Một 'Bộ tứ' mới?
Trong bài viết trên tờ Indian Express ngày 20/10, chuyên gia chính trị quốc tế C. Raja Mohan phân tích về khả năng hình thành một 'Bộ tứ' mới ở Tây Á.
Ông Raja Mohan - hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á (Đại học Quốc gia Singapore) cho rằng, cuộc gặp đầu tiên giữa các ngoại trưởng Ấn Độ, Israel, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Mỹ hôm 19/10 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cam kết của New Delhi với Trung Đông.
Điểm cộng về hợp tác nhóm
Quan hệ hợp tác “tiểu đa phương” này cho thấy Ấn Độ đã sẵn sàng để chuyển từ các mối quan hệ song phương được tiến hành riêng rẽ sang chính sách khu vực khu vực tích hợp.
Cũng như ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tại Trung Đông, các liên minh khu vực sẽ giúp New Delhi mở rộng phạm vi tiếp cận cũng như tăng cường ảnh hưởng.
Theo nhà bình luận Raja Mohan, người đầu tiên đề xuất ý tưởng về một Hiệp ước Ấn Độ-Abraham giữa Ấn Độ, UAE và Israel là một học giả người Ai Cập làm việc tại Mỹ, ông Mohammed Soliman.
Năm ngoái, Hiệp ước Abraham không nhận được sự tán thành rộng rãi. Một số người chỉ trích hiệp ước này là một phần của mánh khóe ngoại giao của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump. Một năm sau, có thể thấy Tổng thống Joe Biden đã chấp nhận sáng kiến chính trị mang tính đột phá của Trump ở Trung Đông.
Cũng như trong chính sách với Trung Quốc và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhà Trắng đang xây dựng chính sách Trung Đông dựa trên di sản của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, một khác biệt quan trọng là ông Biden tiếp tục nhấn mạnh vào "giải pháp hai nhà nước" cho tranh chấp giữa Israel và Palestine.
Ở Israel, ông Naftali Bennett lên nắm quyền chính phủ mới, thay thế triều đại 12 năm của nhà lãnh đạo kỳ cựu Benjamin Netanyahu. Ông Bennett đang hứa hẹn sẽ "thu hẹp xung đột" với Palestine.
Trong khi đó, hợp tác kinh tế và công nghệ giữa Israel và UAE đang có bước nhảy vọt. Các chính sách ôn hòa của ông Biden và ông Bennett cũng như mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Israel và UAE có lợi cho các chính sách của Ấn Độ trong khu vực này.
Ông Raja Mohan đánh giá, một trong những thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng gần đây của Ấn Độ là thúc đẩy mở rộng hợp tác với Israel và thế giới Arab.
Trước đây, giới hoạch định chính sách Ấn Độ tin rằng điều này là không thể. Chủ nghĩa thực dụng trong chính sách đối ngoại mới của Ấn Độ đã phá vỡ định kiến đó và chứng tỏ tính khả thi của chính sách can dự “phi ý thức hệ” với Trung Đông.
Vẫn còn quá sớm
Tuy nhiên, theo chuyên gia Raja Mohan, thời điểm này có lẽ vẫn còn quá sớm để gọi hợp tác “tiểu đa phương” giữa Ấn Độ, Mỹ, UAE và Israel là "Bộ tứ" mới ở Trung Đông. Việc tìm thấy nội hàm hợp tác và phát triển cho nhóm này sẽ cần một khoảng thời gian nhất định. Thực tế cho thấy, phải mất khá nhiều nỗ lực để xây dựng nhóm Bộ tứ (Quad) ở phía Đông giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Vậy nội hàm hợp tác mà nhóm này có thể phát triển là gì?
Giống như Bộ tứ phía Đông, ông Raja Mohan nhận định việc các liên minh “tiểu đa phương” mới ở Trung Đông tập trung vào các vấn đề phi quân sự như thương mại, năng lượng và môi trường và tập trung vào thúc đẩy hàng hóa công... sẽ là "điều hợp lý".
Tuần trước đã diễn ra cuộc họp cấp bộ trưởng giữa Mỹ, UAE và Israel tại Washington, đánh dấu một năm Hiệp ước Abraham thiết lập hai nhóm công tác nhằm thúc đẩy hợp tác ba bên cũng như trong khu vực. Một nhóm đang tập trung vào việc tăng cường đoàn kết tôn giáo còn nhóm kia tập trung về các vấn đề nước và năng lượng.
Nhóm "Bộ tứ” mới ở Trung Đông có thể không phải là liên minh mới duy nhất của Ấn Độ trong khu vực, nhưng là một khuôn mẫu hợp lý để theo đuổi các mối quan hệ đối tác nhỏ trong phạm vi khu vực.
Ông Raja Mohan cho rằng, chủ nghĩa khu vực mới của Ấn Độ ở phía tây Tiểu lục địa cũng phải được hình thành bằng sự dịch chuyển của địa chính trị.
Trong khi Ấn Độ có thể hợp tác với nhiều đối tác cũ và mới trong khu vực ở nhiều định dạng, lĩnh vực khác nhau thì hiện còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của “Hiệp ước Ấn Độ-Abraham”.
Liên đoàn quốc tế các phòng thương mại Ấn Độ-Israel cho rằng quy mô của thị trường Ấn Độ kết hợp với quá trình đổi mới của Israel và vốn của UAE có thể tạo ra những lợi ích to lớn cho cả ba quốc gia. Cộng thêm sự hỗ trợ chiến lược của Mỹ có thể thúc đẩy sự hình thành một động lực mạnh mẽ trong khu vực.
Ngoài thương mại, Ấn Độ, UAE và Israel có tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực - từ thiết kế và chế tạo chất bán dẫn đến công nghệ vũ trụ.
Theo nhà phân tích Raja Mohan, thành công trong hợp tác tay ba sẽ mở ra cánh cửa mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác khu vực chung khác như Ai Cập, những nước sẽ tạo ra chiều sâu chiến lược to lớn cho các hiệp ước Ấn Độ-Abraham.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-bo-tu-moi-162228.html