'Mong cử tri cả nước cảm thông, Bộ GTVT đang rất quyết liệt'
Trong phiên chất vấn lĩnh vực ngành chiều 6/11, Bộ trưởng GTVT nhận được nhiều chất vấn nhất từ các đại biểu Quốc hội.
Liên quan đến vấn đề xây dựng và quản lý đường cao tốc, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng GTVT cho biết, việc đầu tư một số tuyến đường cao tốc không có làn xe, dừng xe khẩn cấp thì có phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc hay không và giải pháp của Bộ trong thời gian tới?
Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) nêu vấn đề, tại sao nhiều tuyến đường cao tốc đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80 km/giờ, như vậy là chưa tối ưu vận tải và giảm thiểu thời gian lưu thông. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, thời gian tới có điều chỉnh gì đối với tốc độ ở đường cao tốc.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) cho biết, hiện nay đường cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận gần 200 km chưa bố trí trạm dừng chân. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ giải quyết vấn đề này ra sao.
Trả lời chất vấn liên quan đến vấn đề xây dựng cao tốc, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, giai đoạn 2021-2026, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Trong nhiệm kỳ này đã dành trên 375.000 tỷ đồng để triển khai xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu là xây đường cao tốc. Tuy nhiên, theo nhu cầu thì mới chỉ đạt 70%. Do đó, việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó khả thi.
Theo Bộ trưởng, nhiều nước phát triển cũng đều phải thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các tuyến đường cao tốc. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm các nước, Bộ đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo nguyên tắc để đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng cũng tạo tiền đề và sự thuận lợi trong giai đoạn sau khi có nguồn lực để nâng cấp.
Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ KH&ĐT tham mưu báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét bổ sung danh mục, nguồn vốn tăng thu ngân sách 2022 để mở rộng hai tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và La Sơn – Hòa Liên.
Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành địa phương đề xuất hoàn thiện các đoạn tuyến cao tốc còn lại theo quy hoạch, ưu tiên các tuyến mới có 2 làn xe, có lưu lượng lớn để đảm bảo cả nước có hệ thống đường cao tốc đồng bộ, hiện đại.
Bộ trưởng GTVT khẳng định, việc xây dựng cao tốc 2 làn xe hay 4 làn xe hiện đối với tiêu chuẩn của Việt Nam là phù hợp. Còn vấn đề quy chuẩn đường cao tốc thì Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT xây dựng quy chuẩn của Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 1/2024.
Trả lời đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình), Bộ trưởng GTVT cho biết, hiện Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 giới hạn tốc độ là 120 km/giờ, 100 km/giờ, 80 km/giờ và 60 km/giờ. Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh theo quy hoạch thì có thể chạy tối đa 120km/giờ như tuyến Hạ Long – Móng Cái, Hà Nội – Hải Phòng.
Từ đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã cho nghiên cứu rà soát các tiêu chuẩn có phù hợp với thực tế hay chưa và kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các tuyến quy định 80 km/giờ có thể nâng lên 90 km/giờ. Bộ GTVT đã điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến năm 2024 có thay đổi giới hạn tốc độ tối đa.
Liên quan đến việc chưa có trạm dừng nghỉ trên cao tốc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai.
Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, việc triển khai các tuyến cao tốc thực hiện theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”; vừa xây dựng đường cao tốc vừa rà soát lại các quy định trạm dừng nghỉ nhưng gần như hành lang pháp lý không có gì. Vì vậy, Bộ GTVT đã rất quyết liệt, khẩn trương trong việc ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa - trước đây chưa có.
Đến nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng báo cáo, trên các tuyến cao tốc giai đoạn 1 đưa vào đã bắt đầu đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Ông khẳng định, 9 trạm dừng nghỉ thuộc giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2023 - 2024, còn 15 trạm của giai đoạn 2 chắc chắn sẽ đảm bảo tiến độ, tức là khi đưa vào tất cả các tuyến cao tốc giai đoạn 2 sẽ có đầy đủ trạm dừng nghỉ với quy mô khang trang và phù hợp thông lệ quốc tế.
"Mong đại biểu và cử tri cả nước cảm thông cho. Bộ GTVT đang rất quyết liệt để làm bù. Giai đoạn 2 phải xong và hoàn tất cho cả giai đoạn 1. Cái này cũng sẽ được đưa vào quy chuẩn và trình Chính phủ trong quý 1 năm 2024, gồm cả quy chuẩn đường cao tốc để sau triển khai dễ dàng hơn", ông Thắng nói.