Môi giới bất động sản lũ lượt bỏ nghề, chờ thị trường 'sống lại'
Trước sự lao dốc quá mạnh của thị trường, phần lớn 'cò đất', môi giới bất động sản đã phải bỏ nghề hoặc làm thêm việc mới, chờ thời cơ thị trường bùng nổ.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1990, ở Bắc Giang) kể, sau khi tốt nghiệp một trường Đại học, anh làm nhân viên văn phòng cho một doanh nghiệp ở Hà Nội. Tuy nhiên, với mức lương 7 triệu đồng/tháng, anh Tuấn Anh chỉ đủ thuê nhà và sinh hoạt hàng ngày, rất khó để tiết kiệm, tích lũy. Nếu muốn định cư ở Hà Nội lâu dài, anh Tuấn Anh phải có mức thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Sau nhiều lần tính toán, anh Tuấn Anh bỏ việc đang làm, săn tìm công việc mới.
Và theo lời giới thiệu của bạn bè, anh Tuấn Anh quyết định chuyển sang nghề môi giới bất động sản.
“Nhìn thấy bạn bè tôi là môi giới bất động sản, người giỏi thì tháng kiếm cả trăm triệu đồng, người kém hơn cũng kiếm vài chục triệu đồng mỗi tháng, số tiền này bằng cả năm lương văn phòng của tôi. Vì vậy, tôi không ngần ngại bỏ công việc văn phòng ở Hà Nội để về quê Bắc Giang làm môi giới”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
3 tháng làm môi giới đầu tiên, tôi chủ yếu học việc và đi theo bạn bè lấy kinh nghiệm, quan hệ, nên chưa có lương. Nhưng từ tháng thứ tư, tôi bắt đầu bán được lô đất đầu tiên, số tiền tôi được trả lên tới 30 triệu đồng. Rồi những tháng tiếp theo tôi đều bán được 2 - 3 lô đất, thu nhập có tháng lên tới gần 100 triệu đồng.
Nhưng đó chỉ là thu nhập của năm 2021, từ đầu năm 2022, thị trường bất động sản tại Bắc Giang lao dốc, gần như không có giao dịch. Từ đầu năm đến nay, anh Tuấn Anh không bán được lô đất nào.
“Tôi thực sự vỡ mộng khi 7 tháng liên tiếp không kiếm được đồng nào. Dù trước khi bước vào nghề, tôi cũng tìm hiểu khá kỹ, nhưng không ngờ thị trường chững lại quá lâu, khiến tôi vẫn rất sốc. Do quá nhàn rỗi nên tôi thấy cuộc sống vô vị. Chắc tôi lại phải bỏ nghề lên Hà Nội kiếm việc khác làm”, anh Tuấn Anh nói.
Tương tự như anh Tuấn Anh, chị Mai Thị Xuân (Hà Đông, Hà Nội) vốn là nhân viên kế toán tại một công ty ở Hà Đông, Hà Nội với mức lương 8 - 10 triệu đồng/tháng. Trong lúc đang chán cảnh làm văn phòng, chị được người bạn rủ chuyển sang làm môi giới bất động sản cho một sàn có tiếng tại Hà Nội.
Năm 2021, chị bước vào nghề đúng lúc thị trường sốt nóng. Thời gian đầu, đội môi giới của chị liên tục chốt được các lô đất nền ở nhiều tỉnh. Vì thế, tổng thu nhập của chị có những tháng lên tới gần trăm triệu đồng.
Thế nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường dần giảm nhiệt. Khách mua không thấy đâu hoặc có thì cũng rất khó xuống tiền. Vì thế, mấy tháng nay, chị Xuân không bán được lô nào trong khi vẫn phải bỏ tiền ra chạy quảng cáo, đăng tin.
“Với tình trạng thế này, không chắc là tôi còn trụ được với nghề. Nếu thị trường không khởi sắc thì tôi phải bỏ công việc này mà đi kiếm nghề khác, hoặc không thì phải làm thêm việc gì đó để cải thiện thu nhập”, chị Xuân chia sẻ.
Ông Trần Đức Diễn, Chủ tịch HĐQT MaxLand, cho biết, gia nhập nghề môi giới có vẻ dễ dàng, tuy nhiên do phần lớn thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, thậm chí không có tư duy môi giới nên nhân sự trong nghề biến động liên tục, luôn có người mới vào nghề và cũng có rất nhiều người phải bỏ nghề. Nhân sự thường xuyên di chuyển từ đơn vị này qua đơn vị khác, từ dự án này qua dự án khác. Chưa kể, thị trường rất dễ biến động, nếu ai không kiên nhẫn hoặc không có năng lực thực sự thì rất khó chật vật để gắn bó với nghề.