Mối lo chính sách thuế kiểu 'nửa vời' sẽ càng làm doanh nghiệp bất an

Trong bối cảnh đối mặt nhiều sức ép thì các doanh nghiệp đang e ngại chính sách thuế vẫn còn theo kiểu 'nửa vời' hoặc có chiều hướng tăng thuế suất ở mức cao. Điều này sẽ khó tránh tạo gánh nặng, làm trầm trọng thêm những khó khăn của họ và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xét về tỷ trọng thuế trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (gồm 5 năm trước đại dịch Covid và 5 năm sau Covid), Ts. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng thuế sản phẩm hay thuế gián thu không tăng trong tỷ trọng, thậm chí thuế Tiêu thụ đặc biệt lại giảm nhẹ.

Có nên tạo thêm gánh nặng?

Điều này đương nhiên được hiểu là do cầu tiêu dùng không tăng trưởng nên phần thuế liên quan đến tiêu dùng không tăng. Tuy nhiên, như lưu ý của ông Việt, thuế trực thu từ doanh nghiệp (DN), thuế Thu nhập DN lại tăng rất đáng kể.

Việc tăng thuế suất ở mức cao (như thuế tiêu thụ đặc biệt) ở một số mặt hàng có thể tác động tiêu cực đến cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Việc tăng thuế suất ở mức cao (như thuế tiêu thụ đặc biệt) ở một số mặt hàng có thể tác động tiêu cực đến cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Theo đó, mức thuế Thu nhập DN đã tăng đáng kể từ 17,6% lên 20,43% trong giai đoạn sau Covid. Và đặc biệt là thuế Thu nhập cá nhân cũng tăng mạnh từ 6,6% lên 8,8%.

“Rõ ràng trong giai đoạn Covid chúng ta đã có những gói kích cầu và đặc biệt là gói hỗ trợ giãn, hoãn, giảm cho DN vào khoảng 200.000 tỷ đồng. Chính việc này làm khoan thư sức dân và DN, tạo động lực cho DN sản xuất kinh doanh thuận lợi và tăng trưởng. Thế nhưng, trong bối cảnh tới đây các DN sẽ còn đối mặt nhiều sức ép, trong khi Bộ Tài chính không có chính sách tài khóa mở rộng, không còn giãn, hoãn, miễn giảm thuế thì liệu có nên tiếp tục tạo thêm gánh nặng cho DN hay không?”, ông Việt đặt vấn đề.

Chính vì vậy, như mong muốn của vị chuyên gia này, đó là cần hài hòa, có một yếu tố nào đó để đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định và sự tự tin của DN trong đầu tư cũng như trong tiêu dùng của người dân. Có như vậy mới đảm bảo mục tiêu của Chính phủ đặt ra là thúc đẩy tăng trưởng, bứt phá trong tăng trưởng.

Thực ra, điều mà ông Việt băn khoăn cũng là trăn trở chung của nhiều DN hiện nay về các chính sách thuế khiến cho họ vẫn còn bất an. Chẳng hạn với quản lý thuế, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc tư vấn thuế Công ty TNHH Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi nhanh chóng, một số vấn đề vướng mắc vẫn tồn tại, đặc biệt là trong quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và nền tảng số.

Hoặc như vấn đề bất hợp lý về thuế Giá trị gia tăng với đầu vào của nông nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị DN, điều này tạo gánh nặng lên ngành sản xuất nguyên liệu, vật tư đầu vào, thiết bị cho sản xuất nông nghiệp vì không được khấu trừ thuế Giá trị gia tăng đầu vào, rõ nhất là ngành sản xuất phân bón.

Theo chia sẻ của ông Phụng, hệ lụy xảy ra là sụt giảm dần vốn kinh doanh, không thể đầu tư mới, đầu tư mở rộng do đội vốn, tăng chi phí sản xuất do thuế Giá trị gia tăng đầu vào dẫn đến tăng giá bán, giảm sức cạnh tranh so với hàng ngoại nhập.

Hay như Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cũng đang khiến cho nhiều DN bất an khi một số mặt hàng có thể bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao. Đơn cử trong hạ tuần tháng 11 này, khi trình lên Quốc hội về dự thảo luật nêu trên, Chính phủ vẫn giữ nguyên quy định áp thuế 10% với điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống như luật hiện hành. Điều này khiến cho không ít đại biểu quốc hội băn khoăn.

Hoặc có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đề xuất bổ sung nước giải khát có đường với hàm lượng từ 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10%.

Gặp vướng mắc nên không ký được hợp đồng

Ngoài ra, mới đây, khi góp ý với Bộ Tài chính về Đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế Giá trị gia tăng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cân nhắc phương án giảm thuế Giá trị gia tăng cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.

Phía VCCI chỉ rõ chính sách giảm thuế Giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% được thực hiện trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực, tuy nhiên các DN gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%.

Và dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP; Nghị định 44/2023/NĐ-CP; Nghị định 72/2024/NĐ-CP hướng dẫn, nhưng quá trình triển khai vẫn còn nhiều lúng túng. Những Nghị định này được xây dựng dựa trên mã ngành kinh tế Việt Nam, trong khi văn bản này trước nay chủ yếu được sử dụng với mục đích thống kê chứ hiếm khi được coi là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của DN.

“Việc cụ thể hóa các nhóm hàng hóa, dịch vụ rất khó khăn, đặc biệt là đối với những trường hợp không có pháp luật chuyên ngành. Đơn cử, nhóm hàng hóa viễn thông và công nghệ thông tin rất khó xác định do không có định nghĩa rõ ràng trong các văn bản pháp luật khác. Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác cũng gặp vướng mắc phân loại như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất hóa chất cũng rất chung chung và khó phân loại”, phía VCCI nêu rõ.

Có nhiều trường hợp DN tra cứu Phụ lục của những Nghị định hướng dẫn nêu trên nhưng không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Một số DN hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan, Bộ Tài chính nhưng các cơ quan này cũng trả lời rất chung chung.

Khó khăn trong việc xác định thuế suất 8% hay 10% gây nhiều chi phí xã hội và làm tăng rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều DN phản ánh họ phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới.

Theo VCCI, không ít DN phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng. Đã có trường hợp DN thực hiện các gói thầu xây lắp phát sinh tranh chấp với đối tác khi quyết toán chỉ vì hai bên có quan điểm khác nhau về mức thuế suất.

Chung quy lại, nếu chính sách thuế vẫn còn theo kiểu “nửa vời” hoặc có chiều hướng tăng thuế suất ở mức cao, sẽ khó tránh làm trầm trọng thêm những khó khăn của DN, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, điều mà các DN mong chờ là khâu chính sách về thuế cần phù hợp hơn nhằm hướng tới tạo động lực kinh doanh cho họ.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/moi-lo-chinh-sach-thue-kieu-nua-voi-se-cang-lam-doanh-nghiep-bat-an-1103789.html