Moscow và Caracas thảo luận về các dự án khí đốt mới ở Venezuela
Hãng thông tấn Nga RIA đưa tin hôm Chủ nhật (19/11) rằng công ty Gazprom của Nga và công ty dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA đang thảo luận về hợp tác trong các dự án khí đốt mới ở Venezuela và quyết định dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.
Yvan Gil Pinto, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Venezuela, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RIA: “Chúng tôi hiện đang ở một giai đoạn hợp tác mới, chủ yếu liên quan đến các vấn đề liên quan đến thăm dò và khai thác các mỏ khí đốt mới. Những vấn đề này sẽ được quyết định trong những tuần tới”.
Tại một buổi họp báo ở Moscow, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Venezuela Yvan Gil Pinto cho biết với người đồng cấp Nga, Sergey Lavrov: Venezuela phản đối việc lạm dụng quyền hạn của các tổ chức tư pháp quốc tế nhằm “tấn công” các quốc gia trên thế giới.
Cụ thể, ông Pinto dẫn ví dụ về Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hợp Quốc. Theo Bộ trưởng, tổ chức này “đang lạm dụng quyền lực trong trường hợp của Venezuela”. Ông giải thích: "Phó Tổng thống của chúng tôi [Delcy Rodriguez] đã có mặt tại một cuộc họp ngày hôm qua về [vùng lãnh thổ tranh chấp] Guayana Esequiba. Guyana đang cố gắng sử dụng Tòa án Công lý Quốc tế nhằm ngăn cản người dân Venezuela bày tỏ ước nguyện của họ thông qua cuộc trưng cầu dân ý ngày 3/12 sắp đến về chủ quyền Esequiba". Theo ông, hành động của Guyana cho thấy "các thể chế tư pháp quốc tế đã bị lạm dụng đến mức nào, thay vì bảo vệ quyền của người dân".
Xung đột giữa Venezuela và Guyana về quyền sở hữu vùng lãnh thổ rộng 159.500 km2 mang tên Guayana Esequiba đã diễn ra trong nhiều năm. Khu vực này chiếm hơn 2/3 diện tích của Guyana; là nơi sinh sống của 283.000 người. Vào năm 2015, tranh chấp leo thang khi Guyana phát hiện ra những mỏ dầu chứa ít nhất 10 tỷ thùng dầu. Hơn nữa, Guyana đã cấp phép cho ExxonMobil khai thác dầu từ khu vực thềm lục địa có ranh giới không xác định. Vào tháng 9, bảy công ty đa quốc gia khác, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc, QatarEnergy và TotalEnergies, đã được chính phủ Guyana cấp giấy phép thăm dò ngoài khơi.
Vào tháng 4, Tòa án Công lý Quốc tế của Liên Hợp Quốc đưa phán quyết công nhận thỉnh cầu của Guyana về việc phân định biên giới giữa hai nước. Theo đó, dựa trên phán quyết của trọng tài Paris năm 1899, dưới áp lực từ Vương quốc Anh, 90% lãnh thổ tranh chấp sẽ được trao cho Guyana - tiền thân là thuộc địa của Anh và hiện là thành viên Khối thịnh vượng chung. Venezuela, quốc gia xem Guayana Esequiba là lãnh thổ hợp pháp của mình, tin rằng cuộc tranh chấp này không thuộc thẩm quyền xử lý của Tòa án Công lý Quốc tế Liên Hợp Quốc. Nước này đòi phân định biên giới thông qua đàm phán trực tiếp với Guyana, như theo quy định trong Thỏa thuận Geneva năm 1966.