Mong ước giản dị của những nữ lao động tự do trong ngày 8/3

Với nhiều người phụ nữ làm nghề lao động tự do, dù có ngày 8/3 hay không, cuộc sống vẫn xoay vần với những gánh nặng mưu sinh. Họ vẫn phải dậy sớm, tất bật với công việc bán hàng rong, bốc vác, quét rác, hay làm công nhân trong những khu công nghiệp.

Như bao người phụ nữ khác vào ngày 8/3, chị Tình (38 tuổi) cũng thích được nhận quà, nhưng hơn hết, chị mong bản thân mình và những người thân yêu sẽ có thật nhiều sức khỏe để có thể làm được hết tất cả mọi việc.

Với công việc hằng ngày là bán hoa trên chiếc xe máy, rong ruổi khắp các con phố của Hà Nội, chị Tình mong rằng, ngày 8/3 sẽ giúp mình bán được nhiều hoa hơn. Để chị có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt thường nhật.

Chị Tình mong bản thân mình và những người thân yêu sẽ có thật nhiều sức khỏe. Ảnh: Quỳnh Mai.

Chị Tình mong bản thân mình và những người thân yêu sẽ có thật nhiều sức khỏe. Ảnh: Quỳnh Mai.

"Ngày 8/3 thỉnh thoảng cũng được ông xã tặng hoa, nhưng mình thấy không quan trọng lắm. Mong ước lớn nhất vẫn là gia đình hạnh phúc, có thật nhiều sức khỏe để làm việc, kiếm thật nhiều tiền về lo cho gia đình", chị Tình nói.

Giống với chị Tình, bà Vân (73 tuổi) cho biết, vì tuổi đã cao lại không có nguồn thu nhập ổn định nên bà không ước mong gì khác ngoài sức khỏe.

"Tôi không có mong ước gì cao sang trong ngày 8/3 cả. Chỉ mong luôn mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, còn quà cáp thì tôi không nghĩ đến. Kể ra chồng con mà không quan tâm thì cũng chạnh lòng, nhưng cuộc sống khó khăn thì chỉ cầu mong sức khỏe thôi", bà Vân nói.

Còn chị Vũ Thị Hằng (47 tuổi) cho hay, ngày nào cũng vậy, vào 5h sáng chị có mặt tại khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) để bán đồ ăn sáng. Để có được mẻ xôi, cháo như ý, chị thường thức dậy từ 2 giờ sáng để chuẩn bị.

May mắn hôm nay gánh hàng của chị Hằng bán nhanh hết hơn mọi ngày, chị được về để chăm lo cho tổ ấm của mình sớm hơn một chút.

Cô Vân tuổi đã cao lại không có nguồn thu nhập ổn định nên cũng không mong ước gì khác ngoài sức khỏe. Ảnh: Quỳnh Mai.

Cô Vân tuổi đã cao lại không có nguồn thu nhập ổn định nên cũng không mong ước gì khác ngoài sức khỏe. Ảnh: Quỳnh Mai.

Chị Hằng chia sẻ: "Các con tôi đã lớn nên chúng cũng biết quan tâm đến mẹ nhiều hơn. Ngày 8/3 hay 20/10 chúng thường mua những món quà nho nhỏ để tặng mẹ. Dù không đáng bao nhiêu tiền nhưng khi được các con nhớ đến thì thực sự thấy rất vui.

Phụ nữ nào cũng thích hoa, thích quà, nhưng nếu được ước thì tôi chỉ mong cả gia đình mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc. Đó chính là món quà vô giá, món quà to lớn nhất không gì sánh bằng".

Đôi tay thoăn thoắt làm công việc bốc vác gạch tại các công trình xây dựng, chị Vui (50 tuổi) cho biết, với công việc này nếu chăm chỉ mỗi ngày cũng giúp chị kiếm được vài trăm nghìn đồng. Với nhiều người phụ nữ, khi bước vào tuổi ngũ tuần họ sẽ làm những công việc giản đơn, nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe. Nhưng chị Vui vẫn đang hàng ngày cố gắng cần mẫn, chăm chỉ "nhặt nhạnh" từng đồng để lo cho gia đình, để các con "được nhờ".

"Tôi chỉ mong luôn có sức khỏe tốt, mọi điều sẽ như ý của mình. Phải có sức khỏe để con cháu còn được nhờ. Chứ tôi chẳng bao giờ có quà 8/3 đâu, chỉ mong mỗi sức khỏe thôi…", chị Vui vừa làm vừa nói.

Những ngày này trên các con phố của Hà Nội dường như nhộn nhịp, sôi động hơn vì ngập tràn các điểm bán quà tặng cho ngày 8/3. Tuy nhiên, không phải người phụ nữ nào cũng mong chờ sẽ nhận được những món quà, vì quà có giá trị như thế nào thì đối với họ cũng không thể quan trọng hơn gia đình. Gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc có lẽ chính là điều mong ước lớn nhất trong ngày 8/3 của những người phụ nữ đang phải vất vả mưu sinh.

Video: Mong ước của những người phụ nữ lao động tự do trong ngày 8/3

Mong ước của những người phụ nữ lao động tự do trong ngày 8/3.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mong-uoc-gian-di-cua-nhung-nu-lao-dong-tu-do-trong-ngay-8-3-169240305140607.htm