Mối nguy có thật từ sách giả

Thời gian qua, hoạt động sản xuất, tàng trữ và tiêu thụ xuất bản phẩm làm giả, làm nhái sản phẩm sách giáo dục đã và đang là vấn đề tồn tại nhức nhối trong xã hội.

Vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp Cục QLTT Hà Nội kiểm tra kho hàng tại số 87 phố Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã phát hiện và thu giữ một lượng lớn ấn phẩm sách giáo dục có dấu hiệu bị làm giả của các nhà xuất bản.

Theo đại diện Tổng cục QLTT, số lượng lớn sách giáo dục có dấu hiệu bị làm giả bị phát hiện và thu giữ tại cơ sở tập kết số 87 phố Thịnh Liệt, ngõ 1141 Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội là của Cty TNHH Phú Hưng Phát. Đây là số lượng sách giáo dục có dấu hiệu bị làm giả lớn nhất từng bị phát hiện tại Hà Nội.

Trên thực tế, hoạt động in lậu, in nhái, tàng trữ và tiêu thụ xuất bản phẩm in lậu, in nhái đã và đang là vấn đề nhức nhối, trong thời gian dài nhưng vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý hiệu quả. Cho đến gần đây, tình trạng này có xu hướng ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô.

Đáng báo động là trong số những xuất bản phẩm bị làm giả, làm nhái có cả xuất bản phẩm phục vụ dạy và học trong nhà trường phổ thông như sách giáo khoa, sách bổ trợ, các loại sách tham khảo, bản đồ – tranh ảnh giáo dục, đĩa CD nghe nhìn giáo dục…

Số sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có dấu hiệu bị làm giả. (Ảnh: N.Đăng)

Số sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có dấu hiệu bị làm giả. (Ảnh: N.Đăng)

Theo thống kê của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong nhiều năm trở lại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện sách giáo khoa giả ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. Năm 2017, Đội quản lý thị trường số 14 và Phòng PA87 CA TP Hà Nội phát hiện Cty TNHH&TM Hải Anh (ở Bạch Mai, Hà Nội) đang in lậu sách tiếng Anh; Đoàn thanh tra thông tin truyền thông Đắk Lắk phát hiện hàng chục cuốn sách lậu tại cửa hàng sách tự chọn tại đường Điện Biên Phủ và đường Nguyễn Công Trứ ở TP Buôn Mê Thuột.

Năm 2018, tỉnh Lâm Đồng phát hiện sách lậu tại một nhà sách ở xã Tân Hà, huyện Lâm Hà; tỉnh Đồng Nai phát hiện 4 cơ sở phát hành sách giả không rõ nguồn gốc. Năm 2019, Đội quản lý thị trường số 23 ở Hà Nội phát hiện một kho chứa hàng nghìn cuốn sách, đĩa CD lậu tại xã Dương Liễu, Hoài Đức vào ngày 25-5; ngày 12-6, tại Bình Định cơ quan chức năng thu giữ hơn 72.000 cuốn sách in lậu, trong đó có sách tiếng Anh, Tin học, các loại sách Tiểu học, THCS, THPT…

Chính vì vậy, kể từ năm học 2020-2021, khi Việt Nam chính thức triển khai sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong giảng dạy và học tập, thì tình trạng sản xuất và tiêu thụ sách giả càng trở thành mối lo lắng lớn của những nhà xuất bản, đặc biệt là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Tổng GĐ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thực trạng này ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu tới lòng tin của giáo viên, học sinh và phụ huynh, làm giảm uy tín của các đơn vị xuất bản, các tác giả có sách bị làm giả, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Vấn đề này trở thành mối lo lắng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh, làm ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các đơn vị xuất bản, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, việc sử dụng sách giáo dục làm giả, làm nhái không bảo đảm về nội dung chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Cụ thể, sách giáo dục giả có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, bị thiếu dữ liệu hoặc không cập nhật thông tin… sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung kiến thức tiếp nhận của học sinh, là điều đáng lo ngại nhất.

Sách giáo dục giả có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không bảo đảm quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất của học sinh, đặc biệt là ảnh hưởng tới thị lực. Trong trường hợp sử dụng sách giáo dục giả, học sinh sẽ không thể truy cập trang dữ liệu online và không sử dụng được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh trong học tập. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến kết quả học tập, rèn luyện tiếp thu kiến thức của học sinh.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Bộ Luật Hình sự sửa đổi đã nâng khung hình phạt đối với hành vi in lậu. Tuy nhiên, chưa có quy định rõ khung hình phạt cho hành vi phát hành sách in lậu, sách giả nên phần lớn chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính. Số tiền xử phạt tối đa vài chục triệu đồng là quá nhỏ so với lợi nhuận lên tới hàng chục tỷ đồng từ hoạt động in và phát hành sách lậu.

Do vậy, “bên cạnh các giải pháp như tuyên truyền hay truyền thông thì chúng ta cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ cơ quan chức năng và sự chung tay của toàn xã hội để giải quyết tình trạng này”, luật sư Tuấn cho biết.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/moi-nguy-co-that-tu-sach-gia-201296.html