cho-cac-nuoc-ben-ngoai-my.html