Mỗi ngày tác nghiệp là một ngày vui
Hơn 10 năm làm việc tại Báo Đại biểu Nhân dân, với tôi có quá nhiều kỷ niệm. Nhớ nhất là những ngày sáng họp báo, chiều triển lãm, tối xem kịch… tuy vất vả, áp lực nhưng giúp tôi có trải nghiệm với nghề, từ đó thêm yêu và lăn xả với nó.
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi có 10 năm công tác trong ngành giáo dục trước khi chuyển về Báo Đại biểu Nhân dân. Quyết định rẽ ngang sang một nghề không đúng với chuyên ngành được đào tạo, đối với tôi những ngày đầu làm báo quả thực không dễ dàng.
Làm phóng viên là thường xuyên phải đi sự kiện, tiếp xúc nhân vật để thêm kiến thức, tạo dựng các mối quan hệ, để từ đó có “vốn” cho các trang viết. Có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng, phóng viên mảng văn hóa, văn nghệ như tôi thật... sướng, luôn có một số đặc quyền: được gặp gỡ các văn nghệ sĩ, người của công chúng; được tham dự những đêm nhạc lớn, được xem trước những bộ phim hay, hay đọc những cuốn sách còn thơm mùi giấy mới. Đúng là thú vị thật, bởi làm mà như không làm.
Không cần dãi nắng dầm mưa ở hiện trường, không phải tham gia vào những cuộc điều tra nguy hiểm… song tôi lại có một cuộc dấn thân khác với chữ nghĩa, mà có làm nghề, có trải nghiệm, thấu hiểu và chia sẻ mới có thể nhận diện đủ chiều sâu. Ngồi ở nhà hát vừa xem kịch vừa quan sát những câu chuyện hậu trường, nghĩ cách phỏng vấn nghệ sĩ về những điều họ gửi gắm trong sáng tạo nghệ thuật ấy. Niềm say nghề dẫn tôi đi theo những chuyến “bay đêm” cùng nhóm phóng viên sân khấu về Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình... chỉ để xem một vở diễn và hoàn thành tin bài ngay trong chuyến xe về Hà Nội khi đã sang ngày mới.
10 năm trong nghề, các chuyến tác nghiệp với tôi cũng dày theo năm tháng, rong ruổi qua nhiều tỉnh Tây Bắc, miền Trung đã giúp tôi hoàn thành các bài viết nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, phản ánh được nét đời sống văn hóa của các dân tộc, vùng miền.
Tôi nhớ nhất chuyến công tác năm 2018, tại Đà Nẵng, với ý định ban đầu là viết về thế hệ cha anh làm nhiệm vụ giữ biển đảo. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện với cựu binh Trần Văn Xuất, người từng đóng quân trên đảo Trường Sa Đông, thuộc Lữ đoàn 146, Trường Sa, Khánh Hòa đã để lại cho tôi ấn tượng sâu đậm.
Hăng hái tòng quân và trở thành lính đảo khi mới 19 tuổi, sau nhiều năm giải ngũ, những ngày ranh giới giữa sự sống và cái chết hầu như bị xóa mờ; những khi cùng đơn vị vác đá làm đê chắn sóng, lập bờ kè, tuần tra quanh đảo, rồi tối lại cùng nhau đàn hát... vẫn sống động trong câu chuyện ông kể. Ông cho tôi xem “Bảo tàng Trường Sa” của riêng mình - căn phòng gói ghém những ký ức, kỷ vật thiêng liêng của một thời lính đảo; cột mốc đảo Trường Sa Đông được ông dựng ngay trong khuôn viên nhà để hàng ngày được chiêm ngưỡng, nhìn ngắm cho nguôi ngoai nỗi nhớ. Tình yêu biển và nỗi nhớ đồng đội cũng thôi thúc ông quyết định đi tìm đồng đội, tìm những người vào sinh ra tử với mình khi xưa...
Xúc động trước tình cảm của ông Xuất với Tổ quốc và đồng đội, tôi hoàn thành bài viết "Người xây cột mốc Trường Sa trên đất liền" chỉ trong thời gian ngắn và đăng trên Đại biểu Nhân dân đúng dịp kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma (14.3.1988 - 14.3.2018). Sau đó, tôi đã kết nối Ban Liên lạc bộ đội Trường Sa 1984 - 1988 thành phố Đà Nẵng với Hội các chiến sĩ thành cổ Quảng Trị tại Đà Nẵng, hỗ trợ thêm cho các cựu binh Trường Sa...
Những chuyến đi như vậy khiến tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa của nghề. Cảm ơn nghề báo, cảm ơn mái nhà chung Đại biểu Nhân dân đã tạo điều kiện cho tôi được cống hiến, được dấn thân, được làm công việc mà trước đây mình chưa nghĩ tới, tuy vất vả nhưng đầy thú vị và ý nghĩa. Đây chính là động lực để tôi mong muốn được tiếp tục gắn bó lâu dài với nghề, với Báo, để mỗi ngày tác nghiệp, mỗi ngày đến cơ quan đều là ngày vui.