Một bệnh nhân nhiễm virus trong 49 ngày nhưng có rất ít triệu chứng

Các nhà khoa học Trung Quốc nêu khả năng virus corona có biến thể mới, có tác hại nhẹ hơn nhưng ở trên người bệnh lâu hơn, dựa vào một ca nhiễm Covid-19 'mạn tính' khác thường.

Kết quả nghiên cứu trên, nếu chính xác, sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong việc chống dịch. Các nhà khoa học cảnh báo rằng có thể có những người ủ bệnh một cách “mạn tính” như vậy trong cộng đồng và có khả năng lây bệnh cho người khác rất lâu, có thể gây ra các đợt bùng phát dịch mới, theo South China Morning Post.

Bệnh nhân khác thường nói trên là một người đàn ông trung niên, không có triệu chứng nặng, nhưng nhiễm bệnh trong thời gian rất dài là 49 ngày.

Dường như bệnh nhân này đã “cân bằng” với virus, khi tải lượng virus trong người là khá cao, nhưng đồng thời các chỉ số về miễn dịch vẫn ổn định.

“Virus và cơ thể bệnh nhân thậm chí có thể đã hình thành quan hệ cộng sinh”, theo nhóm nghiên cứu từ các trường Đại học Quân Y Trùng Khánh, Bệnh viện 967 của quân đội Trung Quốc ở Đại Liên, và Bệnh viện Đa khoa của quân đội ở Vũ Hán.

Cơ thể bệnh nhân không thể loại bỏ được virus corona bằng các phác đồ điều trị thông thường, và anh ta vẫn có thể lây cho người khác. Cuối cùng, anh ta được truyền plasma từ bệnh nhân đã khỏi bệnh. Xét nghiệm chất dịch ở mũi, họng cho kết quả âm tính hai ngày sau.

 Một số nghiên cứu gần đây đã nhắc đến các biến thể mới của virus corona. Ảnh: AFP.

Một số nghiên cứu gần đây đã nhắc đến các biến thể mới của virus corona. Ảnh: AFP.

Đây là trường hợp nhiễm virus lâu nhất đối với một bệnh nhân vượt qua Covid-19. Các khảo sát lâm sàng trước đó cho thấy thời gian nhiễm virus trung vị của bệnh nhân khỏi bệnh là 20 ngày, thời gian dài nhất là 37 ngày. Thường ca bệnh càng lâu càng là ca bệnh nặng.

Người đàn ông này lại chỉ bị sốt nhẹ, không ho, cảm thấy lạnh, khó thở hay các triệu chứng khác của Covid-19. Ảnh chụp CT cho thấy những vùng viêm ở phổi, nhưng biến mất chỉ vài ngày sau khi nhập viện, còn thân nhiệt cũng trở về bình thường.

Xét nghiệm ARN vẫn cho kết quả dương tính và tải lượng virus cao, tương tự những bệnh nhân nặng, tức bệnh nhân có khả năng lây cho người khác kéo dài.

“Như vậy ca bệnh này có thể đã là một ca mãn tính nếu không được chữa khỏi nhờ truyền plasma”, các nhà nghiên cứu nói.

Một phụ nữ cao tuổi là người nhà của bệnh nhân cũng dương tính với Covid-19. Dù có nguy cơ cao do tuổi và bệnh nền, bà lại hồi phục nhanh hơn những người cùng tuổi. Không có ca dương tính nào khác trong số những người từng tiếp xúc gần với gia đình.

Các nhà khoa học cho rằng các thông tin trên có thể là chỉ dấu cho thấy đang có thêm biến thể mới của virus, gây tác hại nhẹ hơn và khó lây lan hơn, nhưng sẽ kéo dài, khó chữa khỏi.

Họ cảnh báo có thể có thể có thêm các “bệnh nhân nhiễm virus mãn tính” như trên, thường bị bỏ qua vì triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn có thể lây cho người khác và gây ra các đợt bùng phát mới.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-benh-nhan-nhiem-virus-trong-49-ngay-nhung-co-rat-it-trieu-chung-post1067251.html