Mối lo sống còn của doanh nghiệp nhỏ thời kinh tế số

Có tới 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang đứng ngoài nền kinh tế số là một thực tế đáng báo động. Đặc biệt là trong bối cảnh mới của năm 2022 với nhiều rủi ro chực chờ, đang đòi hỏi ở từng doanh nghiệp muốn tồn tại là phải thay đổi, từ việc chủ động bảo vệ an toàn thông tin mạng, cải tiến nội lực sản xuất cũng như cần thích nghi tốt với kinh tế số để không loay hoay mối lo sống còn.

Những cảnh báo mới đây về an ninh mạng trong năm 2022 này cho thấy sẽ tiếp tục gia tăng xu hướng tấn công chuỗi cung ứng (supply chain attack) bằng mã độc, nhắm vào các tổ chức và doanh nghiệp (DN) trên toàn cầu.

Lo phá sản vì tấn công mạng

Thậm chí, như dự đoán về tương lai của an ninh mạng của công ty IBM thì vào đầu năm 2022, nhiều DN sẽ bị phá sản sau các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền ransomware sẽ gia tăng không ngừng với mật độ nhiều hơn gấp 3 lần hiện nay.

Có tới 70% DN nhỏ và vừa của Việt Nam đang đứng ngoài nền kinh tế số là một thực tế đáng báo động.

Có tới 70% DN nhỏ và vừa của Việt Nam đang đứng ngoài nền kinh tế số là một thực tế đáng báo động.

Trong khi đó, như chia sẻ của ông Ngô Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Công nghệ An toàn thông tin thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) và Phó chủ tịch BKAV, hồi năm 2021 vừa rồi ở Việt Nam đã có đến 70,7 triệu lượt máy tính bị nhiễm virus.

Ông đánh giá đây là báo động đỏ cho tình hình an ninh mạng tại Việt Nam và cho biết thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam năm qua tiếp tục ở mức rất cao là 24,4 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,06 tỷ USD).

Điều đáng nói, mức độ sẵn sàng về an toàn thông tin mạng của các DN nhỏ tại Việt Nam được cho là vẫn chưa cao mặc dù có không ít DN đã đẩy mạnh số hóa nhanh chóng trong thời gian đại dịch.

Không chỉ vậy, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) dẫn lại số liệu nghiên cứu của Hiệp hội này cho thấy, có tới 70% DN nhỏ và vừa Việt Nam đang đứng ngoài nền kinh tế số và chỉ có khoảng 20% đang chập chững tìm hiểu.

Ông Thân lưu ý nhận thức về kinh tế số và hành động của các DN còn tương đối chậm chạp, chưa đồng đều và thiếu thống nhất. Do đó, việc phổ biến, hỗ trợ cho các DN Việt tham gia vào nền kinh tế số là hết sức cần thiết và cấp bách, là nhiệm vụ sống còn.

Chính vì lơ là kinh tế số nên nhiều DN cảm thấy không có khả năng để bảo vệ DN mình khỏi các sự cố an toàn thông tin, mặc dù nhiều chủ DN khi được hỏi đã nhận thức được rằng trách nhiệm về rủi ro an ninh mạng, an toàn thông tin thuộc về chính DN họ.

Một nghiên cứu hồi năm 2021 của Cisco cũng chỉ rõ, các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam đang bị lộ thông tin, bị tấn công và có nhiều mối lo về các mối đe dọa an ninh mạng hơn so với trước đây.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 59% DN nhỏ và vừa tại Việt Nam gặp sự cố mạng. Hậu quả của những sự cố này là 86% số DN bị mất thông tin khách hàng vào tay của những kẻ xấu.

Muốn tồn tại phải thay đổi

Ts. Phạm Công Hiệp (Đại học RMIT) cho rằng, sự hiểu biết về các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng an toàn thông tin là rất quan trọng để chúng ta có thể đưa ra các giải pháp phù hợp cho DN nhằm giải quyết tình trạng an toàn thông tin chưa cao hiện nay của hầu hết DN nhỏ và vừa.

Ngoài các vấn đề nêu trên, theo giới chuyên gia, việc cải thiện năng lực sản xuất của các DN nhỏ và vừa trong xu hướng kinh tế số cũng cần được đặt ra.

Chẳng hạn, như ghi nhận của Ts. Phạm Thị Hồng Phượng (Đại học Công nghiệp Tp.HCM) đối với một số DN nhỏ và vừa trong ngành dệt may, đó là có không ít DN vẫn sẵn sàng cải tiến, thậm chí là trong giai đoạn khó khăn chồng chất thì họ vẫn sẵn sàng đầu tư cho nhà máy thông minh.

“Có nghĩa là các DN nhỏ và vừa đang nhìn vào những tấm gương sáng từ các DN lớn đã vận hành trơn tru ở những giai đoạn “nóng” của đại dịch. Chính vì thế, các DN nhỏ và vừa này sẵn sàng chuyển đổi số ngay thời điểm khó khăn. Đó là điều không phải ai cũng biết, vì chính chúng tôi là những người đưa các cải tiến đến cho họ và họ tiếp cận ngay”, bà Phượng nói.

Điều quan trọng, theo bà Phượng, các DN nhỏ đã nhận ra việc họ đã lãng phí thời gian rất nhiều trong đại dịch. Và để thấy rằng trong khó khăn thì vẫn có những DN linh hoạt và sẵn sàng thay đổi để thích nghi, tồn tại chứ không phải là không chịu thay đổi. Bởi vì các DN này muốn có chỗ đứng và tồn tại được giữa đại dịch.

“Có đi qua giai đoạn “tâm dịch” cùng một số DN nhỏ thì mới hiểu được sự khó khăn của họ. Và càng hiểu với đại dịch như thế mà mức độ tăng trưởng của một số ngành chủ lực (như ngành dệt may) vẫn tăng vì có những DN như vậy chưa bao giờ ngừng sản xuất”, bà Phượng chia sẻ.

Từ đó để thấy rằng, dẫu như khảo sát của VINASME về mức độ đứng ngoài nền kinh tế số của nhiều DN nhỏ và vừa, hay những rủi ro từ các cuộc tấn công mạng vào chuỗi cung ứng và DN là rất đáng báo động. Thế nhưng, không vì vậy mà các chủ DN nhỏ không tự tin và lạc quan về chuyển đổi số cũng như gia tăng nhu cầu chuyển đổi ngành nghề hay DN của họ vào không gian số.

Như với chuyển đổi số, Phó giáo sư Jerry Watkins, Giám đốc Trung tâm xuất sắc về kỹ thuật số (CODE) của Đại học RMIT, nhắn nhủ với các DN nhỏ và vừa của Việt Nam rằng: mục tiêu của việc này không phải là cải tiến một lần đối với các quy trình hiện có, cũng không nên mong đợi kết quả tức thì.

Thay vào đó, theo ông Jerry, chuyển đổi số thực sự sẽ giúp các DN nhỏ đổi mới mô hình kinh doanh, sử dụng dữ liệu hoạt động và dữ liệu khách hàng nhằm liên tục tạo ra giá trị mới trong thời gian dài.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/moi-lo-song-con-cua-doanh-nghiep-nho-thoi-kinh-te-so-1083417.html