'Mồi lửa' châm ngòi cho đợt bùng phát đậu mùa khỉ
Chỉ trong vòng 2 năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã 2 lần tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, cho thấy loại bệnh này cũng thực sự đáng lo ngại.
Ngày 14/8, WHO tuyên bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ (mpox) ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, với các trường hợp được xác nhận ở hơn 10 quốc gia.
Đây là mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này đối với các đợt bùng phát dịch bệnh.
Một căn bệnh được gọi là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng được quốc tế quan tâm, tức là đã chạm tới một mức độ nghiêm trọng cao nhất. Nó phải “là một sự kiện bất thường được xác định có thể gây ra nguy cơ y tế đến các quốc gia do sự lây lan toàn cầu, có khả năng phải yêu cầu phối hợp phản ứng từ quốc tế”.
Đợt bùng phát đáng lo ngại
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Đây là điều mà tất cả chúng ta nên quan tâm. Khả năng lây lan rộng hơn ở châu Phi và hơn thế nữa là rất đáng lo ngại".
CDC châu Phi cảnh báo virus này có thể tràn qua biên giới quốc tế. Salim Abdool Karim, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Nam Phi, Chủ tịch nhóm khẩn cấp CDC châu Phi, khuyến cáo phiên bản mới của mpox lây lan từ Congo dường như có tỷ lệ thiệt mạng khoảng 3-4%.
CDC châu Phi trước đó cho biết mpox được phát hiện ở 13 quốc gia trong năm nay với hơn 96% tổng số ca nhiễm ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Quốc gia này đang trải qua một đợt bùng phát nghiêm trọng với hơn 15.600 trường hợp nhiễm bệnh và 530 trường hợp không qua khỏi kể từ đầu năm 2024.
Các đợt bùng phát ở DRC không phải là bất thường nhưng con số năm nay đã ngang bằng với tổng số của cả năm 2023, và bao gồm các trường hợp ở các tỉnh trước đây không bị ảnh hưởng.
Các ca bệnh cũng được phát hiện ở Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda, các quốc gia láng giềng của Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi trước đây chưa từng xảy ra ca nhiễm nào.
Các quan chức tại CDC châu Phi cho biết gần 70% ca nhiễm ở Congo là trẻ em dưới 15 tuổi, nhóm này cũng chiếm 85% số ca không qua khỏi.
Chủng virus lây lan nhanh hơn
Đậu mùa ở khỉ là bệnh do virus thuộc giống Orthopoxvirus trong họ Poxviridae gây ra. Lần đầu tiên virus này được phát hiện ở khỉ trong phòng thí nghiệm vào năm 1958. Năm 1970, người đầu tiên trên thế giới được xác nhận nhiễm loại virus này là công dân của Congo.
Vào năm 2022, WHO đã tuyên bố mpox là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế
Theo CBC News, chủng virus đậu mùa khỉ mới có khả năng lây lan nhanh hơn. Đậu mùa khỉ có 2 nhánh khác nhau, gọi là Clade. Nhánh I từng được gọi là nhánh lưu vực Congo và nhánh II là nhánh Tây Phi.
Các nhà khoa học tin rằng biến thể mới đóng vai trò quan trọng trong sự lây lan nhanh ở châu Phi hiện nay. Nhánh Clade I trước đây thường lây lan do những người ăn thịt rừng bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, Clade Ib mới lây lan từ người sang người, thường qua quan hệ tình dục, nhưng cũng qua tiếp xúc trực tiếp và vật lý khác, hoặc qua khăn trải giường hoặc khăn tắm bị ô nhiễm.
Ngoài ra, các dạng virus khác vẫn đang lưu hành. DRC và Cộng hòa Trung Phi cũng đang ghi nhận các trường hợp của nhánh Clade Ia. Theo WHO, nhánh Clade II đã được phát hiện ở Cameroon, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria và Nam Phi.
Tiến sĩ Jean Kaseya, Tổng Giám đốc CDC châu Phi, cho biết sự gia tăng này diễn ra trong bối cảnh tình trạng bất ổn ở mức độ cao trong khu vực và cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến con người tiếp xúc gần hơn với thiên nhiên. Theo ông Kaseya, tình hình được xem là đáng báo động.
Lần đầu tiên CDC châu Phi đưa ra tuyên bố đợt bùng phát này là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vì an ninh lục địa". Virus đậu mùa khỉ "vượt qua biên giới" với những người bị nhiễm bệnh hay di chuyển. Trước đó, một người bệnh đậu mùa khỉ ở Kenya là tài xế xe tải đường dài được phát hiện cũng từng đến Rwanda, Tanzania và Uganda.
Bên cạnh đó, virus đậu mùa khỉ cũng lây lan qua quan hệ tình dục. Những người hành nghề mại dâm ban đầu chiếm tỷ lệ cao trong số người bị nhiễm bệnh.
Tại DRC, hơn 70% trường hợp nhiễm bệnh là ở độ tuổi dưới 18. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể phản ánh sự khác biệt trong hệ thống miễn dịch của họ, với tỷ lệ suy dinh dưỡng cao khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng.
Tương tự những ngày đầu của HIV
Theo The Guardian, WHO cho biết dịch bệnh mpox ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng giống như những ngày đầu của HIV, cần đẩy nhanh khả năng tiếp cận xét nghiệm, vaccine và thuốc điều trị ở các khu vực bị ảnh hưởng và khởi động các chiến dịch nhằm giảm bớt sự kỳ thị xung quanh virus.
Trudie Lang, Giáo sư nghiên cứu sức khỏe toàn cầu tại Đại học Oxford, cho biết: "Tôi đã nghe rất nhiều người cho rằng điều này rất giống với những ngày đầu của HIV".
Theo Giáo sư Lang, trường hợp này đặc biệt đúng vì virus dường như lây lan qua mạng lưới tình dục, với những người bán dâm trẻ tuổi, dễ bị tổn thương, bị bóc lột có nguy cơ cao. Mức độ kỳ thị cao sẽ đòi hỏi các chiến dịch y tế công cộng để đảm bảo mọi người hiểu và tìm cách điều trị.
Mặc dù dữ liệu vẫn chưa được phân tích và công bố, Lang cho biết các nhóm tuyến đầu mà cô nói chuyện đã báo cáo số lượng lớn các ca sảy thai do virus và trẻ sơ sinh sinh ra bị tổn thương mpox do lây truyền trong bụng mẹ.
"Điều tôi thực sự lo lắng là số lượng ca bệnh không nghiêm trọng. Nếu mọi người bị nhiễm trùng nhẹ hơn có khả năng ẩn giấu, đặc biệt nếu đó là bệnh nhiễm trùng bộ phận sinh dục lây truyền qua đường tình dục, họ có thể đi lại khắp nơi với nó", Giáo sư Lang nhận định.