Một chiến lược mới có thể 'cứu' Ukraine?
Kiev nên tập trung vào quốc phòng, bớt phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.
Nhận định với tờ Wall Street Journal ngày 5/2, Stephen J. Hadley, Chủ tịch ban cố vấn quốc tế của Hội đồng Đại Tây Dương, từng là cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng giai đoạn 2005-2009 và Matthew Kroenig, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc cấp cao của Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương và là thành viên của Ủy ban Quốc hội về Vị thế Chiến lược của Mỹ, cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã đạt đến điểm quan trọng, đòi hỏi phải đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí và công nghệ tiên tiến, đồng thời theo đuổi chiến lược quân sự và ngoại giao mới, tăng cường sản xuất quốc phòng của Ukraine.
Hai chuyên gia này lưu ý, nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden áp dụng cách tiếp cận này, Nhà Trắng có thể ứng phó với sự từ chối của quốc hội trong việc cung cấp thêm viện trợ cho Ukraine khi không có một chiến lược rõ ràng.
Theo các chuyên gia trên, cuộc phản công trong năm 2023 của Ukraine kém thành công hơn nhiều người mong đợi, khiến lực lượng Nga điều kiện củng cố lực lượng. Các chiến thuật mới, chẳng hạn như sử dụng máy bay không người lái để phát hiện xe bọc thép và vũ khí chính xác để tiêu diệt chúng, đã mang lại cho lực lượng Nga lợi thế về phòng thủ. Trong khi đó, sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine không được đảm bảo, đặc biệt khi đối mặt với tình trạng bế tắc ở Mỹ, vì vậy cuộc chiến tiêu hao đang có lợi cho Nga nhờ lợi thế về công nghiệp và nhân lực.
Để giải quyết những thực tế này, Ukraine và những nước ủng hộ Kiev nên theo đuổi một chiến lược phù hợp với các yếu tố chính.
Đầu tiên, hoạt động quân sự của Ukraine nên tập trung nhiều hơn vào phòng thủ. Kiev cần duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ, đặc biệt là ở Odesa, nơi cung cấp quyền tiếp cận Biển Đen - rất quan trọng đối với nền kinh tế Ukraine, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu ngũ cốc sang thị trường quốc tế. Các lực lượng Ukraine nên thiết lập các tuyến phòng thủ kiên cố và sử dụng các cảm biến và máy bay không người lái tiên tiến để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga trong tương lai.
Thứ hai, Ukraine cần giảm sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Ukraine có một ngành công nghiệp quốc phòng mạnh và đang sản xuất nhiều vũ khí hơn trước cuộc xung đột. Kiev đã ký hơn 20 thỏa thuận với các đối tác nước ngoài để cùng bảo trì và sản xuất vũ khí, giúp nước này tăng cường năng lực công nghiệp trong và ngoài nước. Công ty Rheinmetall của Đức và công ty Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch xây dựng cơ sở ở Ukraine để sản xuất xe tăng và máy bay không người lái.
Trong khi đó, Mỹ bị “tụt lại phía sau”, vì vậy Washington nên thúc đẩy liên doanh với ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine bằng cách giúp các công ty quốc phòng Mỹ giảm thiểu rủi ro khi kinh doanh trong vùng chiến sự và giảm bớt các quy định, bao gồm các hạn chế về chuyển giao công nghệ theo Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế.
Thứ ba, Mỹ và các nước khác nên giúp Ukraine xây dựng mạng lưới phòng không và hệ thống phòng thủ tên lửa cần được tăng cường. Ukraine cần tự bảo vệ mình trước chiến dịch không kích từ Nga. Các đồng minh phương Tây nên tái phân bổ các khẩu đội Patriot từ các khu vực khác của châu Âu sang Ukraine và hợp tác với Kiev để phát triển các hệ thống phòng thủ công nghệ thấp, chi phí thấp chống lại máy bay không người lái và các vũ khí chiến trường khác.
Ngoài ra, vấn đề tư cách thành viên NATO sẽ được “gác lại” ít nhất cho đến khi có một ranh giới phân chia ổn định giữa các lực lượng Ukraine và Nga và cường độ xung đột giảm bớt. Đây là những vấn đề nhạy cảm và tư cách thành viên NATO của Ukraine cần phải có sự đồng thuận hoàn toàn trong liên minh.