Mối nguy từ những cơn stress cực nhỏ

Microstress (áp lực siêu nhỏ) xuất hiện liên tục trong cuộc sống thường ngày. Nếu không sớm được nhận biết và xử lý, chúng sẽ dồn ứ, gây hại đến chất lượng công việc.

 Áp lực siêu nhỏ thường tích tụ theo thời gian và gây suy giảm chất lượng công việc của mỗi người. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Áp lực siêu nhỏ thường tích tụ theo thời gian và gây suy giảm chất lượng công việc của mỗi người. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Khi nói về áp lực trong công việc, mọi người thường nghĩ ngay về những vấn đề nghiêm trọng, to tát, có sức tàn phá cao. Trong khi đó, microstress (cơn căng thẳng cực nhỏ) mới là yếu tố ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần, năng suất lao động của cá nhân.

Microstress đến từ các bất đồng, xung đột nhỏ tại văn phòng hoặc cuộc sống riêng. Chúng có thể chỉ là vài khoảnh khắc khiến người ta không hài lòng, bất mãn ở mức độ chấp nhận được. Tuy nhiên, khi nhiều cơn căng thẳng tích tụ, cơ thể chúng ta cảm thấy bị dồn nén, khó xử lý thông tin để cân bằng cảm xúc.

Theo nghiên cứu từ Fast Company công bố hồi tháng 1/2023, nhóm nhân sự năng suất cao, triển vọng tại nhiều doanh nghiệp lớn ở Mỹ thừa nhận luôn phải tìm cách xoay xở với microstress, thay vì những vấn đề có vẻ to tát khác.

Dưới đây là một số gợi ý giúp nhân sự hiểu hơn về kiểu căng thẳng cực nhỏ này và cách đẩy lùi chúng.

 Nhóm nhân sự năng suất cao dễ bị microstress "nhấn chìm". Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

Nhóm nhân sự năng suất cao dễ bị microstress "nhấn chìm". Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

Dấu hiệu nhận biết

Thông thường, mọi người khó nhận ra mình đang chật vật với các cơn căng thẳng cực nhỏ. Áp lực tạo ra động lực, song microstress khi dồn ứ sẽ khiến chúng ta ép buộc bản thân quá khả năng thực tế.

Điều này đặc biệt xảy ra thường xuyên với nhóm nhân sự dẫn đầu về năng suất tại chốn công sở. Chẳng hạn, dù bị giao hàng loạt deadline sát nút một cách vô lý, họ vẫn nhận việc thay vì phản kháng.

Dưới góc nhìn của Giáo sư Rob Cross (Đại học Babson, Mỹ), động thái này không hẳn thể hiện mong muốn hoạt động. Tỷ lệ cao họ chỉ đang quá kiệt sức để nhận thức tình hình và khả năng đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của mình ở thời điểm này.

Ông Cross cũng gợi ý một số dấu hiệu cho thấy một người đang gánh chịu nhiều cơn áp lực vi mô:

Nghi ngờ năng lực của chính mình (ví dụ: cảm thấy mình không đủ giỏi hay xứng đáng với vị trí, trọng trách được giao).
Phản ứng thái quá với những thất bại nhỏ trong công việc và cuộc sống cá nhân.
Chỉ phản ứng với thông tin, thay vì chủ động bàn luận về nó (chẳng hạn: chỉ nhận việc mà không lên tiếng về hạn chót vô lý).
Ngày mới tệ hẳn đi ngay từ khoảnh khắc mở hộp thư điện tử để kiểm tra công việc.
Dần né tránh các hoạt động, mối quan hệ xã hội từng là một phần quan trọng trong đời để tìm cảm giác “yên thân”.

 Áp lực nào cũng có thể được ngăn chặn từ sớm, nếu chúng ta dành thời gian quan sát chính mình. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Áp lực nào cũng có thể được ngăn chặn từ sớm, nếu chúng ta dành thời gian quan sát chính mình. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Ngăn chặn từ sớm

Giáo sư Cross cho rằng tương tự áp lực thông thường, microstress được xử lý bằng các biện pháp tự thân như nhận thức mình đang bất ổn; sắp xếp lại lịch làm việc, sinh hoạt; nâng cao chất lượng đời sống tinh thần hoặc tìm đến chuyên gia tâm lý.

Đồng thời, chúng ta cũng có thể tự phòng ngừa các áp lực siêu nhỏ bằng vài gợi ý sau:

Cân nhắc trước mọi dự án mới

Đừng vội vã gật đầu với công việc được đề xuất hoặc giao xuống.

Trước hết, chúng ta cần có cái nhìn cụ thể về deadline, nguồn nhân lực hỗ trợ trong dự án.

Mặt khác, bạn nên dành thời gian rà soát lại những đầu việc đang trong quá trình thực hiện và thông báo cho đối tác hoặc quản lý. Nhờ đây, đôi bên có thể cân nhắc, thỏa thuận hướng xử lý nhiệm vụ phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi, tiến độ chung cũng như hạn chế áp lực.

Xem xét mục tiêu và thứ tự ưu tiên

Ở mỗi thời điểm cụ thể, chúng ta sẽ có danh sách việc làm ưu tiên ứng với mục tiêu đã xác lập. Trong trường hợp đầu việc sắp tới khá béo bở, song lại lệch khỏi định hướng của bạn hoặc nhóm làm việc, hãy cân nhắc từ chối.

Tất nhiên, sẽ có những tình huống khó khăn mà bạn không thể tự quyết định. Lúc này, điều bạn cần làm là dành thời gian trao đổi thẳng thắn với cấp trên.

Nếu họ muốn bạn lãnh trọng trách, đừng ngần ngại nhờ họ sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của các nhiệm vụ, lùi hạn chót của đầu việc ít cấp bách hơn ra xa. Quan trọng hơn cả, chúng ta cần đảm bảo chuẩn bị đủ số liệu, nội dung cho cuộc thảo luận được diễn ra suôn sẻ, mang về lợi ích cho mình.

Giao tiếp

Thay vì ôm đồm, nhân sự nên mạnh dạn tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc ủy quyền cho đồng nghiệp, cấp dưới đủ khả năng.

Bên cạnh đó, trước khi bắt tay vào dự án nào đó, bạn nên làm rõ, thỏa thuận với tập thể về các hạng mục và thời gian thực hiện chúng. Những kỳ vọng về năng suất, doanh thu cũng phải được thống nhất từ đầu.

Hoàng Kỳ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-nguy-tu-nhung-con-stress-cuc-nho-post1427059.html