'Một chút làng Sen đau ở cuối trời'
Làng Sen quê nội Bác cách làng Chùa (làng Hoàng Trù) quê ngoại khoảng 1 cây số. Quê ngoại là nơi cách nay vừa tròn 132 năm, trong ngôi nhà tranh giản dị, phía trước có hàng cau, một người mẹ Việt Nam đã sinh ra một người con trung hiếu của dân tộc. Năm 1957, sau nửa thế kỷ đi xa, Bác mới có dịp về thăm quê cha.
Trong cuộc đời của Hồ Chủ tịch, có hai địa danh gắn với Người một cách sậu đậm nhất, đó là làng Sen- quê nội của Bác và quảng trường Ba Đình, nơi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đặt chân đến hai địa danh này, du khách cả trong nước và quốc tế gần như ai cũng có một ấn tượng thật đặc biệt, khó phai. Tôi trở về quê Bác làng Sen và thăm quảng trường Ba Đình vào một ngày cuối tháng 3.
Trong quan niệm chung của người Việt Nam, hoa sen tượng trưng cho sự thanh tao, cao đẹp và thuần khiết nhất. Một sự trùng hợp thú vị khi ở dải đất miền Trung khắc nghiệt có một địa danh với tên gọi: làng Sen. Như bao làng quê khác của nông thôn Việt, làng Sen cũng có lũy tre, giếng nước, mái đình, những con đường nho nhỏ dẫn vào làng…
Đây là những hình ảnh thân thương nhất của vùng quê Việt Nam. Cuộc đời của Bác được ví như loài sen vậy: trong sáng, vô tư, cả một đời vì nước vì dân. Trong bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” của nhạc sĩ Thuận Yến có câu “Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam…”.
Làng Sen quê nội Bác cách làng Chùa (làng Hoàng Trù) quê ngoại khoảng 1 cây số. Quê ngoại là nơi cách nay vừa tròn 132 năm, trong ngôi nhà tranh giản dị, phía trước có hàng cau, một người mẹ Việt Nam đã sinh ra một người con trung hiếu của dân tộc. Năm 1957, sau nửa thế kỷ đi xa, Bác mới có dịp về thăm quê cha.
Từ sự kiện này, cũng chính nhạc sĩ Thuận Yến đã viết nên ca khúc nổi tiếng “Người về thăm quê”. Lời bài hát có đoạn: “Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương, người về đây thăm làng Chùa quê mẹ và làng Sen quê cha… Thương mái nhà tranh thương đất mẹ nghèo…”.
Trong ngôi nhà nơi Bác sinh ra, có hai kỷ vật được lưu giữ cẩn thận: khung cửi và cánh võng. Đặc biệt, với cánh võng, người mẹ làng Sen đã đưa cậu bé Cung vào giấc ngủ bằng những làn dân ca, những câu ví dặm ngọt ngào.
Có lẽ tiếng ru của người mẹ đã thấm đẫm tâm hồn của chú bé Nguyễn Sinh Cung. Chính vì thế, trước khi “sang bên kia bầu trời, Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ bởi làng Sen day dứt không nguôi”.
Cuộc đời 79 mùa xuân thì đã có 30 năm sống bôn ba nơi trời Tây. Nhưng hồn quê, tình quê vẫn vẹn nguyên trong con người ấy. Vừa về đến quê nhà, Bác đã ứng khẩu: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Nếu nói về văn hóa, tư tưởng Hồ Chí Minh, một cách ngắn gọn nhất, không cần diễn giải dài dòng, đó chính là tính dân tộc kết hợp với tính thời đại. Hai mươi mốt tuổi ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc cho đến khi “lên đường nhẹ bước tiên” để trở về với thế giới người hiền ở tuổi 79, Bác chỉ về thăm quê được có hai lần: năm 1957 và 1961. Nhân cách cao đẹp, sự cống hiến vô tư, không mệt mỏi cho dân tộc và cho nhân loại của Bác đã được nhạc sĩ Thuận Yến định nghĩa: “Người là hoa sen tỏa ngát hương đời”.
Buổi sáng cuối tháng 3, cùng với nhiều người, tôi xếp hàng để vào lăng viếng Bác. Buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng mùa xuân trên miền Bắc, trời trong, gió nhẹ, se lạnh. Từ sáng sớm đã có rất đông người xếp hàng chờ được vào lăng.
Trong số những đoàn khách vào lăng viếng Bác hôm ấy, có những đoàn ở rất xa. Một vị khách quê ở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, trong lúc chờ vào lăng đã kể rằng: Hồi nhỏ, chị học rất giỏi, đã mấy lần “suýt” được đi Hà Nội thăm lăng Bác cùng với ba má.
Nhưng lần lữa chưa kịp đi thì ba chị mất. Thế là giấc mơ ra Hà Nội để được nhìn thấy Bác đành phải tạm gác lại. Hơn mười năm kể từ ngày ba mất, chị mới có điều kiện ra Hà Nội. Chị nói, có lẽ trong đời chị chỉ đi được lần này. Nhưng đây chắc chắn là một chuyến đi đầy cảm xúc.
Xếp hàng gần với chúng tôi là một đoàn khách rất đông học sinh và giáo viên. Hỏi mới biết, những em học sinh này đến từ một địa phương nổi tiếng, bởi nơi đây từng là giới tuyến phân chia hai miền: đoàn học sinh và giáo viên tỉnh Quảng Trị. Một cô giáo cho biết: đoàn của các cô ở phía Nam huyện Vĩnh Linh, tức bờ Nam sông Bến Hải, cũng có nghĩa là phía Nam vĩ tuyến 17.
Cả đoàn đã đi rất nhiều nơi: lên Tuyên Quang thăm cây đa Tân Trào, xuống Cao Bằng thăm hang Pác Bó rồi mới về Hà Nội viếng lăng Bác. Với chất giọng nằng nặng của người sinh ra ở khúc ruột miền Trung, một học sinh em bày tỏ cảm xúc: qua nhiều bài hát và tác phẩm văn học, hình ảnh của Bác đã in đậm trong trí nhớ của em, song được tận mắt nhìn thấy Bác thì em mới thỏa nguyện ước mơ.
Rồi giây phút mà tất cả chúng tôi mong chờ cũng đã đến khi anh cảnh vệ cất tiếng nói rất ấm áp: “Mời đồng bào bắt đầu di chuyển để vào lăng viếng Bác. Đề nghị đồng bào đi nhẹ, nói nhỏ. Nếu đồng bào có máy chụp ảnh, xin mời theo bảng chỉ dẫn để đến nơi gửi, không được mang theo máy ảnh vào lăng…”.
Trước mắt chúng tôi là thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh- một con người mà cả loài người tiến bộ trên thế giới đều tôn thờ, kẻ thù cũng kính nể. Một con người đã góp phần viết nên lịch sử của thế kỷ XX. Chính nhân vật lịch sử này đã lãnh đạo dân tộc mình đứng lên chặt đứt mắt xích quan trọng của hệ thống chủ nghĩa thực dân, dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa áp bức và nô dịch trên phạm vi toàn cầu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng, là đề tài lớn trong thơ ca nhạc họa. Ngoài nhà thơ Tố Hữu, sẽ thiếu sót lớn nếu không nhắc đến nhà thơ Chế Lan Viên. Chế Lan Viên được giới phê bình nghệ thuật đánh giá, dù là nhà thơ nhưng ít khi ông để cảm xúc chi phối, ngược lại, thơ ông giàu tính trí tuệ, tính triết lý.
Mỗi bài thơ của ông như một áng văn chính luận, giàu chất suy tư, bố cục chặt chẽ, tính thuyết phục cao. Có ý kiến đánh giá, Chế Lan Viên là nhà thơ duy nhất thành công trên con đường nghệ thuật cả trước sau năm 1945. Ngày 2.5.2022, trang Fanpage có tên gọi “Thành phố Hồ Chí Minh” đăng bốn câu thơ viết về Bác Hồ, nguyên văn như sau:
“Bác nằm đó chỗ Ba Đình khai sáng nước
Người ngủ yên nơi người đã bắt đầu
Xưa Bác về một bộ áo quần nâu
Nay giản dị ra đi màu tóc trắng
Ngọn suối của một đời trong sáng
Nay kết tinh thành khối thủy thiên đăng”.
Phía dưới, người ta đề tên tác giả là nhà thơ Tố Hữu. Đây thật ra là sự nhầm lẫn. Sáu câu thơ giàu chất trí tuệ nêu trên nằm trong bài thơ “Ta nhận vào ta phẩm chất của Người” do nhà thơ Chế Lan Viên sáng tác. Tinh thần của bài thơ này ngợi ca, đề cao những phẩm chất tốt đẹp, vĩ đại nhưng giản dị về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong điều kiện hiện nay, khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bài thơ càng có ý nghĩa lớn. Cũng trong bài thơ này, Chế Lan Viên, chỉ bằng mấy câu thơ mộc mạc, không dùng kỹ xảo ngôn ngữ nhưng vẫn cuốn hút người đọc bởi chất trí tuệ của nhà thơ khi ông viết về lịch sử đấu tranh của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngôi nhà sàn giữa vườn hoa mộc/ Khi sao lên có dáng con tàu/ Bác lên boong, trắng ngời râu tóc/ Gió trong vườn vỗ sóng lao xao” và “Việt Nam vứt xuống thềm lục địa này ba tên đế quốc/ Ngôi nhà sàn nằm yên trong hoa mộc hoa ngâu/ Nhưng kìa, trên mặt bể, chỗ Bác đi qua, sóng còn thao thức/ Như lan mãi, lan xa theo vệt sáng con tàu”.
Trong một bài khác, Chế Lan Viên viết những câu thơ về Bác giàu tính chính luận, khó ai qua được: “Một thế hệ Hồ Chí Minh ấy là lực lượng/ Một con đường Hồ Chí Minh ấy là phương hướng/ Một thành phố Hồ Chí Minh làm đích phía chân trời/ Người ký XYZ- CB như dân ký lúa, xoài/ Người không muốn trang sách hóa thần, nhân dân quỳ để dọa/ Dẫu tuyệt bút thi thư, cũng con đẻ cửa đời/ Ngọn suối reo! Nghe như tiếng Bác cười/ Và ta đi giữa con sông là trang viết của Người”.
Cả cuộc đời 79 mùa xuân, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống một cuộc đời oanh liệt”. Thế nhưng trong con người vĩ đại ấy hiện lên sự gần gũi đến mức khó lý giải, đúng như Chế Lan Viên viết: “Ôi giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào? Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc”.
“Ba mươi năm ấy chân không nghỉ” và hiến dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc nhưng hình ảnh quê hương lúc nào cũng hiển hiện trong con người của Bác, đúng như Chế Lan Viên thể hiện trong bài thơ “Nắm đất biên thùy” viết về hang Pác Bó - nơi Bác “tạm trú” trong những ngày đầu về nước: “Rừng thẳm, non xa, bể rộng, sông dài/ Một chút làng Sen đau ở cuối trời/ Giai cấp, giống nòi, nghìn xưa, hiện tại/ Một phút định hình, một phút hoài thai/ Phút kính cẩn hai tay nâng lấy đất / Ba mươi năm đất ấy ở trong hồn/ Nay xương thịt, nay hình hài trước mặt/ Bác lặng nhìn và cúi ghé môi hôn”.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/mot-chut-lang-sen-dau-o-cuoi-troi-a145373.html