Mối lo ngại về thị trường thuốc lá có hương vị tại Việt Nam
Thị trường thuốc lá có hương vị tại Việt Nam đang gia tăng và chính các loại hương vị có thể thúc đẩy việc sử dụng và mở rộng số lượng người hút các sản phẩm thuốc lá độc hại. Có bằng chứng ủng hộ lệnh cấm toàn diện đối với hương vị sản phẩm thuốc lá nhằm hạn chế đại dịch thuốc lá tại Việt Nam.
Ngày 12/10/2023, một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Viện Kiểm soát Thuốc lá Toàn cầu (IGTC) tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg và Đại học Bang Portland đã chỉ ra mối liên hệ giữa các hóa chất hương vị có trong thuốc lá bán tại Việt Nam và sự hấp dẫn của các sản phẩm này đối với người tiêu dùng, bao gồm cả giới trẻ Việt Nam.
Các kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Nicotine & Tobacco Research và được giới thiệu trong một video, là nghiên cứu đầu tiên phân tích thành phần hóa học có trong nhiều loại thuốc lá khác nhau hiện có bán tại Việt Nam.
Nghiên cứu đã phân tích thành phần hóa học của 180 loại hương vị có trong nhiều nhãn hiệu thuốc lá khác nhau được bán ở Việt Nam và phát hiện ra rằng 17 gói trên tổng số 35 gói thuốc lá được lấy mẫu (chiếm 49%) có chứa bạc hà - bao gồm các mức cao nhất trong số tất cả các loại thuốc lá (lên tới 16,6 mg/điếu).
20 gói trên tổng số gói thuốc lá mẫu (chiếm 57%) có dùng các “công nghệ” hương vị như viên nang hương vị có thể nghiền nát giúp người dùng tự kiểm soát việc giải phóng các hóa chất hương vị— một điểm khác biệt trong chiến lược tiếp thị thuốc lá nhằm thu hút thêm người dùng.
Sự có mặt của “các hóa chất hương vị khác” (chẳng hạn như hương trái cây) được tìm thấy trong 24 gói thuốc lá mẫu (chiếm 69%), trong đó có 16 gói có chứa bạc hà.
Thị trường thuốc lá có hương vị tại Việt Nam đang gia tăng và chính các loại hương vị có thể thúc đẩy việc sử dụng và mở rộng số lượng người hút các sản phẩm thuốc lá độc hại. Các hương vị có thể làm cho điếu thuốc lá trở nên ngon miệng hơn và các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng các hương vị nói chung (đặc biệt là bạc hà) có thể góp phần làm giảm khả năng bỏ hút thuốc lá.
Các kết quả từ phân tích hóa học chỉ ra rằng các sản phẩm chứa hóa chất hương vị và công nghệ cung cấp hương vị bao gồm hương vị ở nhiều mức độ khác nhau (kể cả các mức độ cao) có thể thu hút nhiều người dùng. Các nhà sản xuất có thể điều chỉnh lượng bạc hà trong thuốc lá để tăng tối đa sức hấp dẫn của sản phẩm theo nhiều sở thích khác nhau của người tiêu dùng (ví dụ như tăng lượng bạc hà cho những người dùng thích các loại thuốc lá có các hàm lượng bạc hà cao hơn), từ đó tăng khả năng lôi kéo nhiều người hút thuốc hơn.
Hiện nay, các sản phẩm thuốc lá có hương vị không bị hạn chế tại thị trường Việt Nam, nơi có 24% người trưởng thành hút thuốc lá điếu và 47% nam giới hút thuốc lá; do đó, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 75.000 ca bệnh liên quan đến thuốc lá. Tuy tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam đã giảm trong thập kỷ qua, nhưng đang có xu hướng chậm lại trong mục tiêu giảm 30% tỷ lệ sử dụng thuốc lá vào năm 2025.
Bà Lauren Czaplicki, nhà khoa học tại IGTC và đồng tác giả của bài nghiên cứu, giải thích “Các sản phẩm thuốc lá có hương vị là thủ phạm kéo dài đại dịch thuốc lá, làm thuốc lá trở nên hấp dẫn đối với người tiêu dùng - bao gồm cả giới trẻ - và khiến việc bỏ hút thuốc lá trở nên khó khăn hơn. Thật may mắn, bằng việc ban hành lệnh cấm và loại bỏ các sản phẩm thuốc lá có hương vị ra khỏi thị trường, các quốc gia có thể chống lại thành công các chiến thuật tiếp thị mật ngọt và mang tính săn mồi của ngành công nghiệp thuốc lá.”
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cấm các sản phẩm thuốc lá có hương vị, gồm cả hương bạc hà, có thể giúp giảm việc hút thuốc lá và gia tăng nỗ lực bỏ thuốc lá.
Việt Nam đã ký kết Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC), trong đó hướng dẫn thực hiện nêu rõ: “Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, không có lý do chính đáng nào cho phép sử dụng các thành phần như chất tạo hương vị khiến các sản phẩm thuốc lá trở nên hấp dẫn đối với người dùng” .
Nghiên cứu về hóa chất hương vị của IGTC có thể tạo sự ảnh hưởng đến các lệnh cấm sử dụng các hóa chất hương vị ở cấp quốc gia, giúp giảm việc tiêu thụ thuốc lá và các chi phí xã hội liên quan.
Được thành lập vào năm 1998, Viện Kiểm soát Thuốc lá Toàn cầu (publichealth.jhu.edu/igtc) cung cấp thông tin về các hoạt động kiểm soát thuốc lá trên toàn thế giới trong 25 năm qua. Là một phần của Bộ Y tế, Hành vi và Xã hội tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, Viện là đối tác của Sáng kiến Bloomberg nhằm giảm sử dụng thuốc lá và là Trung tâm Hợp tác của Tổ chức Y tế Thế giới, với sứ mệnh ngăn ngừa tử vong và bệnh tật do các sản phẩm thuốc lá gây ra bằng cách cung cấp bằng chứng hỗ trợ các biện pháp can thiệp thuốc lá.