Tạo nền tảng giáo dục bền vững về quyền con người

Việt Nam đã thúc đẩy giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục từ bậc học mầm non cho đến đại học và sau đại học.

PGS.TS Trần Thành Nam.

PGS.TS Trần Thành Nam.

Nhiều kết quả trong thúc đẩy giáo dục về quyền con người

Chia sẻ về thực trạng công tác giáo dục quyền con người tại Việt Nam hiện nay, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội cho biết:

Từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025” ngày 5/9/2017, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, tạo dựng nền tảng giáo dục bền vững về quyền con người từ mầm non đến đại học.

Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Ban Điều hành Đề án đã được thành lập dưới sự chủ trì của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cùng sự tham gia tích cực của Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng nhiều cơ quan liên quan. Việc kiện toàn cơ cấu tổ chức giúp đảm bảo triển khai hiệu quả các mục tiêu giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đề án đã xây dựng và đưa vào giảng dạy các nội dung quyền con người phù hợp với từng cấp học; hoàn thiện và triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Pháp luật về quyền con người, góp phần phát triển đội ngũ chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực nghiên cứu về quyền con người.

Hàng loạt tài liệu giảng dạy, tài liệu tham khảo có chất lượng về quyền con người đã được biên soạn, xuất bản. Công tác tuyên truyền về giáo dục quyền con người đã được triển khai rộng rãi trên nhiều kênh thông tin.

Để đảm bảo chất lượng giảng dạy quyền con người, Đề án triển khai hàng loạt chương trình tập huấn cho đội ngũ giảng viên và giáo viên. Từ năm 2018-2024, Việt Nam có hơn 1.500 giáo viên từ mầm non đến đại học được đào tạo về phương pháp giảng dạy quyền con người.

Các khóa tập huấn trực tuyến và trực tiếp đã được tổ chức trên cả nước, giúp giáo viên cập nhật kiến thức và kỹ năng lồng ghép nội dung quyền con người vào bài giảng.

Sự đầu tư vào đào tạo giáo viên đã tạo ra một đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong giáo dục quyền con người. Những hợp tác này không chỉ giúp nâng cao năng lực giảng dạy trong nước mà còn giúp Việt Nam khẳng định vai trò tích cực trên trường quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

 Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Vẫn còn những khoảng trống

PGS.TS Trần Thành Nam nhận định, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia vào một số cơ chế quốc tế và khu vực về quyền con người, chúng ta cũng đã thúc đẩy giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục từ bậc học mầm non cho đến đại học và sau đại học.

Tuy nhiên, dường như chúng ta mới chỉ tập trung vào các nhà trường bằng cách đầu tư nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy cho giáo viên, bổ sung học liệu về quyền con người cho cơ sở đào tạo, tích hợp nội dung vào chương trình đào tạo.

Trong khi đó, giáo dục quyền con người không chỉ là trách nhiệm của hệ thống giáo dục chính quy mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình và cộng đồng - những môi trường đầu tiên và môi trường phổ quát nhất mà mỗi cá nhân được tiếp xúc để phát triển và hình thành nhân cách.

Việt Nam, với truyền thống đề cao tinh thần nhân ái, đoàn kết và tôn trọng con người, đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy giáo dục quyền con người. Nhưng, thực tiễn cho thấy vẫn còn những khoảng trống trong nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, về quyền con người và nghĩa vụ của mình.

Cùng với gia đình, cộng đồng đóng vai trò là không gian mở rộng giúp trẻ em trải nghiệm các giá trị về quyền con người thông qua các hoạt động xã hội, tương tác với bạn bè, thầy cô và các tổ chức xã hội. Một cộng đồng đề cao sự bao dung, đa dạng và tôn trọng quyền cá nhân sẽ góp phần củng cố những nhận thức mà trẻ học được từ gia đình và trường học.

Tuy nhiên, trên thực tế, các yếu tố như định kiến xã hội, bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và các quy chuẩn văn hóa có thể tạo ra những rào cản đối với giáo dục quyền con người cho học sinh.

“Do đó, để thúc đẩy giáo dục quyền con người mạnh mẽ hơn nữa, cần huy động sức mạnh của nguồn lực gia đình và cộng đồng vào trong công tác này”, PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tao-nen-tang-giao-duc-ben-vung-ve-quyen-con-nguoi-post728399.html