MoMo lần đầu có lãi sau 15 năm, lên kế hoạch IPO
Việc MoMo có lãi nhiều khả năng sẽ mở đường cho một đợt IPO sắp tới, khi kỳ lân fintech của Việt Nam đang được định giá khoảng 3 tỷ USD.
Chinh phục mục tiêu có lãi
Theo nguồn tin từ DealStreetAsia, MoMo đã có lãi trong cả năm 2024. Đây được xem là một cột mốc quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành của kỳ lân công nghệ hàng đầu Việt Nam, đồng thời mở ra chương mới cho các fintech trong khu vực.
Điều này trùng khớp với những chia sẻ trước đó của ông Nguyễn Mạnh Tường, CEO MoMo, vào tháng 5/2023, khi ông cho biết chiến lược mới của công ty đang cho thấy hiệu quả rõ rệt và MoMo đang tiến gần đến mốc sinh lời.
Câu chuyện về hành trình 15 năm của MoMo, từ những bước chân đầu tiên gian nan đến vị thế kỳ lân fintech đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho giới khởi nghiệp.
Ít ai biết rằng, những ngày đầu tiên vào tháng 11/2010, MoMo chỉ là một ứng dụng ví điện tử đơn giản, tập trung vào việc giải quyết một "nỗi đau" rất thực tế của người Việt là chuyển tiền nhanh chóng với chi phí thấp, đặc biệt là cho những người xa quê.
Nhớ lại những khó khăn đã qua, ông Tường hóm hỉnh: "Nhiều khi chúng tôi nói đùa với nhau, biết khó thế này từ đầu chắc không làm". Câu nói này ẩn sau nụ cười của vị CEO, lại cho thấy một hành trình đầy cam go và sự kiên trì.
Theo nhiều nguồn tin, cột mốc có lãi sẽ giúp MoMo đàm phán với các ngân hàng đầu tư về kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở nước ngoài, có thể diễn ra sớm nhất vào cuối năm 2025.
Địa điểm niêm yết tiềm năng được nhắc đến là Singapore hoặc Mỹ. Ước tính, MoMo có thể huy động khoảng 10% vốn từ đợt IPO này.
Giới thạo tin định giá MoMo ở thời điểm hiện tại khoảng 3 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 2 tỷ USD vào tháng 12/2021, thời điểm MoMo hoàn tất vòng gọi vốn Series E trị giá 200 triệu USD từ Ngân hàng Mizuho, Nhật Bản.
Sự tăng trưởng về định giá đã phản ánh tiềm năng của MoMo trên thị trường. Bên cạnh Mizuho, MoMo còn nhận được sự hậu thuẫn từ các quỹ như Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Điều này thể hiện qua cơ cấu cổ đông, khi tính đến tháng 9/2023, có tới 20 cổ đông ngoại nắm giữ hơn 70% cổ phần MoMo.
Trước đó, ban lãnh đạo MoMo đã từng lên kế hoạch cho quá trình IPO vào đầu năm 2021, tuy nhiên kế hoạch này đã tạm hoãn và hiện đang được tái khởi động mạnh mẽ.

Hiện đang có tới 20 cổ đông ngoại nắm giữ hơn 70% cổ phần của MoMo. Ảnh: DN
MoMo đang chuyển mình
Thông tin về thương vụ IPO tiềm năng, cũng như cột mốc có lãi xuất hiện ngay sau khi MoMo công bố chuyển đổi từ một ví điện tử thành siêu ứng dụng tài chính vào cuối năm 2024, cho thấy fintech này đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng.
Cột mốc lợi nhuận đầu tiên trong năm 2024 được giới phân tích đánh giá là kết quả của chiến lược tập trung vào các mảng kinh doanh cốt lõi của MoMo.
Từ một ứng dụng hỗ trợ chuyển tiền và thanh toán hóa đơn cơ bản vào năm 2010, MoMo đã phát triển thành một hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng, phục vụ hơn 30 triệu người dùng với mạng lưới 300.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc.
Gần đây nhất, MoMo đã tái định vị thương hiệu với mục tiêu trở thành "trợ thủ tài chính với AI", tập trung mang các dịch vụ tài chính hướng đến nhóm khách hàng chưa được phục vụ đầy đủ.
Theo CEO Nguyễn Mạnh Tường, mục tiêu này nhằm bình dân hóa các dịch vụ tài chính thông qua các giải pháp trí tuệ nhân tạo, giúp người dùng quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
Các tính năng mới như trung tâm tài chính, quản lý chi tiêu và trợ lý ảo Moni là những minh chứng cho sự chuyển mình này.
"MoMo giờ đây không chỉ cung cấp dịch vụ thanh toán tiện lợi mà còn hướng đến mục tiêu giúp người dùng thu nhập trung bình và thấp có cuộc sống tài chính ổn định hơn", ông Tường chia sẻ.
Chiến lược này không chỉ giúp MoMo mở rộng tệp khách hàng mà còn góp phần vào việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế số Việt Nam.
Việc MoMo đang băng băng về đích đã phần nào phản ánh bộ mặt của thị trường fintech tiềm năng, dù cho hoạt động đầu tư trong khu vực đang có dấu hiệu chững lại.
Báo cáo từ quỹ Nextrans cho thấy fintech Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư mạo hiểm lớn tại Việt Nam. Theo đánh giá của Robocash, thị trường fintech Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực, dự kiến đạt quy mô 18 tỷ USD vào năm 2024, với mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/momo-lan-dau-co-lai-sau-15-nam-len-ke-hoach-ipo-d40107.html