Ở khu bãi giữa sông Hồng, chẳng ai không biết đến câu chuyện 'nhặt vợ' hài hước mà cảm động đôi vợ chồng nhặt rác, ông Nguyễn Văn Thành (83 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thủy (82 tuổi). Đều ở độ tuổi bên kia dốc của cuộc đời thế nhưng tình yêu của của 2 ông bà vẫn nguyên vẹn như những ngày đầu.
Khu tập thể dục của một câu lạc bộ cựu chiến binh ở xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội là nơi ở của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành (quê Thanh Hóa) và vợ là bà Nguyễn Thị Thủy (quê Thái Bình).
“Ngôi nhà” nhỏ của vợ chồng ông Thành đơn sơ, nằm nép mình bên bờ sông Hồng. Chiếc nhà phao nhỏ lênh đênh trên sông là nơi sinh sống của ông bà suốt mấy chục năm qua. Xung quanh thuyền, ông Thành che chắn những tấm bạt – thứ phế liệu được nhặt về từ những đống rác. Ông bà không sinh được con nên cùng nhau ở vậy sống qua ngày. Cả trong những ngày khó khăn nhất cũng luôn đồng hành cùng nhau, có rau ăn rau, có thịt ăn thịt.
Ông Thành và bà Thủy có cùng số phận lang thang từ bé. Ông Thành chỉ nhớ quê mình ở Thanh Hóa, cha mẹ ông mất sớm, anh em tứ tán khắp nơi kiếm ăn. Từ khi hơn 10 tuổi, ông mồ cô cha mẹ, lâm vào cảnh không anh em họ hàng thân thích, nên khi ấy phải sống lang thang khắp đường phố làm đủ thứ nghề từ quét rác, rửa bát, ai thuê gì làm nấy để sống qua ngày. Đến năm 16 tuổi, ông bắt đầu ra Hà Nội và được một người phụ nữ không con cái nhận làm con nuôi, nhưng được vài năm thì người này bệnh tật rồi qua đời. Ông Thành khi ấy lại tiếp tục phải sống bơ vơ không người thân thích ở đất Hà thành
Số phận đưa ông đến gặp bà Thủy cùng cảnh nhặt rác kiếp sống rồi nên duyên vợ chồng từ năm 1969. Trên cánh tay ông Thành vẫn còn dòng chữ 2/6/1969, đó chính là ngày cưới của ông bà. Nói về cơ duyên "nhặt" được vợ, ông Thành hóm hỉnh kể: Khi ông đang đi lang thang ở ga Hà Nội thì nhìn thấy bà đang ngồi nhặt những hạt gạo người ta làm rơi để cho vào ống bơ mang về nấu. Sau khi nồi nói chuyện, ông Thành ngỏ lời muốn đón bà Thủy về làm vợ. Đang khó khăn, bỗng có người thương tình, bà đồng ý. Rồi ông bà song hành cùng nhau từ ấy cho đến giờ.
Hai vợ chồng ông Thành rất muốn có con nhưng không thành, nhưng không vì vậy mà rời bỏ nhau, mà còn lấy đó làm động lực để bấu víu vào nhau. Hai năm trở lại đây, ông bà nhận thêm người con nuôi - cũng là người sống lang bạt ở xóm phao. Anh con nuôi phụ giúp bà Thủy những lúc ông Thành vắng nhà.
Từ tháng 8/2018, bà Thủy bị mù nên cuộc sống từ đó càng khó khăn hơn. Mọi sinh hoạt và việc kiếm sống đều dựa vào ông Thành. Khi được hỏi về ước mơ lúc tuổi già, bà Thủy chỉ khẽ cười rồi bảo:"Có dám mơ gì đâu cái cảnh này, chỉ cầu trời đừng cho bệnh tật gì vì chúng tôi chẳng có đồng nào để chữa trị".
Đồ vật trong nhà ông bà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc đài và chiếc xe đạp được các cá nhân, đội, nhóm... ủng hộ. Đây cũng là nguồn vui, giải trí duy nhất của đôi vợ chồng già. "Tổ ấm" của ông bà lênh đênh trên sông rộng khoảng 15m2, trong phòng đủ loại đồ đạc nhưng được xếp gọn gàng ngăn nắp, phần nhiều đồ sinh hoạt như chăn màn, bắt đũa…cũng đều được mọi người ủng hộ.
Hàng ngày, cứ tầm 20h tối, ông Thành lại đạp xe đi nhặt rác trên phố quanh chợ Long Biên đến nửa đêm, người ta cho gì thì ăn nấy, có đồ ngon đều để dành để mang về cho vợ ăn. Ngày may mắn nhặt được nhiều thì ông kiếm được được khoảng 20.000 – 30.000 đồng/ngày. Kể từ ngày mắt vợ không còn nhìn được, đêm đi làm, ông Thành phải khóa cửa để bà Thủy trong nhà vì sợ bà không nhìn được lại vấp ngã.
Từ ngày mắt vợ không nhìn được, mọi việc trong nhà dù là nhỏ nhất do ông Thành cáng đáng. Bao nhiêu năm trời 2 vợ chồng sống xa xứ chưa một lần về quê, khi được hỏi bao lâu rồi không về, ông Thành, bà Thủy buông lời: "Còn ai đâu mà về”.
Khỏe mạnh nhưng ông bị chứng lãng tai, phải nói thật to may ra ông mới nghe được lõm bõm rồi đoán ý. Tính bà lại nóng, cứ thấy ông chuyện nọ xọ chuyện kia lại quát ầm lên, thế nhưng gắn bó với nhau đến nay cũng khoảng 50 năm, họ chưa bao giờ cãi nhau hay giận dỗi dù cuộc sống luôn thiếu thốn.
Ngày trước khi còn khỏe mạnh, ông Thành làm công việc "chẳng giống ai" đó là vớt xác chết trôi trên sông. Hơn 20 năm, ông không nhớ nổi mình đã vớt được bao nhiêu người, cứu vớt bao linh hồn bơ vơ trong giá lạnh. "Mình làm phúc thôi, có lẽ vì thế mà ông trời thương vợ chồng tôi, bao nhiêu năm nay sông bươn trải khắp nơi mà không ốm đau gì cả" – ông Thành chia sẻ.