Món canh ngọt đắng của quê nhà nơi xứ người
Mâm cơm ngày Tết chẳng mấy cao sang nhưng đậm vị ngọt đắng quê nhà - đủ sức khiến cho trái tim ở cách quê hương bốn ngàn cây số như tôi làm sao tránh khỏi xốn xang mỗi khi hồi tưởng lại.
Những ngày đông ở “xứ sở mặt trời mọc”...
Trời lạnh buốt.
Tôi nghe rõ từng tiếng rít của gió đông, như xước ngang tâm hồn.
Tôi nhớ Tết.
Nhớ nồi canh khổ qua mà khi xưa mẹ vừa nêm vừa kể chuyện,
Chuyện đắng cay của mẹ một đời.
Mẹ dặn con mỗi giây còn hiện hữu trên đời,
Là còn đắng cay, còn buồn, còn khổ,
Nếu mai này con xa rời xứ sở,
Tự dặn lòng vượt gian khổ, nghe con!
Canh khổ qua này mẹ nấu con ăn,
Đó cũng chính là lời mẹ dặn,
Cái khổ sẽ qua, giông bão rồi sẽ tạnh,
Gắng thành tài, rồi về lại nghe con!
…
Bật dậy một cách thờ thẫn, tôi cảm nhận rõ sự trĩu nặng trong cơ thể mình. Tôi ngồi lặng im hồi lâu nhìn đăm đăm vào một góc tường, cố gắng kiếm tìm một chút cảm giác se lạnh “trìu mến” những ngày giáp Tết của vùng quê Tây Nam Bộ ngày ấy. Tôi giật mình trở về với thực tại, với cái lạnh găm sâu vào da thịt - cái lạnh của những giọt nước mắt “ấm” - cái lạnh “da diết” của nỗi nhớ quê, nhớ bà, nhớ mẹ. Phải chăng cái lạnh trìu mến mà tôi đang kiếm tìm không hề hiện hữu, bởi đang ôm lấy tôi lúc này đâu phải vòng tay của quê hương.
Nồi cháo trắng trên bếp đã sôi, kéo tôi về với thực tại. Từng làn khói “lạnh lẽo” thay nhau bốc lên, chẳng thơm như cháo ở quê nhà mẹ nấu. Người nóng bừng vì sốt, tôi ăn vội nửa bát cháo để uống thuốc rồi vội vàng chạy ra bến tàu cho kịp giờ làm. Giữa màn đêm tịch mịch, âm thanh duy nhất tôi nghe được là tiếng bước chân vội vã và hơi thở gấp gáp của chính mình. Tôi biết mình phải chạy thật nhanh, để một ngày gần nhất tôi còn được về nhà ăn Tết…
Cái Tết ở quê hương Đồng Khởi đậm vị miền Tây lắm, mâm cơm ngày Tết cũng dân dã, ngọt lành như chính con người miền Tây vậy. Đôi bàn tay nhăn nhúm của bà cùng với đôi bàn tay sần chai của mẹ là những “tay thợ bếp” chuyên nghiệp nhất trong lòng tôi, là người làm ra mâm cơm ngày Tết chẳng mấy cao sang nhưng đậm vị ngọt đắng quê nhà - đủ sức khiến cho trái tim ở cách quê hương bốn ngàn cây số như tôi làm sao tránh khỏi xốn xang mỗi khi hồi tưởng lại.
Tết năm nay có lẽ vẫn là mâm cơm ấy, chỉ là…không có mặt tôi. Tôi cảm nhận có chút gì đó âm ấm nơi khóe mắt và cay cay nơi sống mũi, dường như ký ức gọi tôi về…
“Mày chở mẹ ra chợ, coi lựa mớ khổ qua ngon ngon với vài trăm cà-ram thịt về nấu nồi canh, chạng vạng tới nơi rồi.”
Cái mùi chợ quê thoảng qua tâm trí, chẳng hiểu khi xưa vì lý do gì mà tôi ghét cái mùi “mặn mặn tanh tanh” đấy lắm, để bây giờ muốn “đắm chìm” trong nó lần nữa cũng là điều quá xa xỉ.
Hồi ấy, chợ Tết quê tôi lúc nào cũng tấp nập bà con qua lại, rau củ hoa quả đâu đâu cũng đầy ắp, ngó mà nôn nao lòng. Nhanh nhảu lựa mấy trái khổ qua mướt rượt, xanh mơn mởn, xin thêm vài cọng hành ngò, chưa nấu đã thoảng cái mùi thơm ngào ngạt đủ khiến cái bụng tôi đánh trống nhè nhẹ. Cân thêm vài trăm cà-ram chả cá với thịt xay, tôi cùng mẹ phóng xe về nhà nấu cho kịp mâm cơm chiều. Hôm nay đã là 30 Tết.
Trong gian bếp nhỏ, tôi ngồi nhặt phụ mẹ mấy cọng hành ngò, rồi nghe mẹ kể chuyện về những ngày gia đình tôi còn nhiều gian khó. Tôi ngồi đấy, nhìn mẹ vừa làm vừa hướng dẫn cho đứa con gái của mẹ từng bước một. Tôi lắng nghe chăm chú, như thể đang chuẩn bị hành trang cho một ngày nào đó sẽ rời xa mẹ bôn ba nơi xứ người.
Một luồng gió lạnh khẽ lùa qua gian bếp, đan xen cùng cái hơi nóng đang tỏa khói ngào ngạt của mấy trái khổ qua vừa ra khỏi nồi. Thì ra đây chính là “hương Tết”. Tôi trở về với thực tại, bất chợt nhắm nghiền mắt lại để cố cảm nhận chút “hương Tết” của những ngày đã cũ, cái “hương Tết” mang theo chút dư vị đăng đắng ngòn ngọt của của nồi canh khổ qua ngày Tết. Tết đoàn viên. Còn ngay khoảnh khắc này, vị mặn đắng mà tôi đang cảm nhận là gì đây? Có lẽ là chút đắng cay và đơn độc. Tôi nhớ Việt Nam nhiều quá.
Cuối cùng thì cũng tới công đoạn mà tôi “ham” nhất - nhồi thịt vào nửa trái khổ qua đã luộc sơ. Tôi hay có thói quen ấn thịt cho thật đầy vào trong lòng khổ qua, vì khi ăn tôi thích cảm giác được xuýt xoa với miếng thịt đầy ắp, dai dai, đậm đà trong miệng. “Ra vẻ" tỉ mỉ trong tận 15 phút, cuối cùng tôi cũng xong xuôi công đoạn nhồi thịt, cũng là lúc cái bụng bắt đầu “đánh trống múa lân".
Vậy là tôi cũng đã “góp công lớn" vào nồi canh khổ qua ngày Tết, phần nêm nếm còn lại tốt nhất nên để mẹ tôi lo liệu, tôi nghĩ rằng mình không nên động tay vào công đoạn này để chắc chắn gia đình có được một bữa cơm Tết “không hú hồn".
Nghe tiếng mẹ tắt bếp, biết khổ qua nhồi thịt đã chín và sẵn sàng “lên mâm”, tôi phi ngay xuống bếp để “hít hà" cho trọn vẹn cái hương Tết gói trọn trong gian bếp nhỏ, cái hương thơm được hòa quyện từ nồi thịt kho trứng mẹ nấu từ trưa, từ hũ dưa kiệu bà làm vừa mở nắp, thêm cái hương vị rau củ nồng nàn từ thao gỏi ba đang ngồi trộn, rồi cả cái mùi nếp thơm lừng từ chỗ anh hai đang ngồi cắt bánh tét thành từng khoanh nhỏ, và đương nhiên không thể thiếu cái hương thơm ngọt đắng của nồi canh khổ qua nghi ngút khói, đang nằm chễm chệ trên bếp ở đằng kia.
Cái Tết đoàn viên sao mà ấm áp quá, dù ai cũng đang giữ cho riêng mình những vướng bận ngoài kia, nhưng chỉ cần quây quần bên gian bếp nhỏ thì mọi buồn lo như gác lại, chỉ còn cái hương thơm của Tết là “xộc thẳng” vào tâm trí, vào hồi ức, rồi bất chợt hóa thành những tiếng cười giòn tan bên mâm cơm đạm bạc nhưng đầy ắp ân tình, sao mà an yên, sao mà ấm cúng.
Ở nơi xứ người hối hả xô bồ, tôi dần khép mình lại với đám đông, dường như tôi chỉ thoải mái khi ở trong không gian của riêng mình - nơi chỉ có tôi cùng những dòng hồi ức. Quanh năm suốt tháng, dù những ngày nắng cháy da hay những ngày mưa tầm tã, dù những đêm đông mà cái lạnh như cắt vào da thịt, hay thậm chí là tuyết rơi buốt cả tâm hồn, thì cuộc sống của tôi vẫn là một vòng lặp quen thuộc và đầy trầm lặng.
Sau giờ học tôi luôn phải chạy đua với thời gian cho kịp tới chỗ làm, tan ca là gần mười giờ đêm, chưa kịp thở đã phải vắt chân lên chạy đến chỗ làm tiếp theo…đến khi Mặt Trời ló dạng.
Tôi thương món canh khổ qua cũng vì lẽ đó. Bởi cái vị ngọt đắng của nó lúc nào cũng in hằn trong tâm trí tôi, là thứ xoa dịu tâm hồn tôi những ngày mệt nhoài và đơn độc, lúc nào cũng gợi nhắc tôi về những hương vị của quê nhà, mang đến cho tôi cái cảm giác quây quần bên mâm cơm ngày Tết. Những lời căn dặn của mẹ tôi bên nồi canh khổ qua trong gian bếp nhỏ ngày ấy, lúc nào tôi cũng canh cánh bên lòng.
Lâm Thị Tú Hảo