Mối lo ngại về làn sóng di cư mới từ Afghanistan

Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường các biện pháp siết chặt kiểm soát dọc đường biên giới để ngăn chặn dòng người di cư từ Afghanistan qua Iran vào nước này. Một số nước trong Liên hiệp châu Âu (EU) cũng kêu gọi phối hợp để ngăn người di cư từ quốc gia Nam Á đổ vào 'lục địa già', trong bối cảnh EU chưa sẵn sàng đương đầu với một làn sóng di cư mới.

Người dân Afghanistan chạy nạn khỏi biên giới. Ảnh Reuters

Người dân Afghanistan chạy nạn khỏi biên giới. Ảnh Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch đến cuối năm 2021 sẽ hoàn tất việc xây dựng thêm 64 km bức tường biên giới cao 3 m được dựng lên từ năm 2017, cũng như bố trí chướng ngại vật và tăng cường tuần tra phần còn lại của 560 km chiều dài biên giới. Mong muốn lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là không có làn sóng người tị nạn nào mới đổ vào nước này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hối thúc các nước châu Âu chịu trách nhiệm về bất cứ làn sóng di cư mới nào, đồng thời thể hiện rõ quan điểm của Ankara sẽ không tiếp nhận người di cư từ Afghanistan. Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, tại nước này đã có 182.000 người Afghanistan nộp hồ sơ xin cấp quy chế tị nạn, trong khi còn khoảng 120.000 người khác vẫn đang lưu trú tại đây, song không có giấy tờ.

Lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là mối lo của các nước láng giềng ở châu Âu trước làn sóng người tị nạn Afghanistan. Áo cũng ra tuyên bố phản đối việc tiếp nhận thêm người tị nạn từ Afghanistan, kể cả khi các quốc gia thành viên khác của EU đang gấp rút tìm cách sơ tán những công dân Afghanistan từng làm việc cho họ. Áo cho biết, trong những năm gần đây đã có hơn 40.000 người Afghanistan di cư tới Áo và biến nước này trở thành một trong những nước có cộng đồng người Afghanistan đông nhất. Áo kêu gọi EU kiểm soát chặt biên giới, chống lại việc nhập cư bất hợp pháp và nạn buôn người.

Quốc gia láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ là Hy Lạp, một thành viên EU, cũng đã hoàn tất lắp đặt hệ thống rào chắn 40 km và hệ thống giám sát tại khu vực biên giới để ngăn chặn những người tìm cách vào Thổ Nhĩ Kỳ để sau đó nhập cảnh vào Hy Lạp. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis kêu gọi EU hỗ trợ các nước láng giềng Afghanistan ngăn dòng người di cư mới vào châu Âu. Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cho biết, châu Âu sẽ tiếp tục ủng hộ Hy Lạp và các quốc gia thành viên đang ở tuyến đầu. Bà cho rằng, cần ưu tiên việc phê chuẩn Hiệp ước mới về di cư và tị nạn của EU nhằm thu hẹp các quan điểm khác nhau giữa các quốc gia thành viên.

Các nhà lãnh đạo Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận việc phối hợp ngăn làn sóng di cư từ Afghanistan bởi hai nước này khẳng định sẽ cùng hưởng lợi khi hạn chế được dòng người tị nạn và di cư “ở càng gần càng tốt”. Hy Lạp hiện đang tiếp nhận 40.000 người Afghanistan tị nạn và xin tị nạn. Athens khẳng định sẽ không trở thành một “cửa ngõ cho những luồng di cư bất thường” sau làn sóng di cư khổng lồ đổ về quốc gia châu Âu này trong năm 2015.

Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề nội vụ Ylva Johansson kêu gọi các quốc gia thành viên EU tiếp nhận các công dân Afghanistan theo diện “bị đe dọa trực tiếp”, nhất là phụ nữ và trẻ em gái. Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế, ông Paolo Gentiloni cho rằng, châu Âu cần xây dựng các hành lang nhân đạo nhằm tiếp nhận người tị nạn Afghanistan và tránh để xảy ra các làn sóng nhập cư bất hợp pháp mất kiểm soát. Tuy nhiên, các quốc gia ở tuyến đầu tiếp nhận người di cư trong cuộc khủng hoảng hồi năm 2015, trong đó có Hy Lạp, lo ngại những diễn biến ở Afghanistan có thể khiến cuộc khủng hoảng di cư tái diễn. Các nước này kêu gọi một phản ứng tập thể của khối đối với cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

HÀ LÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/moi-lo-ngai-ve-lan-song-di-cu-moi-tu-afghanistan-662180/