Mỗi người là một vì sao

(Báo Quảng Ngãi)- Câu nói: “Cuộc đời là bầu trời, mỗi người là một vì sao, chúng ta được sinh ra để tỏa sáng cho bầu trời này theo cách riêng nhất của mình” đã để lại cho mỗi chúng ta một niềm tin vào giá trị bản thân. Đó là, trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng đều có thể tỏa sáng nếu biết cố gắng vượt qua chính mình.

Tự tin tỏa sáng

Tiêu Thị Mỹ (28 tuổi), ở xã Bình Châu (Bình Sơn) được nhiều người biết đến thông qua những clip chia sẻ về nghề đánh bắt hải sản của ngư dân Bình Châu trên TikTok. Lập tài khoản trên nền tảng TikTok gần 1 năm, đến nay, kênh TikTok “Tiêu Mỹ ở biển” của Mỹ đã có gần 27 nghìn người theo dõi và nhiều clip đạt mốc hơn 1 triệu lượt xem. Chính kênh Tiktok này đã giúp Mỹ - một phụ nữ từng quanh quẩn ở nhà để chăm sóc con nhỏ, bỗng chốc mở mang tầm nhìn và hướng mưu sinh.

“Thu nhập trong gia đình tôi từng phụ thuộc hết vào nghề đi biển của chồng tôi cho đến khi tôi tập tành lập tài khoản trên TikTok. Thoạt đầu, tôi đăng tải video quay cảnh biển quê hương chỉ để những người bạn xa quê của tôi xem cho đỡ nhớ quê. Ấy thế rồi, các video mộc mạc, dân dã của tôi bỗng thu hút được đông đảo người xem. Rất nhiều người khi xem video về các phiên chợ cá ngay trên biển Châu Thuận Biển mà tôi quay đã ngỏ ý muốn được mua cá. Từ đó, tôi có công việc mới, giúp tôi có được thu nhập mà trước đó tôi chỉ dám mơ ước, đó là bán cá trên TikTok”, chị Mỹ chia sẻ.

Tiêu Thị Mỹ quay video về con cá kiếm nặng hơn 20 kg, do ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn) đánh bắt, để đăng tải lên kênh TikTok của mình.

Tiêu Thị Mỹ quay video về con cá kiếm nặng hơn 20 kg, do ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn) đánh bắt, để đăng tải lên kênh TikTok của mình.

Gần cả năm qua, bình quân mỗi ngày, TikToker Tiêu Thị Mỹ bán hơn cả trăm kílôgam hải sản cho khách hàng khắp cả nước. Từ một người không có công việc ổn định, cô gái trẻ sinh ra ở làng biển đã trở thành “phiên bản” tốt hơn của chính mình, khi tự tạo được việc làm ổn định cho bản thân và 2 chị gái nhờ năng động, nhạy bén nắm bắt cơ hội.

Là người khiếm thị, ông Phùng Văn Vinh (50 tuổi), ở thôn Tự Do, xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi) vừa xây dựng ngôi nhà 2 tầng khang trang trị giá hơn 1,2 tỷ đồng trong niềm thán phục của nhiều người. Kể về hành trình vượt lên số phận để đạt thành quả ngày hôm nay, ông Vinh nói trong niềm xúc động rằng, tôi đã từng tủi thân, tự oán trách số phận không may mắn của mình. Sau đó, tôi nghiệm ra rằng, mỗi người đều có giá trị của riêng mình. Chỉ cần tôi có niềm tin và kiên trì, nỗ lực, tôi sẽ phát huy được giá trị của riêng mình dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu.

Niềm vui của ông Phùng Văn Vinh, ở xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi) và con gái trong ngôi nhà khang trang vừa được xây dựng.

Niềm vui của ông Phùng Văn Vinh, ở xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi) và con gái trong ngôi nhà khang trang vừa được xây dựng.

“Tôi đã từng chán nản, bi quan, không thiết tha cuộc sống. Song, khi nghe tiếng con gái đầu lòng khóc, tôi đã dặn mình, phải đứng lên, phải nỗ lực để không trở thành gánh nặng và lo được cho vợ con mình. Một năm sau khi mất đi thị lực, tôi dùng gậy lần mò đường đi ra ruộng. Vấp ngã và tự mình đứng lên cả nghìn lần, nhờ vậy mà tôi quen được đường, được ruộng và đã có thể tự mình canh tác 7 sào ruộng, 5 sào hoa màu. Người ta làm một thì tôi ráng làm gấp đôi. Người ta chỉ làm ruộng ban ngày, còn tôi “may mắn” hơn họ, có thể làm đến 1, 2 giờ sáng. Vì với tôi, đêm hay ngày đâu có gì khác biệt”, ông Vinh bồi hồi.

Thắp lên những điều tốt đẹp

Bước sang tuổi 15, nữ sinh Trần Ngọc Bảo Ngân, học sinh lớp 10A3, Trường THPT số 2 Mộ Đức có trong tay bộ sưu tập hơn 10 huy chương ở môn bơi lội tại Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, cấp tỉnh và toàn quốc. Cô bé này còn là học sinh giỏi nhiều năm liền và đoạt nhiều giải thưởng tại cuộc thi sáng tạo thiếu niên, nhi đồng cấp huyện và cấp tỉnh; Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh.

Bảo Ngân không ngừng nỗ lực, tự trau dồi hành trang kiến thức cho bản thân, kể cả kiến thức về kỹ năng sống. “Nhà em ở gần chợ Thi Phổ. Mỗi lần thấy những người già khi đi chợ lóng ngóng tìm cách băng qua Quốc lộ 1 để ghé chợ, em đều chạy ra giúp đỡ các cụ. Dù là hành động nhỏ bé, nhưng em thấy rất vui. Em nghĩ rằng, tỏa sáng chính là khi mỗi người thắp sáng được cho người khác. Vậy nên, ngoài học tập thì những học sinh như em vẫn có thể làm nhiều việc nhỏ, để vừa giúp đỡ được người khác vừa khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn”, Bảo Ngân bộc bạch.

Trần Ngọc Bảo Ngân, đoạt huy chương đồng môn bơi lội tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ XIV, năm 2024.

Trần Ngọc Bảo Ngân, đoạt huy chương đồng môn bơi lội tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ XIV, năm 2024.

Khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, phụng sự chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bác sĩ chuyên khoa I Lương Quyết Thắng (33 tuổi), công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tâm niệm, mỗi người có cá tính, đặc điểm riêng biệt và giá trị khác nhau, song khi đã chọn theo đuổi nghề bác sĩ thì sức khỏe, niềm vui của người bệnh và gia đình khi người bệnh vượt qua được cơn bạo bệnh, người bệnh trở lại cuộc sống sinh hoạt, lao động thường ngày chính là mục tiêu và động lực để tôi luôn nỗ lực, phấn đấu từng ngày.

Là một trong những bác sĩ làm chủ được kỹ thuật điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết cho bệnh nhân nhồi máu não cấp, bác sĩ Thắng đã cùng đồng nghiệp trong Đơn vị đột quỵ và Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) giúp hàng trăm bệnh nhân thoát khỏi cửa tử. Năm 2024, bác sĩ Thắng là một trong 23 cá nhân tiêu biểu được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong phong trào thi đua “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân”, “Lương y như từ mẫu” trong ngành y tế tỉnh, giai đoạn 2021 - 2024.

Niềm vui của bác sĩ Lương Quyết Thắng khi chứng kiến một bệnh nhân bị đột quỵ đã hồi phục sức khỏe sau khi được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Niềm vui của bác sĩ Lương Quyết Thắng khi chứng kiến một bệnh nhân bị đột quỵ đã hồi phục sức khỏe sau khi được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Suốt 7 năm qua, để những học sinh ở thôn Làng Tốt, một trong những thôn xa xôi, cách trở nhất của xã Ba Lế (Ba Tơ) không phải vất vả vượt quãng đường đồi núi hơn 10km từ trường trở về nhà sau mỗi buổi học, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học và THCS Ba Lế đã cải tạo cơ sở vật chất để làm nơi ăn ở cho học sinh; tổ chức nấu bữa ăn trưa và tối, luân phiên ở lại đêm để chăm học trò. Để có kinh phí chăm lo khi các em ở nội trú tại trường, các thầy cô ở đây đã phải huy động từ nhiều nguồn lực xã hội hóa. Từng bàn chải đánh răng, bột giặt, chiếc gối, chiếc mền của các em, đều được các thầy cô chăm lo chu đáo.

“Làm giáo viên ở vùng rẻo cao, nơi đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn, trách nhiệm của chúng tôi chính là thắp sáng ước mơ, khát vọng cho học trò của mình, để các em theo học con chữ, sau này có một tương lai tươi sáng. Như Mustafa Kemal Ataturk (cố Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ) đã từng nói: “Một người thầy tốt như một ngọn nến, cháy hết mình để thắp sáng đường đi cho những người khác”, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ba Lế (Ba Tơ) Nguyễn Hải Dương bộc bạch.

Bài, ảnh: Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/doi-song/202412/moi-nguoi-la-mot-vi-sao-d3e1a03/