Môi giới bất động sản phải có chứng chỉ: Siết kỉ luật, chấm dứt bát nháo
Trong Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), người làm môi giới muốn hành nghề bắt buộc phải có chứng chỉ và đặc biệt phải hoạt động trong một tổ chức, sàn giao dịch lĩnh vực này. Theo các chuyên gia, việc cấp chứng chỉ là cần thiết để siết lại kỷ luật thị trường nhưng quan trọng là phải quản chặt để môi giới không 'bát nháo' .
Môi giới... búa xua
Câu chuyện về cấp chứng chỉ môi giới bất động sản nóng lên thời gian gần đây khi nhiều ý kiến đưa ra góp ý dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi). Tuy nhiên, quy định này không mới khi trong Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2006 và 2014 đều ghi việc môi giới phải có chứng chỉ hành nghề. Quy định là vậy nhưng thời gian qua, các môi giới hoạt động “búa xua” không có chứng chỉ vẫn diễn ra. Nhiều môi giới “tay ngang” gia nhập thị trường bất động sản, thậm chí tham gia đầu tư, thổi giá đất, lừa đảo khách hàng.
Một đại diện Bộ Xây dựng cho biết, bên cạnh những nhân viên môi giới tại các sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp, hiện có không ít những người hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ. Cũng theo vị này, mô hình sàn giao dịch kinh doanh bất động sản đã được quy định nhưng hoạt động còn bất cập, chưa đảm bảo việc quản lý các giao dịch bất động sản, phòng chống rửa tiền.
Chị Nguyễn Minh, nhân viên môi giới một sàn giao dịch lớn cho biết, các sàn giao dịch bất động sản lớn đều yêu cầu nhân viên môi giới phải có chứng chỉ bất động sản mới được ký hợp đồng lao động. Bản thân chị Minh có kinh nghiệm làm môi giới 15 năm chia sẻ: “Tôi biết có nhiều đồng nghiệp vì để bán hàng nhanh lấy tiền môi giới nên đã tư vấn dự án không đúng sự thật. Môi giới có kinh nghiệm khi tư vấn bán nhà hình thành trong tương lai trong một khu đô thị đều phải tìm hiểu rõ tính pháp lý của dự án, quy hoạch 1/500 từng vị trí khu đất. Ví dụ căn hộ hướng hồ nhưng khi nhận nhà, vị trí hồ nước được thay thế bằng tòa chung cư khác. Điều này diễn ra thường xuyên tại nhiều dự án và người dân gánh chịu hậu quả vì sự tư vấn láo của nhân viên môi giới”.
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước có 300.000 môi giới nhưng chỉ có khoảng 30.000- 40.000 môi giới có chứng chỉ hành nghề.
Theo chị Minh, khi thị trường bất động sản “đóng băng” như hiện nay, những môi giới không chuyên nghiệp sẽ phải “tự đào thải”. “Bản thân tôi khi làm môi giới không ai hỏi tôi về chứng chỉ môi giới, nhưng bản thân tôi được đào tạo có kiến thức và có tâm với nghề nên vẫn tồn tại dù thị trường khó khăn”, chị Minh nói.
Chị Minh cho biết thêm, hiện sàn môi giới của chị không có dự án bất động sản hoàn thành để bán, bản thân chị Minh phải đi tìm thị trường ngách ở các tỉnh gần Hà Nội. Theo đó, chị Minh bán những sản phẩm đất nền có sổ đỏ tư vấn cho khách. “Dù thu nhập hiện nay của môi giới như tôi thấp vì vài tháng mới chốt được một lô nhưng vẫn tồn tại được vì mình tư vấn đúng, có sản phẩm thật cho người có nhu cầu”, chị Minh nói.
Chị Minh chia sẻ, làm môi giới trong giai đoạn hiện nay rất “hao tổn sức” vì đi tỉnh rất tốn kém. “Tôi thường xuyên ăn uống trên ô tô và trở về nhà lúc 11h đêm. Nếu không tâm huyết chỉ quan tâm đến lợi nhuận sẽ không tồn tại được với nghề ”, chị Minh cho hay.
Cấp xong cần quản lý tốt
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Cương Quyết, Giám đốc Công ty Đất Xanh miền Bắc chia sẻ, hiện sở xây dựng các tỉnh cấp chứng chỉ môi giới bất động sản. Tuy nhiên, việc cấp diễn ra trong nhiều năm qua nhưng không ai quản lý đội ngũ môi giới này. “Tôi nghĩ cơ quan quản lý nhà nước nào cấp cũng được nhưng quan trọng là quản lý nó thế nào? Chúng ta nên trao quyền và nâng cao vai trò của các Hội Bất động sản, Môi giới trong vấn đề cấp chứng chỉ”, ông Quyết nói.
Ông Quyết cho biết, ở nước ngoài, việc thi chứng chỉ môi giới diễn ra 3 năm một lần và người không có chứng chỉ không được phép tư vấn bán bất động sản. Ở Việt Nam, quy định có nhưng không thực hiện được.
Còn ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam phân tích, 2 lần sửa Luật Kinh doanh Bất động sản đều khẳng định môi giới phải có chứng chỉ hành nghề. Đến thời điểm này, dự thảo quy định chặt chẽ hơn không cho môi giới hoạt động tự do mà phải dưới sự giám sát của sàn giao dịch. “Luật hướng đến làm sao quản lý được. Trước đây cơ quan nhà nước quản lý lỏng lẻo, môi giới cấp chứng chỉ xong nhưng người được cấp đi đâu làm gì không báo cáo ai, không ai giám sát. Các địa phương có hàng nghìn, hàng vạn môi giới không có chứng chỉ vẫn hoạt động bình thường”, ông Đính nói.
Theo ông Đính, sàn bất động sản phải chịu trách nhiệm với môi giới. Các môi giới sau khi có chứng chỉ, cách quản lý, hoạt động ở đâu, giao dịch cái gì đều xuất hiện trên hệ thống quản lý. Trong luật phải quy định cụ thể hơn. “Việc môi giới có chứng chỉ rất quan trọng. Thực tế, có những môi giới không có chứng chỉ vẫn hoạt động tốt nhưng tốt ở đây chỉ là doanh số bán hàng. Bản thân môi giới phải chuyên nghiệp vì đại diện bên bán, bên mua trong giao dịch và không được phép sai phạm. Vai trò môi giới nâng lên tầm cao hơn chứ không chỉ tư vấn bán hàng. Muốn làm được phải đào tạo. Nghề môi giới cũng giống như luật sư phải có học hành, thi cử”, ông Đính khẳng định.
Ông Đính cho biết thêm, hiện việc cấp chứng chỉ giao cho sở xây dựng địa phương. Tuy nhiên, nhiều địa phương mỗi năm tổ chức một lần, thậm chí không tổ chức thi. “Chúng tôi cũng đề xuất nhiều lần để hội tổ chức đào tạo và thi cấp chứng chỉ nhưng vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng”, ông Đính cho hay.