Mồng 2 Tết năm 1937 về làng Hành Thiện(*)

Hồi ký Đặng Việt Châu

(BNĐ) - Sáng 9-4-2024 (tức ngày 1 tháng 3 âm lịch năm Giáp Thìn), bà Đặng Minh Châu (sinh năm 1943) con gái cố Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu (1914 – 1990) về dự lễ húy nhật Đức thủy tổ Đặng Chính Pháp - họ Đặng đại tôn làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Bà đã trao tặng một số tư liệu lịch sử, trong đó có hồi ức của cố Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu với cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Báo Nam Định trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một phần tư liệu này.

***

Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu (1914 – 1990).

Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu (1914 – 1990).

Ngày 2 Tết âm lịch, tôi qua anh Phạm Quang Thẩm, chúc Tết ông cụ thân sinh, Chánh tổng đương quyền và đến Hành Thiện gặp anh Đặng Xuân Khu mới được về ít lâu.

Vào nhà anh Thẩm tôi đã thấy rợn người vì phải lần theo một ngõ khá sâu trồng ruối dầy đặc. Nhà cụ Chánh tổng đương quyền mà! Con trai cả cụ lại là phó tổng. Cũng may mà hai nhà chúng tôi có chút thân thuộc nên được tiếp đón rất trọng vọng. Cả cụ Chánh già, ông Phó tổng, anh hai anh Thẩm và anh ngồi tiếp tôi (…). Cụ chánh bảo bóc bánh chưng ăn. Ngày Tết mà từ chối, sợ không được lòng gia đình, tôi phải ăn vài miếng, uống trà rồi chúc mừng cụ Chánh và toàn thể gia đình mọi sự an khang và cáo từ.

Anh Thẩm tiễn tôi một quãng xa. Tôi nói:

- Mình định rủ ông đi xuống nhà Đặng Xuân Khu mới về, nhưng xem chừng, ông khó rời nhà ngày Tết.

- Đúng thế, không đi được. Gặp Khu thì nói giúp mình có lời chúc Tết gia đình. Đến nhà Khu, chắc anh sẽ gặp Đặng Xuân Thiều nữa đấy!

Trước khi tạm biệt, tôi hỏi thêm anh: Mình nói chuyện với cụ Chánh (thân sinh anh) với ông Phó tổng và ông hai có gì thất thố không?

Anh Thẩm trả lời:

- Được! Ngày Tết thế là vui vẻ. Nhưng đến nhà Khu, nhớ ông cụ phong kiến lắm đấy nhé!

- Mình nghe Đặng Xuân Thiều cũng nói như vậy. Cụ ấm mà! Nên mình mang sẵn 1 bánh pháo, đến sân cho nổ trước khi vào nhà.

Ngạc nhiên thấy tôi đến một cách bất ngờ, anh Đặng Xuân Khu xiết tay hỏi:

- Sao biết nhà?

Tôi nói:

- Đặng Xuân Thiều đã kể cho nghe và sáng đến nhà Thẩm chúc Tết. Hắn gửi lời thăm anh và chúc Tết gia đình.

Anh Khu dắt tôi vào nhà, vừa bước chậm chạp vừa dặn:

- Ông cụ mình đầu óc phong kiến lắm! Cụ ngồi sập, tựa trên tráp kia, liệu lời nói chuyện.

Đoạn anh giới thiệu tôi với ông cụ thân sinh… Tôi và anh kéo ghế ngồi trước mặt. Cụ hỏi ngay:

- Ông ở Sơn La với anh nó nhà tôi đây à?

Tôi đáp lại:

- Thưa cụ, vâng! Cháu biết tin anh con mới về, xin tới chúc Tết cụ, gia đình và mừng anh con khỏe mạnh.

Cụ lại hỏi tiếp:

- Ông ở Nam Trực, vậy ở xã nào, dòng họ gì?

- Thưa cụ, cháu ở ngay huyện lỵ, dòng họ Đặng ạ!

- Thế thì cùng một họ với nhà tôi đấy.

- Cụ nhận như vậy thật vinh dự cho cháu quá.

- Thế mục đích ông làm cách mạng là gì?

- Thưa cụ, chắc anh Khu đã trình bày rõ với cụ rồi ạ! Chúng cháu là đàn em, chỉ biết bị người nước ngoài đè đầu cưỡi cổ, phải đứng lên đánh đuổi, rồi xây dựng nước nhà thành một nước dân chủ, văn minh không thua kém người.

Cụ nghe xuôi tai, nói thêm một tràng chữ Hán trong học thuyết Khổng Tử, tôi nghe lõm bõm, câu hiểu câu không. Chỉ biết là cụ nói: Cái gì Khổng Tử cũng đã đề cập đến, từ chỗ “Dân vi quý, quân vi khinh” đến thuyết “Đại đồng”. Còn tự phê bình, cụ cũng ví như thuyết “Tu thân”.

Tôi nghe chỉ vâng vâng, dạ dạ, không dám chêm gì thêm.

Cụ hài lòng về cuộc nói chuyện và bảo:

- Giờ đã muộn rồi, về đến Nam Trực không kịp, sẽ tối mịt. Ông ở lại ăn Tết với anh Khu nhà tôi!

Chợt anh Nguyễn Đức Nguyên tức Hậu tới thăm anh Khu, chúc Tết cụ và gia đình. Anh Khu giới thiệu anh Nguyên là cùng làm y tá ở Sơn La. Câu chuyện lại rộn lên vui vẻ.

Anh Đặng Xuân Thiều ở nhà đằng trước cũng sang. Cụ nói:

- Cháu gọi tôi bằng bác, ở Côn Đảo về từ tháng 8 đấy, các ông có quen không?

Tôi và anh Hậu (tức Nguyễn Đức Nguyên) tảng lờ:

- Thưa cụ, chúng cháu chưa biết nhau, giờ mới được làm quen.

Cụ gọi dọn cơm đãi khách rồi vào phòng nghỉ.

Bà Đặng Minh Châu (đứng giữa) trao tặng tư liệu của cố Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu cho đại diện dòng họ Đặng đại tôn làng Hành Thiện.

Bà Đặng Minh Châu (đứng giữa) trao tặng tư liệu của cố Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu cho đại diện dòng họ Đặng đại tôn làng Hành Thiện.

* *
*

Bốn chúng tôi ngồi ăn Tết với nhau vui vẻ. Cơm Tết khá thịnh soạn. Nhưng chuyện trao đổi giữa chúng tôi còn rôm rả hơn.

Tôi cùng anh Thiều và anh Nguyên kể lại với anh Khu, từ ngày về đã tìm nhau bàn tính việc hoạt động như thế nào? Sau khi thống nhất nhận định với nhau là quần chúng các nơi đều tốt, nhưng các cấp lãnh đạo từ tỉnh, huyện, xã đến các xí nghiệp ở tỉnh không đâu còn. Chúng tôi thành lập Ban liên tỉnh Hà - Nam - Ninh - Phủ Lý, phân công nhau người nào việc ở địa phương người ấy: Anh Thiều ở Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu và Trực Ninh; anh Hậu ở phía bên kia sông Trà Lý; anh Thẩm và anh Khóa Cư ở Thư Trì, Vũ Tiên, Kiến Xương và Tiền Hải; và tôi là Nam Trực trở lên thành phố Nam Định và các huyện phía trên. Ai biết cơ sở cũ đáng tin cậy ở đâu còn thì giới thiệu lại cho nhau để dễ liên lạc, bắt mối.

Ở Hà Nam, anh Thẩm có giới thiệu lại cho một số cơ sở cũ ở Bình Lục (Yên Đổ, Bối Cầu). Ở Ninh Bình, nhóm anh Ba Lòe tức Tạ Văn Cấp (cùng ở tù Sơn La) chưa liên lạc được.

Tôi kể cho anh Khu nghe việc đi Hải Phòng tìm mối nhưng tuyệt không thấy tin gì, việc đi Hà Nội gặp anh Đinh Xuân Nhạ và anh Phùng ở Côn Đảo mới về. Các anh ấy cũng đang tìm gặp nhau, chưa hình thành tổ chức gì.

Nói đến đây, ba chúng tôi nhân danh Ban liên tỉnh đề nghị anh Khu đứng ra kêu gọi thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ.

Anh Khu suy nghĩ vài phút rồi trả lời:

- Mình về qua Hà Nội gặp anh em báo Le Travail, họ yêu cầu ra cộng tác, mình đã nhận lời. Các anh đã tìm nhau hoạt động lại và xây dựng được tổ chức liên tỉnh. Vậy cứ thúc đẩy công tác, rồi sẽ gặp nhau cả…

Tối hôm mồng 2 Tết, tôi và anh Nguyễn Đức Nguyên nghỉ lại nhà anh Khu. Biết bao chuyện nhỏ to, thì thầm với nhau quá nửa đêm.

Sáng hôm sau ngủ dậy, vừa mới rửa mặt xong, cụ ấm lại sang thăm. Chúng tôi không quên chúc mừng cụ và gia đình một cách kính cẩn. Một loạt câu trong sách Trung dung của Khổng Tử lại được giảng giải. Tôi đã quen nghe từ hôm trước, còn anh Nguyên thì hơi ngỡ ngàng, cứ vâng dạ tràn. Vài phút anh Khu bước ra. Anh gọi người nhà cho ăn sáng. Bốn chiếc bánh chưng, hai đĩa giò, cùng 2 bát miến, đĩa dưa hành và chén nước mắm để chặt trên mâm. Anh Khu cho gọi anh Thiều sang. Bốn chúng tôi vừa trò chuyện vừa sắt bánh, gắp giò và hành ăn. Bánh chưng gói khéo, giò lại thơm, ngon, chúng tôi chẳng làm khách, ăn thật đẫy bụng mà cũng không hết.

Chén trà hơi thuốc phì phèo ít phút, anh Khu nhắc tôi và anh Nguyên sang chào cụ Tú Châu, mẹ đẻ anh Thiều. Hai chúng tôi thấy đã quá 8 giờ, xin phép chào cụ ấm để về luôn thể. Cụ ấm bước ra, cảm ơn chúng tôi đã tới vui xuân đầu năm mới với anh Khu và chúc năm mới nhiều sự may mắn.

Anh Nguyên và tôi, một lần nữa, kính chào cụ và anh Khu, rồi cùng anh Thiều sang chúc mẹ đẻ anh. Song qua nhà thì cụ Tú Châu đã ở bên cụ Hai Thêm. Cả 3 chúng tôi đều sang chúc mừng các cụ luôn thể…

Cụ Hai Thêm và cụ Tú Châu đã biết hôm trước chúng tôi đã ăn Tết bên nhà anh Khu nên chẳng đợi chúng tôi dứt lời chúc mừng năm mới, đã nói ngay:

- Đầu xuân các ông đã đến thăm nhà, còn gì vui bằng!

Với vẻ bình dân, nhưng rất phong nhã, cụ rót trà mời chúng tôi uống và bảo:

- Các ông cứ tự nhiên như ở nhà thôi.

Cụ hỏi chúng tôi bị giam mất bao nhiêu năm? Anh Thiều đỡ lời, giới thiệu chúng tôi và trình bày tên tuổi, quê quán từng người và nơi bị thực dân giam giữ. Cụ gật đầu khen ngợi. Rồi trong câu chuyện vui, cụ lộ cho biết khi còn trẻ, cụ cũng thuộc những nhà Nho theo phái Duy Tân.

- Bây giờ tuổi cao không làm được gì nữa thì đến lượt các ông./.

(*) Tên bài của Báo Nam Định.
Ảnh: Cơ sở cung cấp

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/dat-nuoc-con-nguoi/202404/mong-2-tet-nam-1937-ve-lang-hanh-thien-b76139e/