Mong manh lệnh ngừng bắn Ấn Độ - Pakistan: Bước đệm cho hòa bình?
Ấn Độ và Pakistan đã xuống thang trước khi xung đột biến thành chiến tranh toàn diện. Dù đạt được thỏa thuận ngừng bắn sau vài ngày giao tranh dữ dội, những yếu tố căn bản gây mẫu thuẫn giữa hai nước vẫn tồn tại.
Giới quan sát cho rằng, cần có những nỗ lực lớn hơn nữa từ cả Ấn Độ và Pakistan, dưới vai trò trung gian tích cực của Mỹ và các đối tác quốc tế khác nhằm đảm bảo rằng giao tranh không tái bùng phát, đồng thời tập trung cho việc xây dựng một nền hòa bình bền vững hơn.

Máy bay của không quân Pakistan. Ảnh: Air power Asia.
Dù lệnh ngừng bắn được giới chuyên gia và các nhà ngoại giao từ cả hai quốc gia xem là bước hạ nhiệt đáng hoan nghênh, song chặng đường để Pakistan và Ấn Độ đi tới hòa bình lâu dài vẫn còn nhiều thách thức. Lệnh ngừng bắn có khả năng sẽ được duy trì trong ngắn hạn, chủ yếu do sức ép quốc tế cũng như sự thừa nhận của cả hai nước về cái giá phải trả của việc leo thang căng thẳng. Nhưng nhiều vấn đề căn bản khác, bên cạnh chủ nghĩa dân tộc tôn giáo ăn sâu bén rễ, thì khủng bố và an ninh nguồn nước đang đặt ra những thách thức dài hạn cho mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Ấn Độ và Pakistan.
Thực tế hai nước đều đã có những hành động leo thang quân sự để thử thách quyết tâm của nhau và đánh giá khả năng phòng thủ của đối phương. Hơn nữa, việc Ấn Độ đình chỉ Hiệp ước về nước và lệnh cấm thương mại, cùng với những khó khăn kinh tế của Pakistan, có thể tiếp tục là nguồn cơn gây căng thẳng. Đại sứ Pakistan tại Liên hợp quốc Asim Iftikhar Ahmad mô tả việc đình chỉ hiệp ước là “mối đe dọa hiện hữu” đối với người dân Pakistan.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Muhammad Aurangzeb khẳng định: “Nước không nên bị biến thành vũ khí. Đó là lập trường của chính phủ chúng tôi. Và tất nhiên, nó có tác động đến chúng tôi. Lưu vực sông Ấn trong nền nông nghiệp của Pakistan, theo tôi nghĩ, đó là xương sống của chúng tôi. Nó hỗ trợ khoảng 80% diện tích đất được tưới tiêu của cả nước. Khoảng 90%, bạn biết đấy, là giỏ thực phẩm của chúng tôi.”
Hiện tại, quân đội cả hai nước vẫn trong tình trạng báo động cao, và nguy cơ bùng phát thêm xung đột vẫn còn tiềm ẩn. Ông Michael Kugelman, một nhà phân tích về Nam Á đang làm việc tại Washington, nhận định, Ấn Độ có thể không mấy hứng thú với việc đàm phán và việc duy trì lệnh ngừng bắn sẽ đặt ra những thách thức.
Bản thân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm qua vẫn khẳng định sẽ có hành động thích đáng nếu xảy ra thêm các vụ việc gây tổn hại đến an ninh quốc gia: “Nếu Pakistan muốn được cứu, họ sẽ phải phá hủy cơ sở hạ tầng khủng bố của mình. Không có cách nào khác để đạt được hòa bình. Lập trường của Ấn Độ rất rõ ràng, khủng bố và đàm phán không thể đi cùng nhau, khủng bố và thương mại không thể đi cùng nhau. Nước và máu không thể chảy cùng nhau. Chiến dịch Sindoor đã vạch ra một ranh giới mới trong cuộc chiến chống khủng bố, thiết lập một chuẩn mực mới. Nếu có một cuộc tấn công khủng bố vào Ấn Độ, một phản ứng mạnh mẽ và phù hợp sẽ được đưa ra. Chúng tôi sẽ phản ứng theo cách của riêng mình, theo điều kiện của chúng tôi. Chúng tôi sẽ hành động nghiêm khắc ở mọi nơi mà gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố xuất hiện".
Bà Elizabeth Threlkeld, Giám đốc bộ phận Nam Á tại Trung tâm Stimson, đề cao sự cần thiết của việc duy trì cam kết đối với thỏa thuận ngừng bắn và nỗ lực ngăn chặn mọi hành vi vi phạm. Chuyên gia này cho rằng cần có những nỗ lực lớn hơn từ cả hai bên, mà không thể thiếu đi vai trò trung gian hòa giải của Mỹ và các đối tác khác.
Các nhà phân tích ngoại giao nhận định, sự hòa giải của Mỹ đã tạo ra một lối thoát cần thiết cho cả Ấn Độ và Pakistan. Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Meera Shankar cho rằng, Mỹ đã đóng một vai trò hữu ích trong việc khiến Pakistan đồng ý ngừng bắn. Bên cạnh Mỹ, Saudi Arabia và Iran cũng nổi lên như những bên trung gian quan trọng, tận dụng mối quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ với cả Ấn Độ và Pakistan. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ duy trì liên lạc với cả Ấn Độ và Pakistan, sẵn sàng đóng vai trò hỗ trợ trong việc góp phần giúp xóa bỏ hiềm khích giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á, duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.