Môn Ngữ văn của chương trình mới: Học sinh cần nhiều thời gian để thích nghi

Môn Ngữ văn 10 của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được bắt đầu dạy từ năm học 2022 - 2023, có nhiều thay đổi trong cách dạy học và kiểm tra đánh giá. Qua hơn 3/4 thời gian của năm học, giáo viên và học sinh thấy được nhiều mặt tích cực lẫn không ít khó khăn.

Tiết học Ngữ văn lớp 10 của học sinh Trường THPT Hướng Hóa - Ảnh: T.L

Cô giáo Lâm Thị Thủy, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Giáo dục công dân và Nghệ thuật, Trường THPT Hướng Hóa, huyện Hướng Hóa cho biết, sách giáo khoa, tài liệu học tập Ngữ văn lớp 10 Chương trình GDPT 2018 được trình bày có hệ thống, hướng dẫn học tập rõ ràng, khoa học.

Sách giáo khoa có nội dung phong phú, gắn với thực tế đời sống, xã hội, gợi nhiều hứng thú cho học sinh, hướng tới tính thiết thực của bộ môn, dành nhiều thời lượng cho phát triển kỹ năng nghe, nói đọc, viết, học sinh được chủ động luyện tập nhiều hơn.

Tuy nhiên, cô giáo Lâm Thị Thủy thừa nhận, khó khăn lớn nhất của học sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 là trước đó trong suốt 4 năm học ở cấp THCS, các em quen với cách học theo chương trình cũ, phụ thuộc rất nhiều vào thầy, cô giáo, vào những bài giảng về các tác phẩm giáo viên dạy. Các em phải học thuộc nội dung phân tích nhân vật, nghệ thuật hay tư tưởng của tác phẩm.

Khi lên lớp 10, các em học chương trình mới với mục tiêu, định hướng, yêu cầu của môn học đặt ra hoàn toàn khác, nên các em sẽ gặp lúng túng, mất nhiều thời gian để bắt nhịp. Đây là thiệt thòi lớn cho khóa học sinh đầu tiên học chương trình mới này.

Thêm vào đó, yêu cầu làm văn về nghị luận văn học và nghị luận xã hội của lớp 10 chương trình mới cũng khác so với chương trình cũ. Qua thực tế thấy các học sinh có nhiều lỗ hổng về kiến thức cũng như kỹ năng.

Riêng đối với học sinh của Trường THPT Hướng Hóa là học sinh huyện miền núi, thì các em gặp nhiều khó khăn trong việc theo kịp với chương trình môn học. Cách ra đề kiểm tra không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa là một thử thách lớn với các em. Vì vậy, chất lượng các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ của học sinh lớp 10 năm nay của nhà trường chưa tốt.

Theo nhiều giáo viên dạy Ngữ văn lớp 10 cho biết, học sinh trên địa bàn tỉnh hiện đang được học bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

Với việc áp dụng các phương pháp dạy học mới mà giáo viên được tập huấn trong các mô đun, lớp học trở nên sôi động hẳn lên. Cách xây dựng tiến trình từng bài học cũng thuận lợi cho giáo viên khi triển khai bài dạy và học sinh dễ dàng tiếp thu và dễ dàng hơn trong việc tự học.

Giáo viên đóng vai trò người hướng dẫn, học sinh chủ động trong các hoạt động học. Các em được tổ chức hoạt động theo nhóm thuận lợi cho việc bàn bạc, tranh luận, bày tỏ chính kiến để giải quyết yêu cầu của bài học nên lớp học khá sôi nổi.

Phó Trưởng Phòng Giáo dục trung học-Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Lan phân tích, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có rất nhiều tính ưu việt, trong đó có môn Ngữ văn. Tuy nhiên, có khó khăn là học sinh đang học chương trình cũ ở THCS, nay lên lớp 10 học chương trình mới, khác về cách học, cách ghi bài… nên các em cần thời gian để thích nghi.

Với chương trình cũ, học sinh học và được kiểm tra những bài đã học, vì vậy các em sẽ học thuộc lòng bài học để làm bài kiểm tra. Sang chương trình mới, với cách ra đề kiểm tra không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa, thì đây là một thử thách lớn đối với các em.

Cách ra đề này có tính phân hóa cao hơn. Một số học sinh thực sự chưa làm bài tốt dẫn đến điểm thấp hoàn toàn. Đối với các em làm bài chưa đạt yêu cầu, chưa hay, chưa sâu sắc, giáo viên cần tôn trọng mức độ cảm thụ của học sinh và tháo gỡ dần trong quá trình dạy học, giúp các em hiểu thêm và mau tiến bộ.

Em Phan Lê Quỳnh Như, học sinh lớp 10 Trường THPT Đông Hà chia sẻ, học Ngữ văn không còn là học về tác phẩm, tác giả thuần túy mà học sinh được học theo thể loại văn học. Sau khi học xong lý thuyết, người học có thể phân biệt được các thể loại văn học, cách thức phân tích từng thể loại…

Tương tự như các môn học khác, Ngữ văn cũng đòi hỏi học sinh trau dồi kỹ năng, biết phân tích, đánh giá vấn đề chứ không còn là học thuộc như học ở cấp THCS. Bản thân học khá tốt môn Ngữ văn ở cấp THCS, vì vậy Quỳnh Như rất thích thú với cách dạy, học môn học này ở lớp 10.

Qua theo dõi, các bài kiểm tra đầu học kỳ 1 thực sự học sinh còn nhiều lúng túng, nhưng bước sang học kỳ 2, các em bắt đầu thích nghi và tự tin hơn. Bà Lê Thị Lan nhìn nhận, cách dạy và học Ngữ văn theo chương trình mới đã tạo nhiều cảm hứng cho giáo viên và học sinh. Nhất là học sinh được thỏa sức cảm thụ, sáng tạo mà không phải bị bó buộc theo khuôn mẫu của tác phẩm như chương trình cũ.

Về việc sử dụng văn bản ngoài sách giáo khoa vào trong đề kiểm tra, bà Lê Thị Lan cho rằng điều này khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung và giúp học sinh có kỹ năng để phân tích một tác phẩm hoàn toàn mới.

Vấn đề này đồng thời cũng đặt ra đòi hỏi giáo viên phải luôn nâng cao trình độ, nắm vững vàng chương trình nếu không sẽ đánh giá học sinh không chính xác.

Để có ngữ liệu trong đề kiểm tra đảm bảo đánh giá đúng năng lực học sinh đặt ra cho giáo viên Ngữ văn một số yêu cầu như: đảm bảo tính khoa học, độ chính xác cao, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và có tính giáo dục.

Nguồn ngữ liệu ra đề rất phong phú, nhất là từ internet nhưng giáo viên cần cẩn trọng vì nhiều tài liệu chưa được kiểm chứng hoàn toàn. Với tính ưu việt của chương trình Ngữ văn mới và cách dạy, học đi đúng hướng, nhiều sáng tạo, hy vọng trong thời gian tới chất lượng môn Ngữ văn sẽ được nâng lên rõ rệt.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/giao-duc/mon-ngu-van-cua-chuong-trinh-moi-hoc-sinh-can-nhieu-thoi-gian-de-thich-nghi/175972.htm