Mong chờ Luật Nhà giáo được thông qua
Sáng 6/5, trong chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.

Luật Nhà giáo thể hiện sự trân trọng, coi trọng nghề giáo, góp phần nâng cao vị thế nhà giáo trong xã hội. Ảnh: ITN
Trước sự kiện này, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục bày tỏ mong mỏi Luật Nhà giáo được thông qua và cho rằng đây là cơ hội quan trọng nhằm phát triển đội ngũ.
Khẳng định vị thế, vai trò, sứ mệnh nhà giáo
“Tôi mong Luật Nhà giáo sớm được thông qua”, cô Nguyễn Thị Oanh - Tổ trưởng Tổ Toán THCS, Trường THCS - THPT Phenikaa (Hà Nội) bày tỏ điều này và cho rằng, ban hành Luật Nhà giáo không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đối với ngành Giáo dục, mà còn khẳng định vị thế, vai trò và sứ mệnh đặc biệt của người thầy trong xã hội.
Luật sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên; đồng thời giúp xây dựng những chuẩn mực, yêu cầu rõ ràng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, tạo môi trường làm việc tốt hơn và công bằng hơn cho thầy cô.
19 năm trong nghề, cô Vũ Thị Anh - giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) cho biết, tổng lương và phụ cấp lương (đứng lớp, thâm niên nghề) hằng tháng nhận được là gần 13,6 triệu đồng. Với tình hình vật giá leo thang, con sắp vào đại học, việc thu vén với mức thu nhập này là khó khăn. Cũng giống như đồng nghiệp, cô Vũ Thị Anh mong mỏi Luật Nhà giáo được thông qua.
“Dự thảo Luật Nhà giáo quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đây là điều quan trọng nhằm động viên, khuyến khích nhà giáo cống hiến, “lăn xả” với nghề, nhưng chúng ta đã phấn đấu nhiều năm qua mà chưa thực hiện được.
Lương xứng đáng mới thu hút người có trình độ cao, tài năng, kỹ năng nghề cao; thu hút được nhà giáo tham gia giảng dạy ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn, giảm tình trạng ‘chảy máu chất xám’”, cô Vũ Thị Anh chia sẻ.
Khẳng định nhiều giáo viên mong muốn Luật Nhà giáo sớm được thông qua, bà Trần Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) đưa ra 4 lý do chính.
Thứ nhất, Luật Nhà giáo ra đời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng. Nhà giáo sẽ là một trong số ít những nghề nghiệp có luật quy định riêng.
Thứ hai, Luật Nhà giáo nâng cao vị thế, vai trò của nghề giáo; thể hiện sự trân trọng và coi trọng nghề giáo, góp phần nâng cao vị thế nhà giáo trong xã hội.
Thứ ba, Luật Nhà giáo bảo vệ quyền lợi của giáo viên: Luật quy định rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ, điều kiện làm việc, thu nhập, chế độ đãi ngộ, giúp giáo viên yên tâm công tác, tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp.
Thứ tư, khi có Luật, nhà giáo sẽ có cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển nghề nghiệp, được bảo vệ trước các thay đổi chính sách hoặc áp lực từ môi trường làm việc. Trước đây, nhà giáo cũng được tôn trọng và bảo vệ, nhưng khi có Luật Nhà giáo, họ sẽ có hành lang pháp lý bảo vệ để được tôn trọng hơn, xứng đáng với vị thế, sự quan tâm của toàn xã hội.

Cô trò Trường THCS - THPT Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: NTCC
Thúc đẩy phát triển đội ngũ
22 năm công tác tại vùng cao, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, ông Nguyễn Trọng Năm - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ, hiện chế độ đãi ngộ với giáo viên còn bất cập, đời sống nhà giáo vẫn khó khăn, tình trạng thiếu giáo viên hiện hữu. Thầy cô từ lâu mong Luật Nhà giáo được thông qua để khắc phục những khó khăn, hạn chế này.
Ông Nguyễn Trọng Năm đồng thời bày tỏ tâm đắc với Điều 6 trong dự thảo Luật Nhà giáo (chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo); Điều 8 (quyền của nhà giáo); Điều 25 (tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo); Điều 26 (chính sách hỗ trợ nhà giáo) và Điều 27 (chính sách thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo).
Là nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục ngoài công lập, từ thực tiễn Trường THCS - THPT Phenikaa, cô Nguyễn Thị Oanh cho rằng, một trong những chính sách quan trọng cần có để thúc đẩy sự phát triển đội ngũ nhà giáo là chế độ đãi ngộ hợp lý và cơ chế đào tạo, bồi dưỡng liên tục, thiết thực.
Chính sách này không chỉ giúp giáo viên đảm bảo đời sống ổn định, mà còn tạo cơ hội để phát triển nghề nghiệp. Khi giáo viên được ghi nhận xứng đáng và có điều kiện phát triển, họ sẽ toàn tâm toàn ý cống hiến, đổi mới phương pháp giảng dạy, sáng tạo trong công việc, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, theo cô Nguyễn Thị Oanh, việc xây dựng hệ thống bồi dưỡng, phát triển chuyên môn cho giáo viên bài bản, liên tục và phù hợp với thực tiễn giảng dạy vô cùng cần thiết.
Chương trình đào tạo không nên mang tính hình thức hay dàn trải, mà cần tập trung vào nâng cao năng lực sư phạm, đổi mới phương pháp giảng dạy, sử dụng công nghệ trong giáo dục và các kỹ năng cần thiết để giáo viên có thể đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh trong thời đại mới. Khi giáo viên được cập nhật kiến thức, kỹ năng thường xuyên sẽ tự tin hơn trong công việc và đóng góp vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
“Tôi tin khi được tôn vinh đúng nghĩa và tạo điều kiện thuận lợi trong công việc, thầy cô sẽ phát huy tối đa năng lực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp “trồng người””, cô Nguyễn Thị Oanh bày tỏ.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa Trần Thị Bích Hạnh thì nhận định, dự thảo Luật Nhà giáo đã có nhiều chính sách để phát triển đội ngũ; đặc biệt chính sách về bồi dưỡng nhà giáo và đãi ngộ.
Về bồi dưỡng nhà giáo, dự thảo nêu rõ có chính sách đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo; hỗ trợ tài chính hoặc tạo điều kiện cho nhà giáo học tập nâng cao trình độ; xây dựng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo để làm căn cứ đánh giá, bồi dưỡng.
Về chính sách đãi ngộ, dự thảo quy định chế độ tiền lương, phụ cấp, ưu đãi đặc thù cho nhà giáo. Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Hỗ trợ nhà ở, đi lại, điều kiện làm việc, nhất là với nhà giáo vùng khó khăn.
Đây cũng là điều kiện để giáo dục vùng khó, đặc thù có điều kiện phát triển cùng với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi hơn. Từ đó, thu hút được lực lượng giáo viên có chuyên môn tốt, nâng cao chất lượng giáo dục. Có cơ chế khen thưởng, vinh danh nhà giáo có thành tích xuất sắc; từ đó giúp mỗi nhà giáo quyết tâm lập thành tích, nâng cao đáng kể chất lượng đội ngũ.
Nhà giáo cũng được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp. Đây là điểm mới thể hiện sự đãi ngộ đối với nhà giáo. Sức khỏe thể chất cũng là điều kiện cần để thầy cô nâng cao chất lượng nghề nghiệp.
“Tất nhiên, đi đôi với chế độ đãi ngộ sẽ đòi hỏi mỗi nhà giáo về trách nhiệm, phải không ngừng nâng cao chất lượng công việc được giao”, bà Trần Thị Bích Hạnh cho hay.
Luật Nhà giáo nếu được thông qua sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề hiện nay trong nghề giáo, đặc biệt việc phân biệt rõ ràng giữa trách nhiệm và quyền lợi của giáo viên. Từ đó, tránh tình trạng giáo viên phải đối mặt với nhiều áp lực công việc nhưng không nhận được sự hỗ trợ tương xứng.
Hơn nữa, Luật sẽ là cơ sở để xây dựng hệ thống đánh giá, khen thưởng và xử lý công bằng, minh bạch, tạo động lực cho mỗi giáo viên không ngừng hoàn thiện bản thân, gắn bó lâu dài với nghề. - Cô Nguyễn Thị Oanh
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mong-cho-luat-nha-giao-duoc-thong-qua-post729893.html