Mong đợi cuộc cải cách tiền lương
Năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương với mục tiêu 'tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động'. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 ập đến khiến lộ trình cải cách gác lại, việc tăng lương tối thiểu cũng lỗi hẹn tới 3 lần.
Mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng áp dụng từ ngày 1/7/2019 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, liên tục trong các năm 2000, 2001, 2022, mốc 1/7 từ chỗ “khao khát đợi chờ” lại trở thành tâm tư, nỗi niềm của công chức, viên chức, người lao động. Nếu tính theo lộ trình tới 1/7/2023 mới điều chỉnh thì đây là quãng thời gian dài nhất suốt mấy chục năm qua khi 4 năm ròng, lương cơ sở “đóng băng”! Tác động khách quan của đại dịch là rõ ràng nhưng nhìn giá cả trượt đều hằng năm, các mức đóng góp từ học phí, viện phí, lệ phí đến giá mua lương thực, thực phẩm đều tăng thì việc 4 năm liên tục giữ nguyên mức lương cơ sở gây khó khăn, áp lực rất lớn đến đời sống người hưởng lương. Chuỗi đình trệ này diễn ra sau khi Nghị quyết 27 được ban hành, vốn tạo sự kỳ vọng từ năm 2021, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động “có thể sống được bằng lương”, trong đó nhiều lĩnh vực được tính toán sẽ tăng lên đáng kể.
Nếu nhìn vào bảng lương hiện tại rồi nhân với hệ số lương cơ sở là 1,49 triệu đồng thì lương của một sinh viên ra trường vào làm việc ở cơ quan nhà nước (hệ số 2,34) chỉ vào khoảng 3,5 triệu/tháng. Số tiền này chỉ đủ để thuê phòng trọ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hoặc chỉ đủ để ăn cơm bình dân cho một người trong một tháng. Trong khi đó, mức các gia đình trả công cho người giúp việc tại thành phố lớn hiện vào khoảng 6-8 triệu đồng/tháng, tức gấp đôi lương cử nhân mới đi làm. Và, nếu so sánh với chi phí học tập của một người từ nhỏ đến bậc đại học lại càng trớ trêu: Trẻ mầm non chi phí ăn bán trú và học tại trường ở các các thành phố lớn, mức bình quân khoảng 2-3 triệu đồng với trường công, còn nếu tư thục cao gấp 2-3 lần. Các bậc tiểu học, THCS, THPT, chi phí học tập, ăn bán trú, các khoản đóng góp hằng tháng bình quân cũng 3-5 triệu đồng, chưa tính các trường quốc tế, trường chất lượng cao còn vượt nhiều lần. Như vậy, một đứa trẻ từ mầm non đến THPT, rồi đại học thì chi phí thực tế cho chính các em ăn học vượt xa mức lương được hưởng sau khi tốt nghiệp đại học đi làm cơ quan nhà nước và chỉ bằng 50% so với thu nhập của người giúp việc! Đây là một nghịch lý, hay đúng hơn là một bi kịch của người hưởng lương. Làm sao có thể lý giải, con đường tích lũy, dùi mài tri thức để khi trưởng thành, các em dùng tri thức đó trước hết để đảm bảo ngành nghề, cuộc sống cho chính mình, sau nữa là tập thể, xã hội. Vậy mà mức lương, thu nhập sau 22 năm lại không đủ trang trải cho chính bản thân như mức chi phí ngay từ bậc mầm non, mẫu giáo, tiểu học (!?). Khi chủ trương cải cách tiền lương được đưa ra, chúng ta đặt mục tiêu mức lương tối thiểu của cử nhân ra trường, đi làm phải tăng ít nhất 1,5 lần so với hiện nay để đáp ứng mức sống “sàn”, sau nữa sẽ tăng theo thời gian làm việc và khả năng đóng góp, lao động của người hưởng lương.
Bởi vậy, tại kỳ họp Quốc hội lần này, câu chuyện tăng lương, điều chỉnh lộ trình cải cách tiền lương lại làm nóng nghị trường. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc cải cách chính sách tiền lương là thực sự cần thiết, người lao động “đã mong chờ điều này từ lâu”. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chúng ta mơ ước từ lâu rồi và đã 3 lần lỗi hẹn với cán bộ, công chức, viên chức về cải cách chính sách tiền lương.
Năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết 28- NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Người dân, người lao động rất hồ hởi, rất chờ đợi ở nghị quyết mới nhưng “như tôi nói, chúng ta đã 3 lần lỗi hẹn rồi, theo dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2021 nhưng vì dịch nên tạm dừng”. Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này đã chín muồi để cải cách chính sách tiền lương. Nếu cải cách chính sách tiền lương theo như lộ trình của Nghị quyết 27 thì cần khoảng 248 nghìn tỷ đồng. Bộ trưởng nêu thực tế, kỹ sư ra trường lương khởi điểm 3,5 triệu đồng trong khi đó mức lương tối thiểu vùng thấp nhất hiện cũng đã 3,6 triệu và vừa qua điều chỉnh đã lên 4,2 triệu.
Theo khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại TP Hồ Chí Minh, bình quân để một người dân tại thành phố “sống được” là 6,5-7 triệu đồng, trong khi kỹ sư ra trường chỉ 3,5 triệu đồng, tức mới chỉ đáp ứng được một nửa, còn một nửa muốn lo ăn, lo ở thì phải đi làm thêm hoặc tiếp tục xin trợ giúp từ gia đình như khi còn sinh viên. Bởi sự trái khoáy đó, thực tế việc nuôi con ăn học không phải đến 22 tuổi như nhiều cơ quan chức năng tính toán mà gia đình còn phải nuôi ngay cả khi các sinh viên này ra trường, đi làm nhiều năm, thậm chí rất nhiều năm. Mức lương của công chức, viên chức hiện nay chỉ đạt 50% mức sống tối thiểu, trong khi giờ hành chính mà công chức, viên chức đã chiếm trọn nên để tính toán thời giờ làm thêm, làm ngoài là không dễ dàng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định. Khi chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương thì sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, song 3 năm qua (2019-2022), đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nên chưa thực hiện được.
Với đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng kể từ 1/7/2023, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá là “rất hợp lý, tạo ra được động lực mới, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc”. Mức điều chỉnh khoảng 20,8% được cho là đang tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương bởi khung cải cách tiền lương dự kiến thấp nhất so với mức lương hiện hành tăng khoảng 29%, mức cao nhất khoảng trên 40%.
“Nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển tốt và năm 2024 tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như năm 2020, 2021, 2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.
Nhìn lại lộ trình từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã 13 lần điều chỉnh tăng mức lương cơ sở chung từ 210.000 đồng lên 1,49 triệu đồng/tháng, thu gọn hệ thống bảng lương, rút bớt số bậc và mở rộng khoảng cách giữa các bậc lương. Tuy nhiên, mức thu nhập thực tế còn phải trừ vào mức tăng chỉ số giá tiêu dùng.
Trên một diễn đàn, có người đặt câu hỏi “500.000 đồng vào thời điểm 2003 (thời điểm phát hành tiền mệnh giá 500.000 đồng) so với bây giờ, chênh lệch là bao nhiêu?”. Nếu tính theo lương cơ sở năm đó là 210.000 đồng, nay là 1,49 triệu đồng, tức tăng khoảng 7 lần.
Nếu tính tổng “rổ rá” để tính toán lạm phát thì giá cả chung chỉ tăng 2-3 lần, tức mức tăng lương cơ sở vẫn cao gấp 2-3 lần sau khi trừ lạm phát. Tuy nhiên, ở những mặt hàng liên quan trực tiếp đến chi tiêu đồng lương hằng ngày thì lạm phát lại rất cao. Một so sánh cho thấy, giá một tô phở hoặc một suất cơm bình dân năm 2002, 2003 tại Hà Nội khoảng 6.000- 7.000 đồng thì sau 20 năm, mức tăng đã gấp 7-8 lần. Giá thuê phòng trọ, học phí, lệ phí, cước tàu xe cũng tăng tương tự. Đây đều là những thứ chi tiêu thiết yếu của người dân, liên quan trực tiếp đến đồng lương. Như vậy, với mức lương cơ sở tăng lên khoảng 7 lần trong 20 năm cũng chỉ tương đương mức tăng lương thực, thực phẩm, học phí, lệ phí, cước tàu xe. Với những mặt hàng như điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng có mức tăng khá thấp, nhiều mặt hàng còn sụt giảm so với giá ngoại tệ.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 nêu rõ, chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003. Bên cạnh kết quả đạt được, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động; quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/mong-doi-cuoc-cai-cach-tien-luong-i673850/