Mọi quyết định về thanh niên cần phải có thanh niên

'Không thể có quyết định nào về chúng tôi mà không có chúng tôi'. Đó là tuyên bố của Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ Melvin Bouva vào năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 10 năm ban hành Nghị quyết của IPU. Tuyên bố này khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng sự tham gia chính trị của thanh niên; khẳng định tuổi trẻ là lực lượng đổi mới có nhiều đóng góp cho những nỗ lực tập thể nhằm giải quyết các vấn đề mà thế giới đối mặt. Trong suốt 10 năm qua kể từ khi thành lập, Diễn đàn Nghị sĩ trẻ đã thúc đẩy nhiều chiến dịch và hoạt động để hướng tới sứ mệnh trên.

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu

Một năm sau khi được thành lập, Diễn đàn Nghị sĩ trẻ đã thiết lập cơ chế Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu thường niên. Sự kiện này là cung cấp cơ hội kết nối giữa các nghị sĩ trẻ trên toàn cầu, quy tụ khoảng 200 nghị sĩ trẻ, các tổ chức quốc tế, hiệp hội thanh niên và xã hội dân sự. Đến nay, Diễn đàn đã tổ chức được 8 hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu, diễn ra ở Thụy Sĩ vào năm 2014, Nhật Bản năm 2015, Zambia năm 2016, Canada năm 2017, Azerbaijan năm 2018, Paraguay năm 2019, năm 2021 tổ chức theo hình thức trực tuyến và năm 2022 tại Ai Cập... Mỗi lần, sự kiện này quy tụ gần 200 đại biểu nam, nữ thanh niên, các tổ chức quốc tế, hiệp hội thanh niên và các thành viên của xã hội dân sự trong một môi trường đoàn kết. Mục đích của các hội nghị này là truyền cảm hứng cho những nỗ lực tăng cường tính toàn diện trong chính trị, trao quyền cho các nam nữ nghị sĩ trẻ và giúp công việc của Nghị viện thuận lợi hơn với nhãn quan của những người trẻ tuổi. Chẳng hạn năm 2018, Hội nghị được tiến hành với chủ đề vô cùng thú vị: “Thúc đẩy tính bền vững, bảo vệ lợi ích của các thế hệ tương lai”.

Chiến dịch "Tôi đồng ý tăng số nghị sĩ trong nghị viện". Ảnh: currentaffairs

Chiến dịch "Tôi đồng ý tăng số nghị sĩ trong nghị viện". Ảnh: currentaffairs

Bên cạnh đó, các cuộc họp của Diễn đàn Nghị sĩ trẻ trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU diễn ra hàng năm cũng là dịp để những nghị sĩ trẻ bàn thảo những vấn đề thiết thực liên quan đến thanh niên. Chẳng hạn như tại cuộc họp của Diễn đàn Nghị sĩ trẻ diễn ra trong khuôn khổ IPU-132 ở Việt Nam năm 2015, các đại biểu đã thảo luận về các biện pháp bảo vệ giới trẻ trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh mạng và an ninh nguồn nước.

Chiến dịch: “Không quá trẻ để ứng cử”

Trong xu thế ngày nay, có rất nhiều lý do thuyết phục để tăng đại diện thanh niên trong các thiết chế đại diện. Trước tiên, như một yêu cầu về sự công bằng, giới trẻ chiếm một nửa dân số thế giới, vì vậy họ xứng đáng được có đại diện tham gia vào bất cứ nơi nào ra quyết định chính trị. Một nghị viện mà không có tính đại diện cao sẽ khó phản ánh được đầy đủ và bao trùm ý kiến của người dân về những vấn đề quan trọng, thậm chí còn có thể khiến nhiều người hoài nghi vì tính hợp pháp của nó.

Như phát biểu của cựu Chủ tịch Diễn đàn năm 2020: “Tuổi trẻ đang gõ cửa chờ đợi để được làm việc với mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng họ đang bị khước từ. Chỉ 2,2% nghị sĩ trên thế giới dưới 30 tuổi. Khoảng 65% nghị viện loại trừ những người trẻ tuổi đủ điều kiện bỏ phiếu bầu giữ chức vụ, đơn giản vì tuổi của họ. Điều này không chỉ là một sự bất công, mà còn làm giảm khả năng tập thể giải quyết những thách thức của thế giới”.

Trước thực trạng trên, Diễn đàn đã hợp tác với Đặc phái viên về Thanh niên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và các đối tác khác để khởi động chiến dịch Không quá trẻ để ứng cử. Thông qua các thành viên và các nghị sĩ trẻ, IPU là một trong những tổ chức đầu tiên kêu gọi các quốc gia điều chỉnh độ tuổi tối thiểu để tham gia ứng cử vào nghị viện. Lời kêu gọi này đã lan truyền trên mạng xã hội với hashtag nottooyoungtorun (không quá trẻ để ứng cử). Trang web của chiến dịch - www.nottooyoungtorun.org - có nhiều thông tin, bao gồm các phân tích so sánh về độ tuổi tối thiểu cần thiết để ứng cử và tỷ lệ đại diện của thanh niên trong các cuộc bầu cử nghị viện.

Chiến dịch cũng khuyến khích các nước thành viên IPU hoàn thành vào năm 2035, các mục tiêu toàn cầu về sự tham gia của thanh niên vào các nghị viện quốc gia dựa trên tỷ lệ thanh niên trong dân số toàn cầu cụ thể là 15% nghị sĩ trẻ dưới 30 tuổi, 35% nghị sĩ trẻ dưới 40 tuổi, 45% nghị sĩ trẻ dưới 45 tuổi.

Chiến dịch này đã đưa đến những thay đổi tích cực. Đơn cử, Nghị viện Costa Rica và Liberia đã xem xét các đề xuất để giới thiệu hạn ngạch nghị sĩ trẻ. Nghị viện Nigeria ban hành một sửa đổi Hiến pháp hồi tháng 5.2018 để giảm yêu cầu về độ tuổi đối với các ứng cử viên tranh cử Tổng thống cũng như các ghế tại cơ quan lập pháp. Đảng cầm quyền ở Nhật Bản cũng xem xét giảm độ tuổi đủ điều kiện làm việc cho tất cả cơ quan công quyền, hiện tại đang là 20 tuổi. Trước đó, năm 2015, đất nước mặt trời mọc đã hạ độ tuổi bỏ phiếu từ 20 tuổi xuống 18 tuổi.

Chiến dịch: “Tôi đồng ý tăng số lượng thanh niên trong nghị viện”

Vào năm 2021, Diễn đàn Nghị sĩ trẻ thúc đẩy Chiến dịch: "Tôi đồng ý với thanh niên trong nghị viện". Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ khi đó nói: "Không thể để các thế hệ tương lai phải sống với những lựa chọn chính trị được đưa ra hiện tại. Việc họ có một ghế trong bàn các quyết định là điều đúng đắn”. Vì vậy IPU kêu gọi từng nghị viện, từng nghị sĩ hành động để tăng số lượng thanh niên bằng cách tham gia chiến dịch với việc ủng hộ 6 cam kết sau:

1. Thúc đẩy hạn ngạch thanh niên trong nghị viện: Bằng cách áp hạn ngạch trong các cuộc bầu cử, điều này có thể thúc đẩy sự hiện diện của giới trẻ trong cơ quan lập pháp và các cơ quan đại diện.

2. Thúc đẩy điều chỉnh độ tuổi ứng cử vào nghị viện: Độ tuổi tối thiểu trung bình trên toàn cầu để trở thành ứng cử viên là 23,6 tuổi, cao hơn 5,6 tuổi so với độ tuổi tối thiểu bỏ phiếu gần như phổ biến là 18. Tất cả những người trẻ tuổi đều có quyền ứng cử sau ngay khi họ có quyền bỏ phiếu để đóng góp ý kiến cũng như tài năng của mình cho nghị viện nước họ.

3. Thiết lập các kênh hỗ trợ quan điểm của thanh niên trong quốc hội - bao gồm các nhóm nghị sĩ trẻ, ủy ban và các cơ chế khác của thanh niên. Việc thiết lập một cơ chế tập trung cho nghị sĩ trẻ cung cấp một nền tảng để những người trẻ tuổi thể hiện tiếng nói của mình với tư cách là một tập thể. Tất cả các nghị sĩ nên xem xét quan điểm của những người trẻ tuổi.

4. Trao quyền cho các nghị sĩ trẻ để họ có thể đóng góp, tác động và lãnh đạo công việc của nghị viện.

5. Hướng dẫn, bồi dưỡng, dìu dắt những người trẻ có năng lực vào các chức vụ chính trị: Sự trao đổi giữa các thế hệ là một cách quan trọng để những người đi trước dẫn dắt những thế hệ đi sau hiểu nền chính trị của đất nước cũng như cách các quyết định được ban hành. Điều này tạo sân chơi bình đẳng để người trẻ có cơ hội thăng tiến.

6. Phát động chiến dịch “Tôi đồng ý tăng số lượng thanh niên trong nghị viện” ở trong chính nghị viện của mình để thu hút thêm nhiều nghị sĩ ở mọi lứa tuổi tham gia.

Sáu cam kết trên được chính các nghị sĩ trẻ xác định là những cách hiệu quả nhất để tăng cường sự tham gia của giới trẻ và các nghị viện đạt được các mục tiêu về đại diện của thanh niên trong nghị viện vào năm 2035.

Theo thống kê vào tháng 8.2023, kể từ khi bắt đầu chiến dịch, hơn 1.400 người đã cam kết ủng hộ chiến dịch, bao gồm 660 nghị sĩ từ hơn 130 quốc gia, gần 60 Chủ tịch Quốc hội và 14 nguyên thủ quốc gia hoặc tổ chức cấp cao. Hơn 30 sáng kiến quan trọng của Quốc hội cũng đã được thực hiện kể từ khi chiến dịch được thành lập.

Đạt Quốc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/moi-quyet-dinh-ve-thanh-nien-can-phai-co-thanh-nien-i341741/