Một chương trình nhiều ý nghĩa
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt ngày 4/10/2021.
Giai đoạn 2021-2025, huyện Đồng Hỷ triển khai 10 dự án nằm trong Chương trình với tổng vốn đầu tư trên 121 tỷ đồng. Trong đó, trên 105 tỷ đồng thuộc nguồn ngân sách Trung ương, phần còn lại trích từ ngân sách địa phương. Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đến nay các dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Đơn cử, từ năm 2022 đến nay, địa phương đã hỗ trợ 35 hộ dân xây mới nhà ở; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.057 hộ; đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung… Đặc biệt, Đồng Hỷ đã đầu tư xây dựng 2 khu tái định cư (TĐC) tập trung ở xã Văn Lăng (khu TĐC tập trung Bản Tèn cho 30 hộ và khu TĐC tập trung Liên Phương cho 35 hộ). Đây là hai xóm đặc biệt khó khăn, đồng bào sinh sống ở khu vực ven suối, núi đá, vùng xa xôi hẻo lảnh, nơi có nguy cơ xảy ra thiên tai, lũ quét. Dự kiến, đến cuối năm nay, 2 dự án sẽ hoàn thành và di dời các hộ dân.
Bà Vi Thị Định, Bí thư Chi bộ xóm Liên Phương, cho biết: Mong rằng, dự án sớm hoàn thành, người dân được chuyển về nơi ở mới, không còn thấp thỏm lo âu khi mưa to, sạt lở đất, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của bà con.
Không dừng lại ở đó, từ việc thực hiện Chương trình, kết cấu hạ tầng ở các địa bàn vùng khó của huyện đã được đầu tư xây dựng. Đến nay, Đồng Hỷ đã hỗ trợ xây dựng mới, sữa chữa 22 nhà văn hóa; 29 công trình đường giao thông, cống qua đường; 1 công trình lớp học.
Ông Vũ Xuân Thái, Trưởng Phòng Dân tộc huyện, cho hay: Bà con rất phấn khởi khi khi tuyến đường từ xóm Khe Hai đi xóm Văn Khánh, xã Văn Lăng, với chiều dài 6,45km; tuyến đường bê tông xóm Bản Tèn dài 2,31km đã được đầu tư xây dựng. Qua đó giúp giải quyết cơ bản về giao thông ở những xóm có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
Điểm nhấn của Chương trình còn được thể hiện rõ nét khi sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện được quan tâm. Đến năm 2024, Đồng Hỷ đã đầu tư 6 công trình nhà lớp học cho các trường bán trú, trường có học sinh bán trú tại các xã Văn Lăng, Tân Long, Hợp Tiến. Đồng thời tổ chức 9 lớp đào tạo nghề (chế biến chè xanh, chè đen; kỹ thuật chế biến món ăn; nuôi và trị bệnh cho gà) trình độ sơ cấp cho 286 người.
Cũng từ Chương trình, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn liền với phát triển du lịch được thực hiện khá hiệu quả. Cụ thể, huyện đã đầu tư xây dựng mới một nhà văn hóa Bản Tèn, xã Văn Lăng, đảm bảo tốt các điều kiện sinh hoạt của nhân dân xóm Bản Tèn…
Ngoài ra, các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... cũng được Đồng Hỷ triển khai khá bài bản.
Có thể thấy, sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình đã thể hiện được những ý nghĩa quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn. Đồng thời góp phần làm thay đổi diện mạo những nơi còn nhiều khó khăn của huyện. Đây sẽ nền tảng để Đồng Hỷ thực hiện Chương trình hiệu quả hơn trong thời gian tới.