Mối quan ngại đặc biệt của các nhà thầu quân sự Mỹ giữa cuộc chiến thương mại

Khi nhiều công ty Mỹ giữ rất ít hoặc không có hàng tồn kho đất hiếm vì họ không muốn rót tiền mặt vào các kho dự trữ vật liệu đắt tiền thì Bắc Kinh đã đình chỉ xuất khẩu một số khoáng chất đất hiếm và nam châm đất hiếm.

Đất hiếm chuẩn bị được bốc xếp tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Đất hiếm chuẩn bị được bốc xếp tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ The New York Times, Trung Quốc đã đình chỉ xuất khẩu nhiều loại khoáng sản và nam châm quan trọng, đe dọa sẽ cắt đứt nguồn cung cấp các linh kiện quan trọng cho các nhà sản xuất ô tô, nhà sản xuất hàng không vũ trụ, công ty bán dẫn và nhà thầu quân sự trên toàn thế giới.

Các lô hàng nam châm, nguyên liệu thiết yếu để lắp ráp mọi thứ từ ô tô và thiết bị bay không người lái cho đến robot và tên lửa, đã bị dừng lại tại nhiều cảng của Trung Quốc trong khi chính phủ Trung Quốc soạn thảo một hệ thống quản lý mới. Khi đã có hiệu lực, hệ thống mới có thể ngăn chặn vĩnh viễn nguồn cung cấp đến tay một số công ty nhất định, bao gồm cả các nhà thầu quân sự Mỹ.

Diễn biến này là một phần trong hành động trả đũa của Trung Quốc đối với việc Tổng thống Trump tăng mạnh thuế quan bắt đầu từ ngày 2/4.

Vào ngày 4/4, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu 6 loại kim loại đất hiếm nặng, được tinh chế hoàn toàn tại Trung Quốc, cũng như nam châm đất hiếm, trong đó 90% được sản xuất tại Trung Quốc. Các kim loại và nam châm đặc biệt hiện chỉ có thể được vận chuyển ra khỏi Trung Quốc khi có giấy phép xuất khẩu đặc biệt.

Nhưng Trung Quốc mới chỉ bắt đầu thiết lập hệ thống cấp giấy phép. Điều đó khiến các giám đốc điều hành trong ngành lo ngại rằng quá trình này có thể kéo dài và nguồn cung khoáng sản và sản phẩm tương tự ở bên ngoài Trung Quốc có thể sớm cạn kiệt.

Nếu các nhà máy ở Detroit (Mỹ) và những nơi khác hết nam châm đất hiếm mạnh, điều đó có thể khiến họ không thể lắp ráp ô tô và các sản phẩm khác có động cơ điện cần đến những nam châm này. Các công ty có quy mô dự trữ khẩn cấp khác nhau cho những tình huống bất trắc như vậy, vì vậy thời điểm gián đoạn sản xuất rất khó dự đoán.

Nhóm kim loại đất hiếm nặng, vừa bị Bắc Kinh đình chỉ xuất khẩu, được sử dụng trong các nam châm cần thiết cho nhiều loại động cơ điện. Những động cơ này là thành phần quan trọng của ô tô điện, thiết bay không người lái, robot, tên lửa và tàu vũ trụ. Ô tô chạy bằng xăng cũng sử dụng động cơ điện có nam châm đất hiếm cho các chức năng quan trọng như lái.

Các kim loại này cũng được đưa quy trình sản xuất động cơ phản lực, tia laser, đèn pha ô tô và một số bugi. Chúng còn là thành phần quan trọng trong tụ điện, vốn là linh kiện điện của các chip máy tính được sử dụng trong máy chủ trí tuệ nhân tạo và điện thoại thông minh.

Ông Michael Silver, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của American Elements - một nhà cung cấp hóa chất có trụ sở tại Los Angeles, cho biết công ty của ông đã được thông báo rằng sẽ mất 45 ngày trước khi giấy phép xuất khẩu kim loại đất hiếm và nam châm được cấp. Ông Silver cho biết công ty của ông đã tăng lượng hàng tồn kho vào mùa đông năm ngoái để chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, và có thể đáp ứng các hợp đồng hiện tại trong khi chờ giấy phép.

Daniel Pickard, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn về khoáng sản quan trọng của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ Thương mại, đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu hụt đất hiếm.

“Liệu lệnh kiểm soát hoặc lệnh cấm xuất khẩu có khả năng gây ra những tác động nghiêm trọng ở Mỹ không? Có”, ông Pickard nói, và cho biết cần phải giải quyết nhanh chóng vấn đề đất hiếm vì sự gián đoạn liên tục trong xuất khẩu có thể làm tổn hại đến danh tiếng của Trung Quốc như một nhà cung cấp đáng tin cậy.

Trong một diễn biến phức tạp tiềm ẩn, Bộ Thương mại Trung Quốc, đơn vị ban hành các hạn chế xuất khẩu mới cùng với Tổng cục Hải quan, đã cấm các công ty Trung Quốc giao dịch với danh sách ngày càng dài các công ty Mỹ, đặc biệt là các nhà thầu quân sự.

Một nhà lãnh đạo ngành khai thác mỏ người Mỹ, James Litinsky, chủ tịch điều hành kiêm giám đốc điều hành của MP Materials, cho biết nguồn cung cấp đất hiếm cho các nhà thầu quân sự là mối quan ngại đặc biệt.

"Thiết bị bay không người lái và robot được coi là tương lai của chiến tranh và dựa trên mọi thứ chúng ta đang thấy, các đầu vào quan trọng cho chuỗi cung ứng trong tương lai của chúng ta đã bị đóng cửa", ông nói.

MP Materials sở hữu mỏ đất hiếm duy nhất tại Hoa Kỳ, mỏ Mountain Pass ở sa mạc California gần biên giới Nevada và hy vọng sẽ bắt đầu sản xuất thương mại nam châm tại Texas vào cuối năm cho General Motors và các nhà sản xuất khác.

Nhưng nhiều công ty Mỹ giữ rất ít hoặc không có hàng tồn kho đất hiếm vì họ không muốn rót tiền mặt vào các kho dự trữ vật liệu đắt tiền. Một trong những kim loại chịu sự kiểm soát mới, oxit dysprosi, được giao dịch với giá 204 đô la một kg tại Thượng Hải và cao hơn nhiều bên ngoài Trung Quốc.

Nam châm đất hiếm chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và các nơi khác. Vì vậy, việc dừng các lô hàng gây ra ít đau đớn về kinh tế ở Trung Quốc trong khi vẫn có khả năng gây ra những tác động lớn ở Mỹ và nhiều nơi khác.

Các quan chức hải quan Trung Quốc đang chặn xuất khẩu kim loại đất hiếm nặng và nam châm không chỉ sang Mỹ mà còn sang bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả Nhật Bản và Đức.

Các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực trước khi chính quyền Tổng thống Trump công bố vào ngày 11/4 rằng họ sẽ miễn nhiều loại thiết bị điện tử tiêu dùng từ Trung Quốc khỏi mức thuế mới nhất của mình. 5 vị giám đốc điều hành ngành công nghiệp đất hiếm cho biết việc xuất khẩu nam châm tiếp tục bị chặn vào cuối tuần này. Giống như hầu hết hàng hóa từ Trung Quốc, nam châm cũng phải chịu mức thuế mới nhất của Tổng thống Trump khi chúng đến các cảng của Mỹ.

Cho đến năm 2023, Trung Quốc sản xuất 99% nguồn cung cấp kim loại đất hiếm nặng của thế giới. Bắc Kinh cũng sản xuất 90% trong số gần 200.000 tấn nam châm đất hiếm mỗi năm của thế giới, loại mạnh hơn nhiều so với nam châm sắt thông thường. Nhật Bản sản xuất phần lớn phần còn lại và Đức cũng sản xuất một lượng nhỏ, nhưng họ phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu thô.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/moi-quan-ngai-dac-biet-cua-cac-nha-thau-quan-su-my-giua-cuoc-chien-thuong-mai-20250414110502221.htm