Mỗi công dân sẽ được cấp một căn cước điện tử từ ngày 1/7

Luật Căn cước 2023 đã bổ sung quy định về căn cước điện tử. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, mỗi công dân sẽ được cấp một căn cước điện tử để thuận tiện trong các giao dịch hành chính. Đại tá Lương Thế Lộc - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh đã có cuộc trao đổi với PV Báo Nghệ An về những vấn đề người dân quan tâm.

P.V: Đồng chí có thể cho biết, căn cước điện tử là gì, giá trị sử dụng của căn cước điện tử?

Đại tá Lương Thế Lộc: Trước đây, khi Luật Căn cước công dân được ban hành, người dân sử dụng căn cước công dân gắn chip trong các giao dịch, thay thế cho chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, theo Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ 1/7/2024 thì ngoài việc sử dụng thẻ căn cước thì người dân còn có thêm căn cước điện tử.

Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập (theo Điều 3, Luật Căn cước).

Theo Điều 31, Luật Căn cước, mỗi công dân chỉ có 1 căn cước điện tử. Thông tin trong căn cước điện tử bao gồm một số thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Số định danh cá nhân; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi sinh; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán…) và một số thông tin trong Cơ sở dữ liệu về căn cước (Thông tin nhân dạng; Nghề nghiệp…).

Ngoài ra, nếu công dân đề nghị thì những thông tin như thẻ Bảo hiểm y tế, sổ Bảo hiểm xã hội, Giấy phép lái xe, … sẽ được tích hợp vào căn cước điện tử. Tuy nhiên, những thông tin này phải được xác thực thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Chụp ảnh làm căn cước công dân tại Bộ phận một cửa Công an tỉnh. Ảnh tư liệu

Chụp ảnh làm căn cước công dân tại Bộ phận một cửa Công an tỉnh. Ảnh tư liệu

Theo Điều 33, Luật Căn cước 2023 quy định giá trị sử dụng của căn cước điện tử như sau:

- Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

- Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.

P.V: Căn cước điện tử có thay thế cho thẻ căn cước, thưa đồng chí?

Đại tá Lương Thế Lộc: Thẻ căn cước và căn cước điện tử là 2 hình thức thể hiện khác nhau, đều chứa đựng thông tin về căn cước của công dân. Trong đó, thẻ căn cước được thể hiện dưới dạng vật lý (là thẻ nhựa), còn căn cước điện tử là thông tin về căn cước của một người được thể hiện dưới dạng điện tử trong tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Căn cước điện tử được cập nhật liên tục thông tin của công dân nếu có sự thay đổi.

Tra cứu thông tin để làm căn cước cho người dân. Ảnh tư liệu

Tra cứu thông tin để làm căn cước cho người dân. Ảnh tư liệu

Bên cạnh những thông tin cơ bản bao gồm những thông tin thể hiện trên thẻ căn cước, căn cước điện tử được bổ sung một số thông tin khác nhằm phát huy tối đa tiện ích và giá trị của thẻ căn cước trên môi trường điện tử để phục vụ tốt hơn nhu cầu giao dịch của người dân.

Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân. Căn cước điện tử có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước;

Có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ, tài liệu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

Hiện nay, hệ thống định danh và xác thực điện tử được thiết kế có thể đáp ứng được 180 triệu lượt truy cập/ngày vào ứng dụng VNeID.

PV: Đồng chí có thể cho biết, căn cước điện tử sẽ bị khóa và được mở khóa khi nào?

Đại tá Lương Thế Lộc: Căn cước điện tử sẽ bị khóa khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa; hoặc vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; hoặc bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước; hoặc chết; hoặc có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan khác có thẩm quyền.

Tương ứng với từng trường hợp, căn cước điện tử được mở khóa khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu; hoặc đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; hoặc được trả lại thẻ căn cước; hoặc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh phát tờ rơi, hướng dẫn người dân về quy trình đăng ký cài đặt định danh điện tử trên điện thoại. Ảnh tư liệu

Cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh phát tờ rơi, hướng dẫn người dân về quy trình đăng ký cài đặt định danh điện tử trên điện thoại. Ảnh tư liệu

P.V: Về quy trình cấp căn cước điện tử, người dân cần làm gì?

Đại tá Lương Thế Lộc: Về quy trình cấp căn cước điện tử, người dân đến nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước Công an cấp huyện hoặc Bộ phận một cửa Công an cấp tỉnh để làm thủ tục cấp căn cước điện tử.

Người dân có thể thông qua công tác cấp căn cước vật lý để đề nghị cấp căn cước điện tử hoặc xuất trình căn cước đã có để đề nghị cấp căn cước điện tử, cung cấp thông tin về số thuê bao di động chính chủ đã đăng ký thông tin thuê bao và đề nghị bổ sung các loại giấy tờ như đăng ký xe, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm xã hội… thông tin được tích hợp vào căn cước điện tử. Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp và tiến hành các bước thu nhận hồ sơ của công dân. Tiếp đó, cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin công dân đề nghị cấp căn cước điện tử và thông báo kết quả đăng ký cấp căn cước điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia, tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.

Công an xã Môn Sơn hướng dẫn người dân kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID). Ảnh: Đặng Cường

Công an xã Môn Sơn hướng dẫn người dân kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID). Ảnh: Đặng Cường

P.V: Một vấn đề cũng được khá nhiều người dân quan tâm hiện nay, đó là những trường hợp nào chưa cần phải đổi sang thẻ căn cước từ ngày 1/7, thưa đồng chí?

Đại tá Lương Thế Lộc: Tại Điều 46, Luật Căn cước 2023 quy định 2 trường hợp chưa cần phải đi đổi thẻ căn cước từ ngày 1/7/2024, bao gồm: Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 01/7/2024 và có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ; Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến hết ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày này.

Như vậy, người dân có thẻ CCCD/CMND thuộc trường hợp nêu trên thì chưa bắt buộc phải đi đổi thẻ căn cước từ ngày 1/7/2024, trừ những trường hợp sau:

- CCCD/CMND bị hư hỏng, không sử dụng được;

- Thông tin họ tên, đặc điểm nhân dạng bị thay đổi.

- Xác định lại quê quán và giới tính.

- Thông tin trên thẻ có sai sót.

- Khi công dân có nhu cầu cấp đổi sang thẻ căn cước để được sử dụng loại giấy tờ nhân thân mới.

Lưu ý, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Đặng Cường (thực hiện)

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/moi-cong-dan-se-duoc-cap-mot-can-cuoc-dien-tu-tu-ngay-1-7-10274581.html